Âm thầm bán thận
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục người dân nghèo ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã âm thầm bán đi những quả thận của mình với giá từ 100 - 150 triệu đồng/quả. Sau vài tháng, tiền tiêu vừa hết, họ đã thấy được tác hại thực sự khi mất đi một quả thận.
Anh Hồ Văn Tranh (43 tuổi, ngụ ấp 6, xã Thạnh Phú) là một trường hợp như thế. Sau ba tháng phẫu thuật để “hiến” thận, giờ đây sức khỏe anh sút giảm đáng kể. Hàng ngày anh chỉ làm được những việc nhỏ nhặt, không dám đi nhanh, khả năng sinh lý cũng không được như trước.
Anh Tranh, người bán quả thận của mình với giá 120 triệu đồng. |
Anh tâm sự: “Gia đình tôi nghèo, không có ruộng đất canh tác. Sau vài vụ làm ăn thua lỗ, tôi lâm vào cảnh nợ nần. Làm hoài mà không đủ để trả nợ, trong khi số lãi ngày mỗi nhiều. Một lần lên TP.HCM để làm thợ hồ, tôi được người ta giới thiệu hiến thận cho một người đang bị bệnh. Người ta hứa nếu tôi cho thận sẽ cho tôi tiền trả nợ. Nghĩ đến số nợ mấy năm qua không có đường thoát, tôi tặc lưỡi đồng ý”.
Anh Tranh cho biết thêm, trước đó người em rể của anh ngụ cùng huyện cũng bán thận với giá hơn 100 triệu. “Em rể tôi bảo cứ cho đi rồi người ta trả tiền cho mình. Cho một quả thận không ảnh hưởng gì tới sức khỏe cả. Thấy sau khi cho thận nó vẫn khỏe mạnh, ăn nhậu phà phà, tôi lại càng tin tưởng”, anh Tranh trình bày.
Sau khi trải qua một quá trình thử máu, kiểm tra sức khỏe gắt gao, quả thận của anh được xác định tương thích với người nhận. Một ngày đầu năm 2014, anh Tranh được đưa vào phòng phẫu thuật ở một bệnh viện tại TP.HCM. Sau 7 giờ đồng hồ nằm trên gường mổ, anh được bác sĩ đẩy vào phòng hồi sức cấp cứu, lúc này quả thận của anh đã được cắt đi. Còn số phận của nó về đâu, anh không rõ.
Theo như thỏa thuận ban đầu, quả thận của anh được ghép cho một người tên Lợi, ở quận Nhà Bè với giá 120 triệu đồng. Nhưng sau khi phẫu thuật, anh chưa một lần gặp lại người này. “Tôi chỉ nghe là thận được ghép cho ông ấy rồi, từ đó đến nay, tôi chưa một lần gặp lại. Tiền bạc họ cũng đưa luôn cho vợ tôi, lúc đó tôi đau quá nên không biết gì nữa”, một người cho thận thuật lại.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Bí thư chi bộ ấp 6, xã Thạnh Phú xác nhận, ngoài trường hợp của anh Tranh, địa phương còn xác nhận trường hợp của ông Lê Văn Giòn cũng đã từng xin giấy xác nhận hiến thận cho người thân. Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương không đồng ý xác nhận cho đơn xin hiến thận này thì ông Giòn đi đâu không rõ. Phía người nhà của ông Giòn lại cho biết, gia đình không hề hay biết việc ông Giòn trình đơn lên xã. Từ mùng 4 Tết Giáp Ngọ, ông Giòn đã đi đâu biệt tích cùng với người em rể của mình.
Bán thận theo kiểu... đa cấp
Trên địa bàn xã Thạnh Phú, còn nhiều trường hợp người dân nghèo âm thầm đi hiến thận mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Cách đây hai năm, anh Danh Lang, vì điều kiện nhà đông người, hoàn cảnh khó khăn cũng đã đồng ý bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng. Anh hy vọng với số tiền này, gia đình sẽ có vốn liếng làm ăn. Tuy nhiên sau đó, gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo, còn sức khỏe lại sút giảm khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn hơn.
Ngoài ra còn có trường hợp cá biệt như gia đình của ông Lê Văn Thành (ngụ ấp 5) có hai người con trai cũng đã từng bán thận. Sự việc chỉ được phát hiện khi hai người con này đã trở về sau khi hoàn tất quá trình mua bán thận.
“Trước tết đến nay, có nhều người đã trình đơn lên xã xin được hiến thận cho người thân. Chúng tôi biết họ không phải hiến mà là bán. Đặc biệt những người này sau khi bán thận về lại vận động nhiều người khác cùng đi bán”, một cán bộ địa phương nói.
Trong khi những người dân thiếu hiểu biết chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt thì không một ai biết thế lực đằng sau những vụ mua bán nội tạng này là ai. Và những thương vụ mua bán đau lòng này không biết khi nào mới bị đưa ra ánh sáng.
Điều đáng quan tâm ở đây là những đối tượng mua thận này không trực tiếp tiếp xúc với người cho thận mà thường thông qua các “cò”. Anh Tranh cho biết: “Lúc tôi còn nằm trên giường hồi sức, nhiều đối tượng đến nói chuyện với tôi. Họ bảo tôi nhanh chóng về quê để tìm thêm người lên đây hiến thận. Lúc đó tôi cũng không để ý nhiều vì sức khỏe còn yếu quá”.
Có một quy luật sau những thương vụ mua bán nội tạng này, là sự hối hận của những người dân trót dại. Trao đổi với chúng tôi, anh Tranh, người bán thận được xác định gần đây nhất cho biết: “Tôi giờ như người tàn phế, không làm được việc gì nặng nữa. Lúc trước tôi còn đi làm cỏ, xịt thuốc kiếm tiền được nhưng giờ thì không thể nữa. Tôi hối hận lắm rồi, bây giờ ai nói với tôi về việc bán thận, tôi sẽ khuyên người ta bỏ ý nghĩ đó ngay”.
Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nghiêm cấm hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.
Điều 4 Luật này cũng quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:
1. Tự nguyện đối với người hiến, người được phép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại.
Điều 4 Luật này cũng quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:
1. Tự nguyện đối với người hiến, người được phép.
2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
3. Không nhằm mục đích thương mại.