Nỗi lo mai một Lễ hội Xăng Khan

(PLVN) - Lễ hội Xăng Khan tổ chức 3 năm một lần, là di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Lễ hội lần này bị mai một.
Lo ngại Lễ hội Xăng Khan bị mai một.
Lo ngại Lễ hội Xăng Khan bị mai một.

Hiếm nhân tố trẻ yêu hát, diễn xướng dân ca 

Khoảng những năm 1980 trở về trước, người trong các bản làng miền Tây Nghệ An đều biết đến Xăng Khan - một Lễ hội tín ngưỡng tâm linh độc đáo của dân tộc mình. Theo tiếng Thái, “Xăng Khan” là dặn dò và đáp lời, người Thái cho rằng, “Xăng” là lời nhắn của ông Mo thầy đã khuất đối với ông Mo còn sống đã được truyền dạy nghề thầy cúng, Khan là sự nhận lời của ông Mo được truyền dạy hứa hẹn để làm những điều tốt lành hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Tuy nhiên, khoảng gần 30 năm nay, trong các bản làng người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An đã ít thấy bóng dáng Xăng khan.

Nghệ nhân Ưu tú (NSƯT) Sầm Văn Bình ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Năm 1978, tôi được tham dự một Lễ Xăng Khan do Thầy mo Sầm Văn Tấn ở bản Yên Luốm tổ chức. Từ đó đến nay không thấy ông mo nào ở Quỳ Hợp tổ chức Xăng Khan nữa. Năm 2017, Lễ hội Xăng Khan của người Thái Nghệ An được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau lễ công bố, Xăng Khan vẫn chưa hồi sinh trở lại trong cộng đồng người Thái ở Quỳ Hợp”.

NSƯT Lê Hoàng là người nhiều năm nghiên cứu về công tác bảo tồn và phát triển dân ca dân tộc thiểu số Nghệ An chia sẻ: “Có một thực tế là hiện tại các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng mai một. Điển hình như Lễ hội Hạn Khuống (lễ hội của đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại (hát, kể chuyện) trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã) hiện dường như biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, cùng với đó là những nhạc cụ, con người dường như cũng xa rời theo”.

“Đơn cử như việc làm khèn bè, không phải ai khéo léo trong sản xuất công cụ của đồng bào cũng có thể làm khèn. Trước đây có một vài cụ có thể làm được khèn đúng chất, khi sử dụng âm thanh cho ra đúng giai điệu, nhưng các cụ ấy đã theo tiên tổ về trời, mang theo cả đôi bàn tay khéo léo và cả khả năng thẩm định âm thanh, lựa chọn nguyên liệu khi kết khèn, thế là nay không còn ai sản xuất công cụ này nữa”.

Cũng theo NSƯT Lê Hoàng, nhiều cụ già người Thái còn giữ được khúc hát ru, mà nó không thể truyền đạt được bằng các khuông nhạc, hoặc các kỹ thuật ghi âm, mà chỉ bảo tồn nó bằng cách truyền miệng, nay các cụ đã không còn và cũng không có ai thực hiện được sứ mệnh đó nữa. Vì thế, các làn điệu hát ru bị mai một hoặc không được truyền dạy một cách bài bản. Bên cạnh đó, hiện ở các bản, làng chưa xuất hiện nhân tố trẻ nào biết hát, biết diễn xướng dân ca.

Đừng để câu lạc bộ dân gian hoạt động tự phát

Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Quyết định số 998 về việc tổ chức tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An năm 2021. Theo đó, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Nghệ An tổ chức mở lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể từ ngày 6- 9/4/2021, tham gia lớp truyền dạy là 70 nghệ nhân nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể, các học viên là người dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp.

Thông qua lớp truyền dạy, từng bước khôi phục và góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân ít người. Bên cạnh đó xây dựng cơ chế chính sách sát thực tế trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc Thái tại huyện Quỳ Hợp, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích động viên các nghệ nhân trong việc bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ kế cận, hướng đến đảm bảo đối tượng tham gia và được thụ hưởng là chủ thể văn hóa, chủ nhân sáng tạo văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại huyện Quỳ Hợp.

Trước thông tin này, NSƯT Lê Hoàng cũng đề xuất, không nên để cho các câu lạc bộ dân gian hoạt động theo kiểu tự phát, không định hướng như hiện nay mà các cấp, ngành văn hóa cần phải tham mưu cho chính quyền quan tâm thực sự tới những người sưu tầm, các nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể. 

Đồng thời, cần có chiến lược, chương trình phục dựng và truyền dạy dân ca dân tộc thiểu số một cách bài bản nhằm giữ được hồn cốt, bản sắc dân tộc, đưa các loại hình này gắn bó với sinh hoạt cộng đồng, phục vụ tốt cho các tour du lịch để các câu lạc bộ có điều kiện tự trang trải thì mới có thể phát triển một cách bền vững.

Đọc thêm