Theo Ancient Origins, nhiều người cho rằng phụ nữ cổ đại nắm giữ rất ít quyền lực. Tuy nhiên điều này không hề đúng dưới các triều đại Ai Cập cổ đại, phụ nữ ở đây có thể trở thành thầy thuốc phục vụ gia đình hoàng gia, cố vấn chính trị, người viết lịch sử, hoặc thậm chí cai trị đất nước với tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Những “nữ Pharaon” quyền lực
Theo các học giả người Mỹ Nobel Laureate và William Faulkner thì “Pharaon là hậu duệ của thần Amon vĩ đại cai quản thiên đường, còn các Pharaon là người cai quản mặt đất”. Có thể gọi những Nữ hoàng Ai Cập chính là các “nữ Pharaon”, một danh xưng vốn chỉ dành cho các vị vua, hoàng đế của Ai Cập cổ đại.
Trong vòng hơn 3.000 năm, Ai Cập cổ đại có tới 7 người phụ nữ nắm giữ quyền lực chính trị to lớn, cai quản một trong những nền văn minh vĩ đại nhất nhân loại. Để so sánh, trong suốt lịch sử của nước Mỹ chưa hề có một nữ Tổng thống nào, điều này cho thấy nữ quyền thời Ai Cập cổ đại đã đạt tới đỉnh cao. Neithhotep được biết đến là một nữ hoàng Ai Cập cổ đại sống dưới Vương triều thứ nhất (Vương triều đầu tiên sau khi Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất).
Theo các nhà học giả, Neithhotep là vợ của Pharaon Narmer - vị Pharaon đầu tiên của Ai Cập và là mẹ của Pharaon Hor-Aha. Trước khi Pharaon Hor-Aha có thể tự mình cai quản đất nước Ai Cập sau khi cha mất, Neithhotep được cho là đã thay ông thực thi quyền nhiếp chính. Việc Nữ hoàng Neithhotep có thực sự đã nắm giữ quyền lực như một Pharaon hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, một số cổ vật được tìm thấy trong lăng mộ của bà đã tiết lộ rằng, Neithhotep đã sắp xếp và ra lệnh cho một đoàn thám hiểm qua Wadi Ameyra tại bán đảo Sinai (Ai Cập) trong nỗ lực khai thác quặng và thu hoạch nguyên liệu. Các nhà nghiên cứu đánh giá, một hành động như vậy thường đòi hỏi quyền lực hoàng gia mà một nữ hoàng đơn thuần không có, trừ khi thực tế bà là một người cai trị độc lập, được ủy quyền hoàn toàn giống như một vị vua.
Trường hợp của Nữ hoàng Neithhotep cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc với Nữ hoàng Meritneith. Cùng sống dưới Vương triều thứ nhất, khác với Neithhotep, Merneith đến thời điểm hiện tại được lịch sử ghi nhận là “nữ Pharaon” đầu tiên của Ai Cập cổ đại. Bà trị vì vào khoảng thế kỷ 30 trước Công nguyên (TCN) thuộc Vương triều thứ nhất. Meritneith là vợ của Pharaon Djet và là mẹ của Pharaon Hor-Den. Nữ hoàng Merneith được tin là đã lên ngôi sau khi Pharaon Djet qua đời, khi đó Hor-Den con trai bà còn quá nhỏ để cai trị đất nước Ai Cập hùng mạnh.
Họa hình Nữ hoàng Ai Cập - biểu tượng của quyền bình đẳng và sức mạnh. |
Do đó, bà đã trở thành người nhiếp chính cho đến khi Pharaon Hor-Den đủ tuổi để có thể tự mình nắm giữ quyền lực. Vào khoảng Vương triều thứ 12, Nữ hoàng Sobekneferu - con gái của Pharaon Amenemhat III và là em gái Pharaon Amenemhat IV đã lên nắm quyền. Sau khi Amenemhat IV băng hà, Sobekneferu lên ngôi Pharaon cai quản đất nước Ai Cập cổ đại trong vòng 4 năm từ khoảng 1806-1802 TCN. Bà là một nữ vương quyền lực.
Cái chết của bà năm 1802 TCN đánh dấu sự kết thúc của Vương triều thứ 12 của Ai Cập cổ đại. Đứng thứ 4 trong danh sách là Nữ hoàng Hatchepsut (khoảng 1508- 1458 TCN). Nữ hoàng Hatchepsut đã trị vì Ai Cập từ năm 1479 đến 1457 TCN. Bà lên nắm quyền sau khi người anh trai, đồng thời cũng là chồng mình, Pharaon Thutmose II qua đời mà không có người kế vị. Hatshepsut được đánh giá là một trong những Nữ vương quyền lực nhất trong lịch sử thế giới cổ đại.
Bà trị vì trong 21 năm, lâu hơn bất cứ vị nữ Pharaon nào trong lịch sử và để lại một loạt những công trình và tác phẩm điêu khắc ấn tượng. Hatshepsut là người phụ nữ duy nhất được trao tước hiệu Pharaon ở Ai Cập. Một số biểu tượng mô tả bà đeo bộ râu giả và mặc trang phục của các vị đế vương. Quy mô và những hình khắc trong đền thờ của Hatshepsut cho thấy những thành tựu mà bà đã đạt được trong thời gian cai trị.
Người thứ 5 chính là Nữ hoàng Nefertiti (1370-1330 TCN) là vợ của vị Pharaon vĩ đại Amenhotep IV. Thuận theo ý thích của Nefertiti, Pharaon Amenhotep đã trao cho nàng quyền lực tối ưu trong một loại hình tôn giáo mới, nhằm tôn vinh vị thần mặt trời Aten trên mọi thần khác. Nefertiti được tôn vinh làm Nữ thần bảo hộ nhà vua thay thế nhiều vị thần khác trong tín ngưỡng cổ Ai Cập. Khi triều đại Amenhotep đã suy tàn, Nefertiti càng trở nên quyền lực hơn. Nefertiti đã trở thành Pharaon Nefemeruaten, nghĩa là “Người đàn bà mỹ lệ của Vầng hào quang sáng chói Aten”.
Cleopatra VII (69- 30 TCN), là con gái của vua Ai Cập thuộc triều đại Ptolemaios. Bà là một Nữ hoàng Ai Cập nổi tiếng về sắc đẹp quyến rũ, tính tình sắc sảo, thích quyền lực. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã cai trị đất nước cùng với cha. Sau khi vua cha mất, dựa vào tướng La Mã là Ceasar, bà lên ngôi Nữ hoàng Ai Cập (năm 51 TCN) và chi phối các công việc chính trị của đất nước.
Nữ vương cuối cùng của Ai Cập cổ đại chính là Twosret, bà được biết đến là Pharaon cuối cùng của Vương triều thứ 19. Twosret đã trị vì Ai Cập 7 năm, nhưng gần 6 năm đầu bà làm nhiếp chính cho ông vua trẻ Siptah, người tiền nhiệm bà. Sau khi Siptah băng hà, bà tự lập một triều đại riêng cho mình tự xưng “Người con gái của Ra, người phụ nữ của Tamerit, Twosret của Amun”. Thời kỳ của bà nổ ra nhiều cuộc nội chiến tranh giành ngai vàng, vương triều của bà kéo dài gần 2 năm thì bị diệt vong.
Thành tựu huy hoàng
Không chịu thua kém các Pharaon nam trong việc trị vì đất nước, những Nữ hoàng Ai Cập cổ đại thậm chí làm được nhiều điều mà các vị vua trước đó không thể. Điển hình như nữ hoàng Hatshepsut, trong suốt 21 năm nắm giữ quyền lực bà đã khôi phục mạng lưới thương mại từng bị ngắt quãng trong thời Hyksos chiếm đóng Ai Cập, từ đó tạo ra nguồn của cải bất tận cho quốc gia sông Nile. Bà đã đưa Ai Cập trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và giàu có.
Bà đã cho mở rộng giao thương xuống phía Nam vốn bị gián đoạn bởi chiến tranh, nhờ đó tạo lập sự thịnh vượng cho Vương triều thứ 18. Bà đã thành lập một đội quân gồm toàn nữ thủy thủ, có nhiệm vụ thám hiểm vùng đất Punt (Nam châu Phi). Đoàn thám hiểm lên đường nhân danh bà trên 5 con tàu, mỗi tàu dài 21m với nhiều cột buồm và có 210 người gồm các thuỷ thủ và 30 tay chèo. Nhiều hàng hoá trao đổi được mang theo tới Punt, đáng chú ý nhất là nhựa thơm.
Chính đội quân này đã mang về Ai Cập nhiều hàng hóa có giá trị: gỗ mun, vàng, những động vật hiếm và cây cảnh lạ. Trong đó phải kể tới việc người người Ai Cập đã mang theo về từ chuyến đi này 31 cây hương trầm sống, rễ của chúng được giữ cẩn thận trong những chiếc giỏ trong suốt chuyến hành trình. Đây là nỗ lực đầu tiên được ghi nhận trong việc di thực cây cối từ nước ngoài. Một lời ca ngợi bên dưới bức điêu khắc trong đền thờ của bà: “Chưa từng có vị vua nào trong lịch sử có thể mang về cho đất nước mình nhiều thứ như thế”.
Dù nhiều nhà Ai Cập học cho rằng, chính sách đối ngoại của bà chủ yếu là hòa bình song cũng có bằng chứng cho thấy, đích thân Hatshepsut đã chỉ huy các chiến dịch quân sự thành công tại Nubia và Syria trong những năm đầu cầm quyền. Bên cạnh đó, bà còn mở rộng bờ cõi Ai Cập, làm tiền đề cho sự bành trướng sau này.
Hatshepsut là một trong những người tiến hành nhiều công trình xây dựng nhất thời Ai Cập cổ đại, với hàng trăm dự án xây dựng ở cả Thượng và Hạ Ai Cập, với tầm vóc và số lượng to lớn hơn mọi công trình của những bậc tiền bối thời Vương triều trung gian của bà.
Các Pharaon sau này đã tìm cách chiếm một số công trình của bà thành của họ. Công trình Kim tự tháp của Hatshepsut là một trong những công trình xây dựng thể hiện tham vọng của vị nữ Pharaon này so với các vị Pharaon khác. Bà đã xây dựng hai tòa tháp cao hơn 30m tại ngay trung tâm hoàng tộc và tín ngưỡng của triều đại Thutmose. Xung quanh đó, bà đã cho xây dựng những con đường hùng vĩ và những đền thờ uy nghiêm.
Tất cả những chi tiết này chứng tỏ quyền lực của vị Nữ hoàng này là rất lớn trong thời gian trị vì. Dưới các vương triều Ai Cập cổ đại dù là Nữ hoàng hay người bình thường thì phụ nữ luôn là đối tượng được coi trọng. Cả đàn ông và phụ nữ đều có quyền sở hữu và mua bán tài sản, ký kết hợp đồng, kết hôn và ly hôn, nhận thừa kế... sự bình đẳng mà không phải ở bất kỳ quốc gia thời hiện đại nào cũng có được.