Chuyện “dở khóc, dở cười” của những công dân hạng hai
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau: Công dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp là có thể đăng ký thường trú, không có yêu cầu về thời gian.
Trước đây, việc có hộ khẩu Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là “mơ ước” của nhiều người dân ngoại tỉnh. Bởi vì, ngoài việc có chỗ ở hợp pháp thì phải có thời gian tạm trú từ 1-2 năm, riêng Hà Nội phải lên đến 3 năm.
Trong suốt những năm chờ đợi đó, những công dân chưa có hộ khẩu tại các thành phố lớn phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công về quyền lợi, dù về nghĩa vụ họ vẫn phải hoàn thành như bao công dân khác. Điều đó được minh chứng bằng thực tế nhiều ngành đã lấy sổ hộ khẩu là tiêu chí để giải quyết các thủ tục hành chính, chế độ chính sách, quyền lợi công dân. Điển hình như cấp đất xây dựng nhà ở; ký hợp đồng cung cấp điện, nước sinh hoạt; tuyển chọn học sinh các bậc học…
Tại Hà Nội, mỗi dịp đầu năm học mới, chỉ riêng việc xin cho con nhỏ vào học lớp mẫu giáo tại một trường công cũng trở thành nỗi lo của cả đại gia đình. Bởi theo quy định, trẻ con 3 tuổi đã có thể được đi học mẫu giáo công lập nhưng gia đình lại chẳng thể có đủ thời gian tạm trú 3 năm để xin nhập hộ khẩu tại thành phố.
Lại có câu chuyện, vào ngày Quốc khánh, 30/4 và nhiều ngày lễ khác, những gia đình có hộ khẩu tại phường sẽ được thông báo tất cả hộ dân đều phải treo cờ để chào mừng. Các hộ dân có hộ khẩu sẽ được chính quyền phường lắp cho một cái ống tôn, bắt đinh vít gắn vào tường để cắm cán cờ, nhưng ở nhiều khu chung cư khi chưa có hộ khẩu họ sẽ không được lắp. “Tất nhiên, chúng tôi có thể tự trang bị một thứ đơn giản như vậy nhưng cảm giác “không thuộc về cộng đồng” trở thành thứ gì đó lớn hơn cái đinh vít nằm nghẹn ngang cổ họng”, câu chuyện nhỏ của một công dân hạng hai giữa lòng Thủ đô khiến nhiều người suy ngẫm.
Lại nói, ở Hà Nội, người nhập cư nếu không có hộ khẩu thì không đủ điều kiện để tham gia tuyển dụng công chức. Nếu vẫn muốn thi công chức ở Hà Nội mà không có hộ khẩu thì họ phải tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi. Đây rõ ràng là một sự phân biệt không thể chối cãi.
Trong một cuộc Hội thảo tham vấn về hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội đã nhận định rằng: “Trong thực tế cuốn sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng”.
Cũng theo ông, đối với người không có hộ khẩu, thường rơi vào các trường hợp dân di cư thì cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều vất vả. Lên phường xin chứng nhận một thủ tục nào đó, không đủ giấy tờ, đi lại mấy lần không giải quyết được, rất mệt mỏi. Nếu về quê để xin chứng nhận thì mất thời gian và tốn kém, nhiều khi còn gặp khó khăn không thể xin được. Trong khi đó, theo Luật Cư trú trước đây thì muốn nhập hộ khẩu thành phố không đơn giản, phải có các điều kiện như nơi ở hợp pháp, thời gian tạm trú liên tục, đủ diện tích sàn bình quân.
Việc đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương đã trở nên dễ dàng hơn với công dân khi điều kiện nhập hộ khẩu được nới lỏng. (Ảnh: Báo Công an nhân dân) |
Trong cuộc khảo sát của mình, PGS. TS Đặng Nguyên Anh cũng gặp một gia đình nghèo ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Đây là khu vực tạm cư ở ven sông. Một gia đình có ba thế hệ, tám nhân khẩu, từ miền Tây lên thành phố mưu sinh 20 năm nay nhưng chưa có hộ khẩu. Lý do được họ đưa ra là không biết quy định như thế nào để kê khai và có kê khai thì nơi sinh, nơi ở cũng không ai xác minh cho thì việc đăng ký tạm trú cũng đã là khó khăn. Do đó, dù gia đình họ rất nghèo nhưng không thuộc diện được xét hỗ trợ, họ không được mời đi họp vì không thuộc diện hộ khẩu thường trú. Nếu có thắc mắc với chính quyền địa phương thì sẽ được trả lời với lý do “không phải người ở đây”.
Bởi không được tham gia vào những hoạt động sinh hoạt cộng đồng đó mà nhiều người nhập cư gặp một số rào cản trong tiếp cận dịch vụ xã hội, điều đó biến họ trở thành một tầng lớp nghèo mới ở các thành phố sầm uất, trở thành nhóm công dân hạng hai bất đắc dĩ.
“Lằn ranh mặc cảm” thực sự sẽ biến mất?
Ngay khi thông tin Luật Cư trú 2020 xóa bỏ điều kiện về thời gian để đăng ký hộ khẩu có hiệu lực không ít người đã bày tỏ vui mừng, ủng hộ điểm mới này, bởi hiện có tới khoảng 3,5 triệu người đang tạm trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Những bình luận như: “Chưa bao giờ việc trở thành công dân Thủ đô trở nên dễ dàng như vậy!”; “Mua xe máy không phải về quê đăng ký nữa rồi, công dân 5 năm sống Thủ đô, đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ cuối cùng cũng thấy được an ủi”; “Con mình không phải đợi 3 năm mới được đi học trường công lập nữa rồi”… tràn ngập nhiều diễn đàn trên mạng xã hội trong hơn 1 tháng qua.
Cùng với đó, việc đăng ký hộ khẩu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở nên dễ dàng nhờ thủ tục được rút gọn là một tín hiệu đáng mừng trong việc xóa bỏ mặc cảm là “người thừa” giữa lòng thành phố của nhiều người.
Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là việc xóa bỏ bớt một “bậc thang” để người nhập cư có được hộ khẩu tại các thành phố lớn chứ không xóa bỏ mặc cảm hoàn toàn. Bởi vẫn còn nhiều quy định ràng buộc khác trong việc để người nhập cư có được hộ khẩu thường trú tại các thành phố lớn.
Cụ thể, luật quy định công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/ vợ; con/ cha, mẹ về ở với cha/ mẹ, con; người chưa thành niên về ở với người giám hộ thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình… Ở quy định này, rõ ràng nếu xảy ra trường hợp người chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp không đồng ý thì nghiễm nhiên công dân không thể đăng ký thường trú. Do đó, để có được hộ khẩu với những người chưa đủ điều kiện để mua nhà tại các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa nguôi nỗi lo.
Cùng với đó, luật bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2/sàn/người. Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
Do đó, nếu vẫn có sự tồn tại của hộ khẩu thường trú và các loại ký hiệu KT1, KT2 và KT3… thì nhiều người vẫn lo ngại, dù có một mã số online thì họ sẽ không khác gì những công dân KT1. Họ vẫn có thể gặp những khó khăn trong việc được hưởng các chính sách an sinh xã hội như trước đây. Do đó, câu chuyện xóa bỏ khái niệm công dân hạng hai tại các thành phố lớn vẫn là một dấu hỏi lớn.