Cán bộ trung tâm thành những người thầy, người bạn ân cần dìu dắt các học viên. |
Thành công từ gian khó
Trung tâm có tiền thân là Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số V. Giai đoạn mới thành lập có muôn vàn khó khăn: nhân thân của học viên phức tạp, số có tiền án, tiền sự chiếm 70 - 80%, tỷ lệ bị nhiễm HIV/AIDS chiếm từ 30 - 40%, xử sự với nhau thường theo kiểu “xã hội đen”, tư tưởng không ổn định, suy nghĩ tiêu cực, hay vi phạm, thậm chí chống đối lại cán bộ.
Bên cạnh đó điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập của cán bộ và học viên còn thiếu thốn, không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, cán bộ phải trực tiếp đi đào giếng để có nước dùng. Hệ thống tường rào mỏng, đặc biệt là về mùa khô khi nước hồ Xuân Khanh cạn tạo nhiều lối đi thông với dân địa phương là một trong những nguy cơ cao để học viên trốn khỏi Trung tâm. Nhưng tập thể cán bộ với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã quyết tâm khắc phục những khó khăn, không chịu khuất phục và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sự thành công càng được chứng tỏ khi Trung tâm được giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm Đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý” tại thành phố Hà Nội từ tháng 11/2006 đến 31/8/2008. Có thể nói đây là vinh dự cho một Trung tâm có tuổi đời còn rất trẻ.
Đến cuối năm 2010, Trung tâm là đơn vị đầu tiên nhận được sự chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội về việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện quản lý người sau cai nghiện theo tinh thần Nghị định của Chính phủ. Lãnh đạo đơn vị xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhưng không phải là mới. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo thực hiện về cơ sở vật chất, nơi ở, sinh hoạt của người sau cai đảm bảo đúng chế độ, quyền lợi được quy định, phòng ở được trang bị đầy đủ trang thiết bị nghe nhìn.
Chế độ ăn uống được duy trì ở mức 900.000đ/1 người/ tháng, chế độ thăm gặp hàng tháng được tăng lên là điều kiện để gia đình học viên động viên người sau cai yên tâm trong quá trình ở tại Trung tâm. Vận dụng các nguồn kinh phí bước đầu trang cấp đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cần thiết, đồ dùng sinh hoạt, trang phục cá nhân của học viên nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu phục vụ bước đầu ổn định cho người sau cai nghiện.
Tạo thu nhập cho học viên cai nghiện
Hiện tại, số học viên đang lao động và học tập tại Trung tâm lên tới gần 1.100 người. Bên cạnh công tác quản lý, đơn vị còn luôn quan tâm đến các hoạt động cho anh em học viên. Tất cả các hoạt động của anh em học viên đều được cán bộ Trung tâm thực hiện theo nguyên tắc “Cảm thông, chia sẻ”, từ đó đã tạo ra sự gần gũi, san lấp khoảng cách giữa những người thầy với học viên dẫn đến hiệu quả công tác cao. Những việc làm trên được Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội, các gia đình có con em đang cai nghiện tại Trung tâm tin tưởng và đánh giá cao.
Ông Vũ Văn Trí - Giám đốc Trung tâm |
Các hoạt động lao động làm nghề của học viên tại Trung tâm luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm. Công tác làm nghề đã đem lại thu nhập ổn định cho người sau cai, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho họ trong thời gian ở Trung tâm, từ 550.000-700.000 đồng/học viên/tháng.
Từ khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quản lý dạy nghề cho người sau cai nghiện, Trung tâm đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo một giá đỡ, một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp lâu dài của Trung tâm.
Đầu tư chuyển hướng sang dịch vụ tự nguyện
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Trên tinh thần đó, cai nghiện ma túy cần được thay đổi trong suy nghĩ và quan niệm, coi đó chỉ là một loại bệnh cần điều trị. Hoạt động cai nghiện dần chuyển sang hướng tự nguyện và giảm dần cai nghiện bắt buộc. Để thực hiện và đáp ứng được yêu cầu công việc trong hoàn cảnh mới, Ban lãnh đạo Trung tâm đã vạch ra cho mình hướng đi mới, xây dựng Trung tâm dịch chuyển dần theo hướng dịch vụ tự nguyện với chất lượng phục vụ và hiệu quả điều trị cao nhất đáp ứng nhu cầu đa dạng về điều trị nghiện, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng một cách thuận lợi nhất.
Trước hết, thường xuyên giáo dục đối với cán bộ trong việc thay đổi quan điểm ứng xử với học viên. Mọi sinh hoạt của cán bộ đều gắn với phương châm thân thiện – cởi mở, để học viên khi cai tại Trung tâm thấy được sự cảm thông chia sẻ, xóa tan đi mặc cảm tự ty.
Trong công tác học và làm nghề, Trung tâm có rất nhiều nghề khác nhau để học viên có thể lựa chọn phù hợp với khả năng của mình. Những học viên sau cai của Trung tâm đều được đào tạo thành thạo và được cấp chứng chỉ khi hết thời gian cai tại Trung tâm, từ đó giúp học viên có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống bình thường. Mỗi học viên khi tham gia lao động đều được đóng bảo hiểm xã hội, được công khai các đơn hàng. Thông qua lao động, mỗi học viên sẽ cảm thấy mình thực sự là người có ích, có giá trị.
Bên cạnh đó, Trung tâm luôn chú trọng trong việc chăm lo đời sống cho anh em học viên với quan điểm mỗi cán bộ Trung tâm đều là người phục vụ. Trung tâm có hoạt động tăng gia chăn nuôi cung cấp thực phẩm sạch cho học viên, đồng thời Phòng Y tế hàng ngày đều có cán bộ kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Toàn cảnh trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số I Hà Nội. |
Ngoài việc chăm lo về đời sống vật chất, Ban lãnh đạo Trung tâm luôn chú trọng đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chăm lo tốt đời sống tinh thần cho học viên. Hàng tuần có Ngày Văn hóa thể thao với rất nhiều hoạt động đa dạng như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông… giao lưu văn nghệ với các đơn vị liên kết, mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn…
Bằng những việc làm cụ thể, công tác hướng nghiệp, Trung tâm cũng chú trọng hơn nữa công tác tổ chức lao động sản xuất cho các học viên, gắn dạy nghề với việc tạo ra sản phẩm nhằm giúp người nghiện sau cai ổn định tâm lý có nghề thành thạo khi gia nhập cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm ông Vũ Văn Trí chia sẻ, để làm được nghề này, phải có lòng yêu nghề, có sự đoàn kết từ tập thể cán bộ công chức trong Trung tâm. Với bản thân ông, 12 năm trong nghề, 12 cái Tết, ông cũng chỉ góp mặt cùng gia đình được 2 lần, thời gian còn lại đều ở trung tâm với học viên. Ông Trí khẳng định, Trung tâm đã xây dựng được một môi trường cai nghiện trong sạch, đội ngũ cán bộ phát huy hết khả năng và nhiệt huyết của mình đóng góp cho sự nghiệp của Trung tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
“Chặng đường phía trước còn nhiều gian khó, nhưng với truyền thống của một đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chắc chắn tập thể lãnh đạo, cán bộ học viên Trung tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục bước những bước vững vàng trong công tác phòng chống TNXH, xứng đáng với trọng trách cao cả luôn mang trên mình”, ông Trí cho biết.
“Chặng đường phía trước còn nhiều gian khó, nhưng với truyền thống của một đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chắc chắn tập thể lãnh đạo, cán bộ học viên Trung tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục bước những bước vững vàng trong công tác phòng chống TNXH, xứng đáng với trọng trách cao cả luôn mang trên mình”, ông Trí cho biết.