Trước khi sinh con trai đầu lòng, Chen Huijuan không tiếc tiền sắm quần áo, thoải mái mua mỹ phẩm và vung tay trong các cuộc vui với bạn bè. Nhưng giờ đây, khi đứng trước một chiếc váy mới, Chen cũng đắn đo suy nghĩ.
Sống ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, mỗi tháng cô giáo dạy trung học này nhận lương 730 USD, còn chồng cô kiếm được 2.500 USD nhờ công việc bán hàng cho một công ty Mỹ ở Thượng Hải. Thế nhưng việc nuôi nấng cậu con trai hai tuổi tiêu tốn ít nhất 1/3 tổng thu nhập của hai vợ chồng, trong khi chi phí nuôi con của một gia đình trung lưu tương tự ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 1/5 thu nhập.
Khó khăn của Chen cũng là điều mà hàng triệu gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phải đối mặt, cũng là một trong những trở ngại lớn nhất đối với chính sách khuyến khích người dân sinh thêm con của chính phủ nước này.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh khi chính sách một con bắt đầu có hiệu lực năm 1980. Dù chính sách này được xóa bỏ vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có cách nào giúp đảo ngược tình thế. Năm ngoái, tăng trưởng dân số ở Trung Quốc chững lại khi số trẻ em được sinh ra giảm 2 triệu so với năm 2017, theo số liệu của Cục Thống kê.
Kết quả một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy hơn 50% gia đình Trung Quốc không có ý định sinh con thứ hai và lý do chính là do gánh nặng kinh tế. "Tôi sẽ không bao giờ cân nhắc sinh thêm đứa nữa vì quá tốn kém", cô Chen nói.
Theo các bậc phụ huynh và chuyên gia, chi phí để nuôi nấng một đứa trẻ tăng mạnh vì hai lý do: mức sống của người dân cải thiện nhanh và công chúng mất niềm tin vào các sản phẩm trong nước.
Ví dụ, Chen không bao giờ mua sữa bột nội địa mà chỉ cho con uống sữa ngoại đắt đỏ. Năm 2008, Trung Quốc chấn động với vụ bê bối sữa nhiễm melamine do công ty Sanlu Group sản xuất. Ít nhất 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng các sản phẩm này. Công ty tư vấn McKinsey cho rằng vụ bê bối "sữa bẩn" vẫn là "mối lo hàng đầu trong tâm trí của hầu hết người tiêu dùng".
Giống như nhiều phụ huynh khác, cô Chen không tin tưởng chất lượng của các sản phẩm trong nước. Do vậy, con trai hai tuổi của cô chỉ ăn thịt bò và cá hồi nhập khẩu.
Không chỉ việc ăn uống của con cái vắt kiệt hầu bao nhiều gia đình Trung Quốc, đầu tư cho giáo dục và vui chơi giải trí cũng tốn cả một gia tài, theo bà Wang Dan, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Wah Ching về giáo dục của đại học Hong Kong.
Đến thập niên 1990, đa số người dân Trung Quốc vẫn cho con học tại các trường công, bà Dan cho biết. "Nhưng giờ đây giáo dục đã trở thành một ngành công nghiệp quy mô", nữ chuyên gia này nói. "Đương nhiên chi phí cũng theo đó mà bị đẩy lên cao".
Dưới áp lực của xã hội, cô Chen bắt đầu mua đồ chơi giúp trẻ phát triển trí thông minh từ khi con trai còn nằm trong bụng. Theo người mẹ này, như thế con trai cô mới "không thua ngay từ điểm xuất phát".
|
Giới chức đổ bỏ sữa bột trong vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 |
Các gia đình Trung Quốc có truyền thống coi trọng giáo dục và con cháu trong nhà buộc phải bắt đầu học hành từ rất sớm, theo Manhong Lai, phó giáo sư trường đại học Trung Quốc tại Hong Kong. Chính sách một con càng khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc chú ý đầu tư hơn vào giáo dục cho con. "Cuộc đua vào những trường học tốt nhất rất khốc liệt, các bậc cha mẹ coi đây là việc hệ trọng và đặt áp lực lớn lên những đứa trẻ", bà Lai nói.
Hai vợ chồng cô Chen chi 737 USD mỗi tháng, tương đương khoản lương hàng tháng của Chen, để gửi con trai hai tuổi vào nhà trẻ song ngữ. Đó là chưa kể các hoạt động ngoại khóa khác.
Fan Meng và chồng đều là giảng viên đại học tại thủ đô Bắc Kinh nhưng hai người không dám sinh con thứ hai. "Ngày nay nuôi một đứa con thực sự quá đắt đỏ", Fan nói.
Cô con gái 5 tuổi của Fan không chỉ biết chơi nhạc cụ mà còn trượt tuyết và lặn biển. Như nhiều bà mẹ khác, Fan nói chỉ muốn dành những gì tốt nhất cho con dù phải trả một giá không rẻ. "Trẻ con ngày nay không giống như chúng tôi trước kia. Thế hệ chúng tôi chỉ cần đến trường đi học. Con gái tôi bây giờ, ngoài trường học, còn tham gia các hoạt động theo sở thích".
Mỗi khi con cái đau ốm, gánh nặng tài chính đổ lên vai các ông bố bà mẹ Trung Quốc càng lớn. Con trai của cô Chen bị bệnh về đường ruột và dạ dày. Trước khi lên hai tuổi, cậu bé mỗi tháng phải nhập viện một lần để điều trị. Dù tìm được bác sĩ giỏi, Chen vẫn không yên tâm và thường xuyên đưa tiền cho ê-kíp y tế để đảm bảo con trai được chăm sóc tốt nhất.
"Tôi luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Bác sĩ giỏi nhất, đồ chơi đẹp nhất, giáo dục tốt nhất", Chen nói.
Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh thêm con thứ hai như trợ cấp tiền sữa bột và kéo dài thời gian nghỉ thai sản, thậm chí một thành phố ở tỉnh Hồ Bắc còn cung cấp dịch vụ trông con miễn phí cho các bà mẹ sinh con thứ hai, một số thành phố khác thì thưởng "nóng" tiền mặt. Có thông tin thủ đô Bắc Kinh sẽ tiến tới gỡ bỏ việc hạn chế số lượng con mà các cặp vợ chồng có thể sinh.
Cô Meng nói trong khi ông bà luôn muốn "con đàn cháu đống", nhưng cô không nghĩ như vậy. "Với tôi, một con là đủ rồi. Với sức lực và tiền bạc như bây giờ, tôi chỉ có thể nuôi dạy một đứa con".