Lấy ngắn nuôi dài
Vũ Hứa Sinh vừa tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế thuộc một trường đại học công lập có tiếng. Chưa xin được công việc đúng chuyên môn tại Hà Nội nên nghe tin một công ty giày da tại Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa tuyển dụng, Sinh đã nộp hồ sơ với mong muốn có tiền mưu sinh.
Biết mình so với nhiều công nhân cũ đang làm thì mọi thứ đều đang ở điểm xuất phát nên Sinh luôn cố gắng hết khả năng để hoàn thành công việc. Trưởng xưởng thấy Sinh chăm chỉ thì có lời khen và động viên. Điều này đã làm nhiều người khó chịu và sự việc càng bị đẩy lên cao khi các công nhân trong xưởng biết được Sinh đã tốt nghiệp đại học, vì thất nghiệp nên mới đi làm công nhân.
Không ai bảo ai, tất cả đều lánh xa và tỏ vẻ khinh miệt Sinh. Những từ ngữ mọi người nói về Sinh chủ yếu là phân biệt, coi thường, đại loại như: “Học không ra gì thì mới vào đây chứ, bao công sức bố mẹ nuôi cho đến bây giờ thật là tốn cơm tốn gạo”; “Tưởng học đại học làm ông nọ, bà kia oai thế nào, hóa ra cũng chỉ để làm công nhân mà thôi”... Sau những lời miệt thị, coi thường, Sinh cảm thấy chán nản và áp lực mỗi khi đến làm việc.
Cùng làm với Sinh là Nguyễn Thị Hoa, tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi nhưng sau mấy năm lận đận tìm công việc từ Hà Nội vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng, cuối cùng vẫn phải về quê làm công nhân. Ở xưởng, Hoa rất ít nói chuyện với mọi người vì phần lớn những người ở đây cho rằng những người như Hoa và Sinh đã “cướp đi miếng cơm, manh áo của họ”.
|
Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng ra trường cũng khó xin được việc làm (ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Nguồn: Internet) |
“Mọi người đều nghĩ thế nên tôi rất khó để tiếp xúc, trò chuyện được với một ai đó” – Hoa chia sẻ. Dù rất buồn nhưng suy đi tính lại, làm ở quê Hoa không phải quá lo gánh nặng chi phí sinh hoạt hàng ngày và lương cao hơn những công việc trái ngành nghề khác mà Hoa đã từng làm trước đây nên cô cắn răng vượt qua nỗi buồn bị khinh miệt để làm việc. Để đỡ bị cô lập, những người có thân phận như Hoa và Sinh thường tìm đến chơi với nhau. Hoa cùng những người bạn đã tốt nghiệp đại học thuê nhà trọ ở trên phố rồi cùng đi làm với nhau. Ban đầu thấy ít, giờ xóm trọ đại học đi làm công nhân cũng được trên chục người.
Cần cái nhìn tích cực, công bằng
Cũng như Hoa và Sinh, do không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học ngành hàng hải nên đầu năm 2013, Vũ Văn Tân cùng hai người bạn tên Đức và Hải đã đầu quân cho một xưởng cơ khí. Nhưng họ đành bỏ việc sau đó một thời gian vì không chịu nổi điều tiếng mọi người dè bỉu sau lưng. Cả ba bạn trẻ đã tìm lên khu biên giới Lạng Sơn làm nghề bốc vác với mức lương tầm 6 – 7 triệu/tháng.
“Hồi mới lên đây làm em nhớ nhà lắm nhưng không dám về, chỉ dám gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, ông bà ở nhà. Ở xóm có ba đứa được nuôi ăn học tử tế nhưng sau khi tốt nghiệp không tìm được việc nên xấu hổ lắm. Em tính lên đây kiếm việc làm tạm thời ít năm lấy vốn về kiếm kế sinh nhai” – Tân tâm sự.
Dù gì thì cũng đã từng được học hành tử tên nên tuy bị mọi người coi thường nhưng Hoa, Sinh và Tân luôn cố gắng động viên mình cố gắng làm việc để được thưởng công cuối tháng, lấy lại hình ảnh cử nhân trong mắt mọi người. Nhưng tránh sao cho khỏi những lúc họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì chán nản.
Hiện tượng cử nhân ra trường ngậm ngùi cầm bằng đi làm công nhân không còn là hiếm ở thời buổi hiện nay. Nhưng ít ai quan tâm đến nỗi buồn, nỗi nhục của những người này khi bị mọi người, cộng đồng khinh rẻ.
Nói về vấn đề này, nhiều nhà xã hội học cho rằng theo sự phân công xã hội, mỗi người đều có một công việc và mọi việc đánh giá đều ở mức độ tương đối. Làm công nhân cũng là một công việc chân chính, mưu sinh bằng chính sức lao động của mình nên những bạn trẻ như Sinh, Hoa và Tân không nên xấu hổ, phải biết bỏ qua mặc cảm để vận động bản thân nỗ lực trong cuộc sống.
Còn những người xung quanh cần biết rằng, đôi khi chỉ cần một cử chỉ, hành động sai lệch với chuẩn mực xã hội của mình cũng có thể khiến những người bên cạnh bị tổn thương. Mỗi người đều có cách lựa chọn riêng cho bản thân để tiếp tục cố gắng trong cuộc sống.
Sinh, Hoa và Tân có lý do riêng để lựa chọn công việc hiện tại. Vì vậy, không nên tỏ thái độ miệt thị hay cô lập mà nên giúp họ bằng những nụ cười, những cái nhìn thân thiện để họ biết là mình không bị lạc lõng và không bị coi thường./.