Nỗi khổ của thành phố “đầu tàu”

(PLVN) - Nỗi bức bối của cả trăm ngàn người dân và DN tại TP HCM về vấn nạn chậm được cấp sổ hổng không chỉ bùng phát mới đây.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bức xúc này đã âm ỉ rất nhiều năm. Hơn một năm trước, ngày 10/4/2019, UBND TP từng tổ chức Hội nghị gặp gỡ với 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn. Hội nghị cho thấy những vướng mắc trên đã được TP nhận diện, xác định nguyên nhân rất rõ và thậm chí Bí thư Nguyễn Thiện Nhân còn phải “cầm tay chỉ việc” từng Giám đốc Sở, từng chuyên viên.

Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện các DN và đại diện một số Sở ngành Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, TN&MT, Tài chính… trình bày, ông Nhân yêu cầu người đứng đầu các sở phải quyết liệt hơn nữa giúp đỡ DN.

Sau một số vụ sai phạm liên quan đến đất đai bị phát giác khiến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ TP HCM vướng lao lý, đã hình thành một tâm lý lo sợ, e ngại khi làm việc của các cán bộ thuộc lĩnh vực này. Nhưng không phải vì thế mà Giám đốc (GĐ) Sở phải lo ngại “muốn giúp DN nhưng không biết làm thế nào”. "Muốn giúp thì phải hiểu, vận dụng pháp luật. Khó thì thảo luận trong ngành. Khó nữa thì thảo luận liên ngành, mời Ủy ban. Khó nữa thì báo Thành ủy. Không được thì báo cáo Chính phủ, Quốc hội", ông Nhân hướng dẫn.

Ông Nhân khẳng định, GĐ Sở là người quản lý một ngành của TP thì phải nắm rõ yếu tố kỹ thuật, pháp luật và biết cách trả lời DN. Về câu chuyện chuyên viên cấp Sở khi nhận hồ sơ của DN lại không trình lên cấp trên khiến công việc bị trì hoãn, ông Nhân khẳng định người đứng đầu mỗi Sở phải có trách nhiệm yêu cầu chuyên viên giải quyết hồ sơ trong thời hạn cho phép. Chuyên viên không biết phải hỏi phó phòng. Phó phòng không được thì trình trưởng phòng. Không được thì trình phó GĐ phụ trách rồi GĐ.

“Tình trạng nhân viên chưa biết làm thế nào, rồi không trình lên cấp trên ngay không được xảy ra. Chuyện này vi phạm thời hạn giải quyết. Còn trình độ anh không biết làm thế nào thì đừng làm nữa. Không được nói không biết rồi khoan chưa làm, để đấy cái đã. Đừng nói tôi không nắm vững rồi ngâm ra đó", ông Nhân cương quyết.

Thế nhưng còn một vướng mắc nữa, mà dường như bản thân TP HCM cũng bế tắc vì ngoài thẩm quyền, ngoài tầm với. Ông Nhân tâm sự, nói về khó khăn liên quan đến việc pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo thì đây là vấn đề chung chứ không của riêng TP HCM: "Nếu khó khăn do pháp luật chồng chéo thì đâu cũng có. Khó khăn không phải chỉ vì TP mà còn những khó khăn do điều kiện kinh tế, pháp luật chưa hoàn chỉnh”. TP HCM quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém của riêng mình, “còn những vấn đề thuộc về cấp cao hơn thì DN cần góp tiếng nói quyết liệt hơn”.

Không chỉ đưa ra quan điểm bản thân cầu thị, khích lệ DN như trên, người đứng đầu Thành ủy TP HCM còn tâm sự những lời gan ruột: “Nơi nào càng nhiều DN hoạt động thì càng bị tác động mạnh”.

Từng đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội – pháp lý, không ai ngờ lại có lúc TP “đầu tàu” lâm vào tình trạng bế tắc như vậy. Dư luận tin rằng với chủ trương, chính sách luôn ủng hộ giúp đỡ DN, tạo môi trường pháp lý – kinh doanh minh bạch, thông thoáng, những vướng mắc trên của TP HCM sẽ sớm được TW, Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ.