Cuốn tư liệu gói gọn về cuộc đời Hồ Chí Minh
Đôi dép cao su và bộ quần áo của Bác là hai trong nhiều hiện vật gây xúc động với khách tham quan. Đôi dép cao su bằng lốp ô tô đơn sơ, bình dị, phần gót và quai dép đã hơi mòn lại là vật gắn bó với Người nhất trong những chuyến thăm đồng bào trên cả nước.
Trong những chuyến công tác tại nước ngoài, đôi dép cao su cùng bộ quần áo đơn giản của Bác để lại ấn tượng sâu sắc với báo chí, bạn bè quốc tế, khiến người ta bất ngờ về một cuộc đời khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ.
Theo ghi chép tại bảo tàng, đôi dép cao su đã gắn bó với Bác trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cho đến lúc Người qua đời. Đây được coi như một trong những biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều bản thư tay của Bác lúc trẻ cũng được lưu giữ đầy đủ, trong số đó có bản thư tay Bác gửi cụ Phan Châu Trinh. Giữa năm 1914, từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư liên hệ với cụ Phan Châu Trinh ở Pháp, thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình. Trong thư tay, Bác còn hỏi thăm tình hình người thân của cụ Phan và bày tỏ tấm lòng, ý chí quyết tâm của mình đối với vận mệnh đất nước.
Nhiều bài viết, tác phẩm quan trọng của Người được lưu giữ lại. Ghi chép trong bảo tàng trích lại, trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
Đây là bản đánh máy có bút tích sửa chữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày nay chính là minh chứng cho niềm hân hoan, vui mừng của người thanh niên trong giây phút tìm được ánh sáng cho cách mạng Việt Nam, tìm ra con đường mà cách mạng Việt Nam cần thực hiện, đó là cách mạng vô sản.
Trở về đất nước sau 30 năm bôn ba, Người đã trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong mỗi bước trưởng thành của Đảng, của dân tộc đều in trọn dấu ấn của Người với tư cách là nhà lãnh đạo thiên tài. Những tác phẩm, văn kiện gắn với giai đoạn lịch sử này như tờ báo Thanh Niên, tác phẩm Đường Kách Mệnh hay hình ảnh Bác tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945 trở thành tư liệu quan trọng, lưu giữ những giá trị, dấu mốc vàng son cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bảo tàng còn sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị về mặt thời gian như chiếc quạt mà cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sử dụng; bộ Kinh Lăng Nghiêm mà ông sử dụng khi sống tại chùa Long Hưng, xã Long Sơn, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc,…
Nhiều văn bản có giá trị lớn |
Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện sưu tầm nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời Bác, những dấu ấn quan trọng gắn với sự phát triển dân tộc, là minh chứng cho cuộc đời của vị lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng, nhà chính trị xuất sắc của Việt Nam và thế giới. Bảo tàng Hồ Chí minh cũng chính là kho tàng lịch sử, địa chỉ đỏ thu hút khách tham quan khi tìm hiểu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như lịch sử dân tộc.
Thấm nhuần giá trị nhân văn
Bảo tàng Hồ Chí Minh với Lăng Chủ tịch, Di tích Phủ Chủ tịch, chùa Một Cột tạo nên một chuỗi các địa điểm tham quan thu hút khách tham quan khi đến Hà Nội. Đây cũng là nơi mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học thường xuyên đến để tìm kiếm thêm tài liệu, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, sưu tầm hiện vật.
Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận cũng thường xuyên lựa chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh là địa điểm tham quan cho học sinh, qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn và thấm nhuần tư tưởng mà Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc.
Bên cạnh việc thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng trong công tác bảo quản, bảo tồn hiện vật, hằng năm bảo tàng đều tuyên truyền đến toàn thể người dân trong cả nước. Việc tuyên truyền, kêu gọi cho thấy hiệu quả khi hàng năm các hiện vật mới được đưa vào bảo tàng đều tăng lên. Nhiều gia đình ở nước ngoài có hiện vật về Bác đều gửi về bảo tàng.
Theo Ban quản lý tại bảo tàng, dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến tham quan có giảm đi, tuy nhiên công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày sinh Hồ Chí Minh sắp tới vẫn được thực hiện chu đáo.
Các hoạt động như hướng dẫn tổ chức các triển lãm về Hồ Chí Minh tại các bảo tàng chi nhánh ở Hải Dương hay chuyển các hiện vật về bảo tàng quê Bác tại Nghệ An và nhiều hoạt động khác cũng đều được thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều đoàn làm phim về Bác khi thực hiện đều được sự hỗ trợ của ban quản lý bảo tàng về thông tin, tư liệu và hình ảnh cần thiết.
Đặc biệt trong hoàn cảnh mới, bảo tàng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông qua Internet, phát triển hệ thống tham quan 3D nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Cũng thông qua việc tuyên truyền, các thông tin về hoạt động của bảo tàng như thời gian mở cửa trở lại, các hoạt động quan trọng hướng đến dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của bảo tàng được cập nhật liên tục giúp người dân, du khách thuận tiện hơn trong quá trình tham quan bảo tàng.