Trong đơn tố cáo tập thể của nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hàng trăm triệu đồng tiền từ ngân sách tỉnh Đồng Nai được chi hỗ trợ nông dân bị thiệt hại phục hồi sản xuất do mất mùa cây điều và cây xoài năm 2017, đã có dấu hiệu bị cán bộ xã ăn chặn.
Ký đủ, phát thiếu
Vợ chồng ông Phạm Văn Khanh (65 tuổi, ngụ tổ 13, ấp 2) kể lại, năm ngoái, ông được thông báo lên ấp, xã làm thủ tục kê khai để nhận tiền hỗ trợ do mất mùa điều – xoài. Cán bộ xã cho ông biết, một sào (1.000m2) sẽ được Nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng. Theo hướng dẫn từ chính quyền, sau khi kê khai thiệt hại và diện tích, ông được nhận 3 triệu đồng (tương đương với diện tích 1,5ha).
Tuy nhiên, theo kết quả thống kê của đợt giám sát sau khi chi trả tiền hỗ trợ, con số mà hộ ông Khanh đáng ra được nhận lên đến 4,6 triệu đồng theo danh sách từ huyện Định Quán gửi xuống xã. Xác nhận lại với chúng tôi, vợ chồng ông Khanh khẳng định hộ ông chỉ nhận đúng 3 triệu đồng, không hề biết ông được hỗ trợ tổng cộng bao nhiêu. Như vậy, số tiền 1,6 triệu đồng còn lại đi đâu, đang là một dấu hỏi?
|
Ông Phạm Văn Khanh bị ăn bớt 1,6 triệu đồng. |
Tương tự trường hợp ông Khanh, hộ ông Hồ Văn Trường (44 tuổi, ngụ tổ 7, ấp 6) cũng bị cán bộ xã cắt xén. Theo ông Trường, khi xã và ấp thông báo chính sách hỗ trợ, ông đã làm thủ tục kê khai diện tích đất trồng điều tổng cộng 6ha và nộp hộ khẩu và CMND. Khi lên nhận tiền, ông được 10 triệu đồng.
Vì ông Trường mù chữ và không biết cộng trừ, nên khi chúng tôi nhẩm tính: 6ha đúng ra phải nhận được 12 triệu đồng, lúc đó ông Trường mới biết mình bị ăn gian. Đối chiếu với danh sách nhận hỗ trợ từ huyện cho thấy, hộ ông Trường đã bị xén 2 triệu đồng.
Nhìn căn nhà lá của hộ ông Trường không hơn cái chòi vịt, nơi chui ra, chui vào của gần chục con người, là trong đó có người cha già của ông nằm liệt giường nhiều năm nay, mới thấy cám cảnh thay cho người trồng điều bị mất mùa hai năm qua nhưng tiền hỗ trợ bị cắt xén. “Mình thất mùa, nhận được tiền mừng muốn chết, tui không biết chữ nên cán bộ phát bao nhiêu thì biết bấy nhiêu chứ hỏi làm gì”, ông Trường nói.
Ăn bớt diện tích
Trường hợp ông Lê Tấn Hiệp (61 tuổi, ngụ tổ 3a, ấp 2) có dấu hiệu bị ăn xén cả diện tích đất khi cán bộ xã Thanh Sơn làm thủ tục kê khai, đo đếm diện tích cây trồng bị thiệt hại.
Ông Hiệp thông tin với chúng tôi: hộ của ông có hai mảnh đất trồng điều, một mảnh 1,3ha, mảnh còn lại nhỏ hơn: 0,7ha. Tổng cộng ông có 2ha được hỗ trợ theo chính sách. Nhưng khi cán bộ xã về thống kê thiệt hại, không hiểu lý do gì, họ lại bỏ ra ngoài 0,7ha của ông, chỉ tính phần đất 1,3ha. Theo tính toán của xã, ông chỉ được nhận 2,6 triệu đồng cho 1,3ha.
Thấy bất hợp lý vì hai mảnh đất vườn đều trồng điều và có sổ đỏ giống nhau nhưng chỗ được hỗ trợ, chỗ thì không, ông Hiệp hỏi xã thì nhận được câu trả lời: Danh sách hỗ trợ do huyện đưa xuống nên xã không biết. Tuy nhiên, khi chúng tôi đối chiếu với danh sách nhận tiền hỗ trợ từ huyện Định Quán gửi xuống xã Thanh Sơn, số tiền ông Hiệp phải được nhận là 3,6 triệu đồng. Vậy, số tiền 1 triệu thừa kia đi đâu, ông Hiệp không hề biết.
Tương tự ông Hiệp, hộ ông Nguyễn Vũ Hùng (62 tuổi, ngụ tổ 3, ấp 6) cũng bị xã ăn gian cả diện tích đất lẫn tiền hỗ trợ. Khi kê khai, ông Hùng có 2,7ha theo sổ nhưng cán bộ xã chỉ đồng ý thống kê 2,5 ha. Tranh cãi mãi không được, đầu năm 2018 ông Hùng cũng đồng ý.
|
Ông Lê Tấn Hiệp bị ăn bớt 1 triệu đồng. |
Lúc nhận tiền, thay vì được 5 triệu (cho 2,5 ha), người phát tiền chỉ đưa ông 4 triệu. Ông thắc mắc về sự bất hợp lý trên thì được cán bộ trả lời, chỉ công nhận cho ông 2 ha nên nhận 4 triệu là đúng. Sợ mất phần tiền hỗ trợ, ông Hùng đành im lặng nhận dù trong bụng luôn thấy khó chịu và nghi ngờ gian lận.
Có lẽ, trong hàng chục hộ gia đình mà chúng tôi đi tìm hiểu, trường hợp hộ ông Trần Văn Lực (58 tuổi, ngụ tổ 3a, ấp 2) nhận tiền hỗ trợ là phi lý và nực cười nhất. Ông Lực cho biết, đất vườn trồng điều của nhà ông có khoảng 0,8ha, như mọi người, ông cũng đi kê khai thiệt hại. Tuy nhiên, tại danh sách nhận tiền hỗ trợ từ xã Thanh Sơn cho thấy, ông Lực ký nhận đến… 7 triệu đồng (tương đương với 3,5 ha), trong khi với diện tích đất 0,8 ha, ông Lực sẽ nhận được khoảng 1,6 triệu đồng là hợp lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lực lắc đầu quầy quậy: “Tôi chỉ được lãnh đâu chừng 7 – 800 ngàn đồng, không nhớ chính xác vì cũng đã lâu, lấy đâu ra 7 triệu. Hay ai đó ở xã lấy khoản tiền chênh lệch này rồi đổ cho tôi lãnh?”.
Mới chỉ lộ diện phần nhỏ?
Theo số liệu chúng tôi thu thập được và từ một cán bộ xã Thanh Sơn cho biết, qua kiểm tra ngẫu nhiên chỉ khoảng 70 hộ dân trồng xoài – điều bị thiệt hại năm 2017 có nhận được tiền hỗ trợ thiệt hại, đã phát hiện ra 46 hộ có vấn đề. Tất cả 46 hộ dân trên đều bị ăn chặn tiền ngân sách rót xuống hỗ trợ. Hộ ít, bị xén 200.000 đồng, hộ nhiều lên đến vài triệu đồng (chỉ trừ hộ ông Lực, bị xã kê khống lên 5,6 triệu đồng).
Không ít hộ, tiền bị cán bộ xã ăn chặn nhiều hơn số thực lãnh, như: hộ bà Nguyễn Thị Hào (tổ 4, ấp 4) tổng tiền hỗ trợ được 3,2 triệu đồng nhưng bị xã “cắn” mất 2 triệu đồng, thực lãnh được 1,2 triệu đồng; hộ ông Lê Văn Trọng (tổ 8, ấp 5) tổng tiền hỗ trợ được 4 triệu đồng nhưng bị xã “xẻo” mất 2,8 triệu đồng, thực lãnh được 1,2 triệu đồng. Đặc biệt không ít hộ nghèo khó, diện tích canh tác ít, chỉ vài ba ngàn mét vuông, được ngân sách hỗ trợ chỉ trên dưới 1 triệu đồng cũng bị cán bộ xã “cắn” mất một nửa…
Trong số 46 hộ dân đã nêu trên, chỉ cần đối chiếu số tiền theo quy định mà các hộ này đáng ra phải được nhận (là 210 triệu đồng) với số tiền bị ăn chặn (gần 32 triệu đồng) cho thấy số tiền bị thất thoát, rơi vào túi lực lượng cấp phát đã hơn 15%. Nhẩm tính, trong năm 2017, chỉ tính riêng xã Thanh Sơn, đã có hơn 2.000 hộ dân được hỗ trợ với tổng số tiền từ ngân sách gần 7 tỷ đồng, không hiểu con số rơi rớt trước khi đến tay người nông dân còn lớn cỡ nào?
Nhưng, chuyện “xà xẻo” ăn bớt tiền hỗ trợ nông dân mất mùa như nêu trên mới là phần nổi của tảng băng tham nhũng. Với một bộ phận cán bộ, công chức của UBND xã Thanh Sơn có liên quan trực tiếp đến việc cấp phát tiền, còn có dấu hiệu việc lập hồ sơ khống, chi trả cho người không có ở địa phương để kiếm lợi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có ít nhất 2 trường hợp trong danh sách được hỗ trợ bị “trùng tên, trùng CMND” hoặc không có ở địa phương nhưng vẫn được ai đó ký nhận tiền thay. Đó là ông Phạm Văn Kỷ (ấp 5), hiện không có ai tên như vậy ở ấp 5 nhưng đã ký nhận 9,4 triệu đồng và ông Trần Văn Hòa (ấp 8) với số tiền hỗ trợ 11 triệu đồng. Vậy, tổng số hơn 20 triệu đồng đó đã đi vào túi ai?
Hai năm 2016 và 2017 hiện tượng mưa trái mùa đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt là Đồng Nai. Do đó, chính sách hỗ trợ người nông dân mất mùa là một chủ trương đúng đắn. Trong đó, ưu tiên các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, đã cho thấy được một bộ phận cán bộ, công chức xã Thanh Sơn tìm cách trục lợi, “xà xẻo” khoản tiền hỗ trợ vốn đã ít ỏi trước khi đến tay người nông dân. Việc làm bất chấp đạo lý, pháp luật trên đang gây ra một nỗi bức xúc không hề nhỏ trong đời sống và ngay tại cơ quan quản lý.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc trên.