Nông trường lấy đất nông dân khai hoang cho người khác thuê

(PLO) - Người dân bỏ công sức khai hoang đất, trồng cây lâu năm ổn định được hơn 15 nghìn mét vuông, thế nhưng Công ty Cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu (Cty Cờ Đỏ) lấy đất này cho người khác thuê. UBND xã bảo vệ người khai hoang nhưng Tòa án lại bênh vực Công ty.
Ông Ngô Thanh Kỳ, Giám đốc Cty Cờ Đỏ (đứng) và ông Vũ Đình Đảng (ngồi) tại phiên tòa xét xử ngày 06/5/2014
Ông Ngô Thanh Kỳ, Giám đốc Cty Cờ Đỏ (đứng) và ông Vũ Đình Đảng (ngồi) tại phiên tòa xét xử ngày 06/5/2014
Năm 1993 gia đình ông Vũ Đình Đảng (trú tại Tiểu khu 12, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Minh Chuộng (trú cùng địa phương) một mảnh nương diện tích khoảng 3.000m2 trên đồi Rừng Trúc. Sau đó gia đình ông tiếp tục khai hoang và mở rộng diện tích lên tổng cộng khoảng 13,5 nghìn mét vuông để trồng cây và hoa màu. 
Một năm sau, gia đình ông Đảng được Nông trường Cờ Đỏ (nay là Cty Cờ Đỏ) cho thuê khoán gần 3 nghìn mét vuông đất để trồng cây mận hậu, sau khi nhận đất gia đình ông Đảng đã đầu tư trồng được 74 cây mận. Đến năm 1996, do gia đình em trai không có đất canh tác, ông Đảng đã cho vợ chồng người em mượn toàn bộ số đất trên để làm ăn.
Khi em trai chết (năm 1999), vợ chồng ông Đảng tiếp tục cho em dâu là Đỗ Thị Dựng mượn số đất trên với điều kiện đến năm 2010 phải trả lại. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, chị Dựng đưa con về quê ở và đã cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Hơn thuê lại, có thỏa thuận bằng miệng thời gian thuê từ ngày 24/4/2000 đến ngày 30/6/2009.
UBND xã và Cty Cờ Đỏ “đá nhau”
Thực hiện đúng thỏa thuận, ngày 17/09/2010, sau khi được chị Dựng trả lại đất, năm 2011 gia đình ông Đảng tiếp tục sử dụng 13,5 nghìn mét vuông đất khu Rừng Trúc để trồng ngô và xoan. Đến thời điểm thu hoạch ngô thì bỗng dưng gia đình ông Hơn đến tranh chấp. Sự việc được UBND xã Tân Lập giải quyết và kết luận gia đình ông Đảng vẫn được trông nom, chăm sóc ngô trên mảnh đất đồi Rừng Trúc.
Thế nhưng, “sau khi xảy ra tranh chấp với gia đình ông Hơn, ngày 05/12/2011, Cty Cờ Đỏ đã ra Quyết định số 132/QĐ-ĐĐ để tiếp tục giao cho gia đình ông Hơn được sử dụng toàn bộ thửa đất trên Rừng Trúc của gia đình tôi. Không chỉ vậy, gần 3 nghìn mét vuông đất và 74 cây mận nằm tại lô Vườn Cam của gia đình tôi nhận giao khoán cũng được ông Ngô Thanh Kỳ- Giám đốc Cty Cờ Đỏ- giao cho gia đình ông Hơn. Sau đó, vợ chồng ông Hơn dùng thuốc diệt 1.200 cây xoan đang trưởng thành của gia đình tôi”- ông Đảng chua xót.
Nhận định thiếu cơ sở?
Trước  sự việc trên, ông  Đảng đã có đơn ra tòa nhờ phân xử đúng sai.
Và ngày 6/5 vừa qua, TAND huyện Mộc Châu đã đưa vụ kiện:”Tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản” giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Đảng, bị đơn là Cty Cờ Đỏ ra xét xử và quyết định: Bác toàn bộ yêu cầu của ông Đảng về việc buộc Cty Cờ Đỏ hoàn trả lại cho gia đình 13,5 nghìn mét vuông đất ở khu vực Rừng Trúc và yêu cầu được tiếp tục giao khoán 2.448m2 đất khu vực Vườn Cam thuộc tiểu khu 12, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu... Cùng với phán quyết này, tòa án cũng chấp nhận việc Cty Cờ Đỏ giao toàn bộ số đất trên cho gia đình ông Hơn thuê khoán.
Phản ánh với PLVN, ông Đảng phản đối cách nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) khi cho rằng đất ở khu vực Rừng Trúc đã được UBND tỉnh Sơn La cấp sổ đỏ cho Cty Cờ Đỏ, do đó Cty này có quyền sở hữu đối với diện tích nêu trên. Cách nhận định trên là thiếu khách quan, bởi thời điểm ông Đảng khai phá thì đất chưa được Cty Cờ Đỏ sử dụng, bản thân Cty cũng không biết ai sử dụng 13,5 nghìn mét vuông đất tranh chấp từ năm 1992–2010; chỉ đến khi ông Hơn đến Cty để khai báo sử dụng đất thì Cty mới cho nộp tiền sử dụng đất bắt đầu từ năm 2002. 
Hơn nữa, tại Quyết định số 506/QĐ-UB (ngày 31/10/1992), UBND tỉnh Sơn La giao cho Nông Trường quốc doanh Mộc Châu III (nay là Cty Cờ Đỏ) sử dụng 4.800ha đất, nhưng đến năm 2009, tại Quyết định 3585/QĐ-UB thì cơ quan này chỉ cho Cty Cờ Đỏ thuê lại đất bằng hợp đồng. 
Không ký hợp đồng là do lỗi của Nông trường
Như vậy, năm 1992 Nông trường Cờ Đỏ sử dụng đất với tư cách là Doanh nghiệp nhà nước, nay Cty Cờ đỏ chỉ được thuê quyền sử dụng đất. Tại Quyết định 3585, UBND tỉnh Sơn La cũng nói rõ là diện tích đất cho thuê không bị tranh chấp và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng thuê đất, xác định vị trí để tính tiền thuê đất. Vậy thì chủ sử dụng đất là UBND tỉnh Sơn La cũng chưa xác định được vị trí đất cho Cty Cờ Đỏ thuê, nhưng HĐXX khẳng định vị trí đất đang tranh chấp đã được UBND tỉnh cho Cty Cờ Đỏ thuê. Nhận định này có thiếu cơ sở?
Liên quan đến diện tích đất gần 3 nghìn mét vuông tại khu vườn Cam, HĐXX cho rằng: “Hợp đồng thuê khoán không được lập thành văn bản, không xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Do vậy việc xác định thời hạn nêu trên (thời hạn 50 năm - PV) là không phù hợp”. 
Trước nhận định này, ông Đảng đã vô cùng bức xúc, bởi diện tích đất này có nguồn gốc của Nông trường Cờ Đỏ Mộc Châu giao cho gia đình ông sử dụng từ năm 1994, thời điểm này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 01/CP (ngày 04/01/1994) quy định về việc giao khoán đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nhưng Nông trường Cờ Đỏ lại không triển khai ký hợp đồng giao khoán đất cho công nhân mà tiếp tục thực hiện việc giao đất. Vì thế, việc chậm thực hiện giao khoán đất cho công nhân, nông trường viên theo tinh thần của Nghị định số 01/CP là lỗi của Nông trường Cờ Đỏ, tại sao lại buộc người dân phải gánh hậu quả của việc làm sai nguyên tắc này?
Không tâm phục kết quả xét xử của TAND huyện Mộc Châu, ông Đảng đã có đơn kháng cáo với hy vọng  bản án phúc thẩm sẽ được xem xét công tâm, trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan và các căn cứ pháp lý. 
Nhận định về bản án trên, Luật sư Vũ Đức Thuận, Văn Phòng Luật sư Thăng Long phân tích: TAND huyện Mộc Châu đã tước bỏ quyền sở hữu vườn mận hậu 20 năm tuổi của nguyên đơn mà không có bất cứ một sự bồi thường, giải thích thỏa đáng. Hồ sơ vụ án thiếu những chứng cứ cần thiết để khẳng định vị trí, diện tích  đất đang tranh chấp là đất của bị đơn hiện nay đang được UBND tỉnh cho thuê… Tất cả điều này nhằm ra phán quyết có lợi, né tránh việc bồi thường giá trị 1.200 cây xoan 3 năm tuổi bị làm chết, cũng như cho bị đơn và người liên quan được hưởng hoa lợi từ 74 cây mận hậu 20 năm tuổi thuộc sở hữu của nguyên đơn.

Đọc thêm