Nón làng Chuông - Hồn xưa trong hơi thở đương đại

(PLVN) - Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, làng Chuông vẫn lặng lẽ gìn giữ hơi thở truyền thống qua từng chiếc nón lá tinh khôi. Từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân cao tuổi đến niềm đam mê cháy bỏng và tâm huyết của lớp nghệ nhân trẻ, mỗi chiếc nón nơi đây không chỉ là biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà còn vươn ra thế giới, trở thành nhịp cầu kết nối hồn quê với bạn bè quốc tế. "Muốn ăn cơm trắng cá trê / Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông".

Từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 21B, rẽ vào con đường làng quanh co, nơi nhịp sống dường như chậm lại, đối lập hoàn toàn với sự náo nhiệt của phố thị. Dưới ánh nắng dịu dàng của buổi trưa đầu đông, con đường dẫn vào làng Chuông trải dài, mang theo hơi thở thanh bình của vùng quê Bắc Bộ. Làng Chuông hiện lên đơn sơ, mộc mạc, với những mái ngói đỏ tươi nép mình dưới tán cau xanh rì, những con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng phủ màu thời gian, như đang lặng lẽ lưu giữ hồn xưa. Nổi bật giữa không gian ấy là âm thanh lách cách của kéo, tiếng sột soạt của lá lụi, xen lẫn tiếng nói cười giòn tan của những người phụ nữ đang cần mẫn bên những chiếc nón. Đó không chỉ là âm thanh của làng nghề, mà còn là nhịp thở của ký ức, vang vọng mãi trong lòng những ai từng ghé qua.

Lang thang ký ức làng nghề

Giữa con ngõ nhỏ quanh co của làng Chuông, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lan, 76 tuổi, một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất làng vẫn còn gắn bó với nghề làm nón. Dáng người nhỏ nhắn, đôi tay gầy guộc thoăn thoắt xe chỉ, bà Lan nở nụ cười hiền hậu. Đôi mắt bà, tuy đã mờ đục theo tuổi tác nhưng vẫn ánh lên một niềm tự hào khó tả khi nói về nghề làm nón.

"Làng tôi làm nón từ khi nào, tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa. Chỉ biết từ lúc còn bé xíu, đã thấy mẹ, thấy bà ngồi khâu nón rồi. Nghề này đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ trong làng, từ lúc lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay", bà Lan mở đầu câu chuyện, giọng nói chậm rãi nhưng đầy tự hào. "Tôi theo mẹ học làm nón từ năm lên sáu. Ngày ấy, trẻ con trong làng đứa nào cũng biết làm nón, coi như là một phần của cuộc sống vậy."

Bà Lan miệt mài tách từng thớ gân lá. Ảnh: Bình Huy

Ngồi bên hiên nhà, dưới ánh nắng dìu dịu, bà Lan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về làng Chuông, về những chiếc nón lá đã đi cùng bao thế hệ. Bà kể về những đêm trăng sáng, cả làng cùng nhau chọn lá, ủi lá, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Kể về những người thợ già, đôi tay chai sần, cần mẫn uốn từng nan tre, khâu từng mũi kim, thổi hồn vào những chiếc nón. Kể về những đứa trẻ lon ton chạy theo mẹ ra đồng, học lỏm từng công đoạn, ươm mầm tình yêu với nghề truyền thống từ thuở ấu thơ. "Nghề làm nón vất vả lắm, nhưng mà vui", bà Lan cười, nụ cười ấm áp như làm mờ đi những nếp nhăn trên gương mặt. “Mỗi chiếc nón là một đứa con tinh thần, gửi gắm vào đó bao tâm huyết, tình yêu của người làm ra nó”.

Theo lời kể của bà Lan, nguyên liệu làm nón hoàn toàn tự nhiên. Lá lụi được lấy từ Vinh, phải đủ độ non, mềm mịn, không bị sâu hay rách để đảm bảo chất lượng tối ưu. Sau khi mang về, lá được phơi qua ba lần nắng, một lần sương để giúp lá đạt được độ mềm dẻo hoàn hảo, đồng thời giữ nguyên sắc xanh nhạt tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát đặc trưng của chiếc nón.

Từ những chiếc lá đã được xử lý cẩn thận, người thợ bắt đầu tách bỏ phần gân cứng, giữ lại phần phiến lá mềm mại. Sau đó, lá được ủi phẳng phiu bằng thanh sắt nung nóng ở nhiệt độ chuẩn xác khoảng 90 độ C. Người thợ lành nghề phải thật tinh tế trong việc điều chỉnh lửa, bởi chỉ cần quá tay, lá sẽ cháy xém, giòn gãy, còn nếu lửa chưa đủ độ, lá sẽ không đạt được độ mịn màng cần thiết. Đây cũng chính là lúc những chiếc lá không đạt yêu cầu được loại bỏ, đảm bảo chất lượng hoàn hảo cho từng sản phẩm.

Bàn tay tỉ mỉ của người nghệ nhân đang ủi lá lụi trên thanh sắt nóng. Ảnh: Bình Huy

Khung nón, linh hồn của chiếc nón, được tạo nên từ 16 vòng tre vót mỏng, uốn cong thành các vòng tròn đồng tâm, xếp khéo léo từ lớn đến nhỏ, tạo thành hình chóp thanh thoát. Và rồi, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, từng lớp lá được đính lên khung bằng những mũi kim đều tăm tắp, khít khao. Lớp trong cùng từ những lá không đạt chuẩn làm nền, lớp mo ở giữa gia cố độ cứng, và bên ngoài là lớp lá lụi đã xử lý kỹ lưỡng, sắp xếp khéo léo che phủ khung nón. Sự phối hợp hài hòa này vừa đảm bảo độ bền, vừa tôn lên vẻ đẹp tinh tế, thể hiện lòng tận tụy của những người làm nghề.

Mỗi đường kim mũi chỉ đều chứa đựng tâm huyết, sự khéo léo và tình yêu nghề của người thợ, như thổi hồn vào từng sản phẩm, biến chiếc nón từ vật dụng đời thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm hồn quê Việt. Chính sự tinh tế, cầu kỳ trong từng công đoạn đã tạo nên nét độc đáo riêng cho nón Chuông, khác biệt với nón lá ở bất kỳ vùng miền nào khác.

Người thợ khéo léo khâu từng đường nón – công đoạn tinh xảo quyết định vẻ đẹp và giá trị của sản phẩm. Ảnh: Bình Huy

Nón Làng Chuông vượt thời gian

Trên hành trình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, nón làng Chuông - biểu tượng bình dị của văn hóa Việt - đang dần được thổi bùng sức sống mới nhờ những tâm hồn nhiệt huyết và sáng tạo như nghệ nhân Tạ Thu Hương. Là hậu duệ đời thứ ba của một gia đình làm nón lâu đời, cô Hương không chỉ kế thừa tinh hoa cha ông mà còn không ngừng đổi mới, đưa bản sắc làng nghề vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Cô bộc bạch:“Là một người dân làng Chuông, tôi tự hào mang bản sắc nón lá đi khắp mọi miền.”

Xuất phát từ tình yêu với nghề và mong muốn cải thiện đời sống người dân quê hương, cô Hương đã nhìn ra cơ hội phát triển từ chính nhu cầu thẩm mỹ ngày một đa dạng của xã hội. Nón lá truyền thống vẫn giữ nguyên nét thanh tao, trong khi dòng nón lá lụa mà cô sáng tạo lại mang thêm hơi thở mới, trở thành phụ kiện độc đáo cho du lịch, thời trang và các sự kiện văn hóa.“Thời nay, các mẹ, các chị cần những chiếc nón đẹp hơn để đi du lịch, chụp ảnh. Vì thế, tôi đã sáng tạo ra dòng nón lá Chuông lụa,” cô chia sẻ.

Đưa dòng sản phẩm mới vào thực tế chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng. Ban đầu, cô phải đối mặt với không ít nghi ngờ từ chính người dân làng nghề. Nhưng bằng sự quyết tâm và những thành quả bước đầu, cô đã chứng minh rằng sự đổi mới không làm mất đi truyền thống, mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lâu đời. Sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ truyền và tính sáng tạo hiện đại đã giúp nghệ nhân Thu Hương đưa nón lá vượt ra khỏi khuôn khổ một sản phẩm thủ công, trở thành biểu tượng văn hóa kết nối con người.

“Tôi yêu nghề, giữ nghề, nhưng cũng muốn bà con làng nghề có thu nhập ổn định hơn”. Với tầm nhìn này, cô không chỉ giữ gìn di sản quê hương mà còn thổi hồn vào những chiếc nón, mang bản sắc Việt đi xa hơn trên bản đồ thế giới.Những sản phẩm của cô Hương không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế, điển hình như chiếc nón to nhất Việt Nam tại hội nghị APEC. Không dừng lại ở việc sáng tạo sản phẩm, cô Hương còn khéo léo tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại để quảng bá làng nghề. Các kênh TikTok và Fanpage đã trở thành cầu nối giúp nón lá Chuông đến với thế hệ trẻ và khách hàng khắp nơi. “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu, và không ngừng sáng tạo – đó là điều tôi luôn nhắc nhở bản thân.” Đồng thời, cô còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại gia, giúp khách tham quan có cơ hội được tìm hiểu, được tự tay chế tác từng công đoạn như chọn lá, vót nan, chằm nón – những công việc tưởng chừng giản dị nhưng lại đầy tính nghệ thuật.

Anh John – một du khách đến từ Pháp, không giấu nổi sự hào hứng khi được tự tay đan chiếc nón của riêng mình “Đất nước tôi dường như không có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như thế này. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời giúp tôi hiểu sâu hơn về nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam.”

2 du khách Pháp trải nghiệm “1 ngày làm nghệ nhân nón Chuông”. Ảnh: Bình Huy

Ngồi cạnh anh John, chị Lisa, với ánh mắt lấp lánh niềm vui, cùng tâm sự với chúng tôi: “Được tận mắt chứng kiến và tham gia vào quy trình tạo nên một chiếc nón lá khiến tôi cảm thấy giá trị của nghề thủ công thật sự đáng trân trọng. Tôi nghĩ rằng những nghề truyền thống như thế này cần được bảo tồn và phát triển, vì chúng không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là biểu tượng của bản sắc dân tộc.

Ở làng Chuông, nón lá không chỉ là một sản phẩm thủ công, mà còn là hồn cốt, là niềm tự hào được truyền từ đời này sang đời khác. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ trong làng đã được làm quen với hương thơm của lá lụi. Chúng học cách chọn lá, vót nan, chằm nón, như không chỉ là học một cái nghề, mà còn là học cách yêu thương và trân trọng di sản của cha ông. “Ở làng Chuông, dù các bạn trẻ ngày nay có rời làng đi học hay làm nghề khác, nhưng ai cũng phải biết nghề. Đó không chỉ là công việc, mà còn là niềm tự hào của quê hương, là giá trị đã được gìn giữ qua bao thế hệ. Biết nghề không chỉ để làm, mà để yêu, để hiểu rằng đây là một phần bản sắc của mình.” - cô Hương tâm sự. Tinh thần “Ở làng nghề thì phải biết làm nghề” đã thấm nhuần vào máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một phần hồn cốt không thể tách rời của người dân làng Chuông.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương cần mẫn trong từng công đoạn. Ảnh: Bình Huy

Bay cao, bay xa cùng nón làng Chuông

Từ một sản phẩm thủ công bình dị, nón lá Chuông đang từng bước chinh phục thế giới, trở thành sứ giả văn hóa Việt đầy kiêu hãnh. Không chỉ gìn giữ nét đẹp truyền thống, những chiếc nón còn được thổi hồn hiện đại, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ toàn cầu. Hành trình vươn ra biển lớn của nón lá Chuông được đánh dấu bằng những con số ấn tượng. Theo cô Hương chia sẻ, từ năm 2022, sản phẩm đã hiện diện tại nhiều quốc gia Châu Âu và Châu Á, như Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Riêng năm 2023, hơn 60.000 chiếc nón đã được xuất khẩu, mang lại doanh thu tăng gấp nhiều lần.

Những “món quà” cho cả một quá trình nỗ lực của nghệ nhân trẻ Tạ Thu Hương. Ảnh: Bình Huy

Trong dòng chảy toàn cầu hóa, khi thời trang thủ công lên ngôi, nón lá Chuông càng có cơ hội tỏa sáng, trở thành biểu tượng văn hóa, vượt xa giá trị của một món phụ kiện thông thường. Con đường “xuất ngoại” ấy dẫu có nhiều chông gai, từ sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm tương tự đến bài toán bảo quản khi vận chuyển đường dài. Nhưng với niềm đam mê và tâm huyết, những người thợ làng Chuông, như nghệ nhân Tạ Thu Hương, vẫn miệt mài sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, vững tin vào tương lai rực rỡ của chiếc nón quê hương. Bởi họ hiểu rằng, mỗi chiếc nón không chỉ “dệt nắng, dệt hồn quê” mà còn dệt nên giấc mơ về một Việt Nam hội nhập và phát triển, mà vẫn giữ gìn trọn vẹn bản sắc.

Như một dấu ấn đặc biệt trên con đường đưa nón lá Chuông phát triển hơn nữa, triển lãm “Hoa Dưới Vành Nón” do Cultra Taproom tổ chức đã trở thành không gian văn hóa đậm chất nghệ thuật. Trong ngôi nhà cổ trăm tuổi mang theo nét tinh tế, từng chiếc nón lá được trưng bày một cách khéo léo trên khung tre, dây lụa, như một lời kể chuyện đầy cảm xúc về vẻ đẹp và giá trị của nghệ thuật thủ công. Tại đây, khách đến tham quan còn có thể tự tay trang trí nón mini tại khu vực DIY, tạo nên những món quà lưu niệm độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân. Chính những hoạt động thú vị này không chỉ thu hút đông đảo người tham gia mà còn khéo léo lan tỏa hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ Gen Z – những người trẻ luôn khao khát tìm kiếm sự mới mẻ và sáng tạo trong dòng chảy của giá trị truyền thống.

Giờ đây, việc bảo tồn và phát triển làng nghề nón lá Chuông không chỉ là trách nhiệm của những người nghệ nhân, mà còn là sứ mệnh của cả cộng đồng. Bởi lẽ, giữ được nghề là giữ được hồn quê, giữ được nét đẹp của văn hóa Việt, để những sản phẩm như chiếc nón lá mãi là niềm tự hào của dân tộc trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững. Dẫu cho dòng đời có đổi thay, giá trị cốt lõi của làng nghề vẫn mãi ngân vang, như một khúc nhạc quê hương không bao giờ lạc nhịp.