Điều đáng nói rằng đây không phải là lần đầu tiên nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh. Trên hành trình nghiên cứu khoa học, với những đam mê luôn cháy sáng, các nữ nhân Việt làm khoa học đã nhiều lần khiến bạn bè quốc tế nghiêng mình kính phục
Luôn có tên trong danh sách vinh danh
Ba nhà khoa học nữ được Tạp chí Asian Scientist bình chọn năm 2020 cũng chính là 3 nhà khoa học Việt Nam được trao Giải thưởng L’Oreal-UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.
Đó là PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân hoạt động trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Bà đang là Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ và Quan hệ đối ngoại của Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Ở vị trí thứ 23 trong danh sách, nhà khoa học này được vinh danh với đề án nghiên cứu tổng hợp vật liệu nano mới để tăng cường hiệu quả của pin nhiên liệu.
Đề tài nghiên cứu của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.
Ở vị trí thứ 32 trong tốp 100, TS. Trần Thị Hồng Hạnh đã nhận được giải thưởng cho nghiên cứu về việc sử dụng sắc ký ngón tay để đánh giá chất lượng dược liệu được bán thương mại tại Việt Nam. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay khi nhu cầu sử dụng dược liệu trong phòng bệnh và chữa bệnh ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Bà hiện đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhà khoa học tiếp theo được bình chọn là TS. Phạm Thị Thu Hà, chuyên ngành nông nghiệp. Tạp chí Asian Scientists bình chọn bà ở vị trí 87. Hiện bà đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng. Nghiên cứu của bà được trao thưởng vì đã sử dụng các dấu phân tử để phát triển giống lúa chịu mặn có năng suất cao ở các khu vực bị ảnh hưởng dọc theo đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là năm thứ 5 tạp chí Asian Scientists công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong danh sách công bố lần đầu tiên năm 2016, Việt Nam có 2 nhà khoa học nữ được vinh danh là TS. Trần Liên Hà Phương - Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM và TS. Đặng Thị Oanh - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên.
Năm 2017, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - Khoa Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa TPHCM được vinh danh trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp. Năm 2019, 2 nhà khoa học người Việt có tên trong danh sách là GS. TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec và TS. Nguyễn Thị Hiệp - Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM.
Trọn vẹn với đam mê, dành trái ngọt cho đời
Còn nhớ, năm 2018, nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, triển lãm “Cháy mãi những đam mê” đã khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm là kết quả sự phối hợp giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh những thành tựu và đóng góp của các nhà khoa học nữ.
Từ chuyện đời, chuyện nghề với niềm vui và nỗi buồn, với thành công và thất bại, với đam mê và đánh đổi… của những nhà nữ khoa học được giới thiệu trong triển lãm, những người làm triển lãm mong muốn công chúng hiểu hơn về những người phụ nữ làm khoa học trên khắp đất nước Việt Nam hôm nay.
Các nhà khoa học nữ Phòng thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 với lĩnh vực nghiên cứu chính là dịch bệnh cúm mùa. |
Ở nhiều ngành nghề và lứa tuổi khác nhau, con đường đến với khoa học cũng khác nhau nhưng điểm chung ở những nhà khoa học nữ là sự khát khao cống hiến, đam mê khoa học. Họ đã vượt lên mọi rào cản khi vừa là vợ, là mẹ vừa là một nhà khoa học, quyết tâm, kiên trì theo đuổi mục tiêu để có được những công trình nghiên cứu giúp cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cách đây gần hai chục năm, tôi đã từng gặp kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt – người được biết đến với thành công chế tạo máy biến áp 220Kv, tiết kiệm cho đất nước hàng chục tỷ đồng khi không phải nhập máy từ nước ngoài. Theo chân bà đến nhà máy, về nhà, lắng nghe câu chuyện của bà mới thấy được bà đã hy sinh, đánh đổi những gì cho niềm đam mê khoa học, công hiến cho đời.
Và năm 2018 tại triển lãm “Cháy mãi những đam mê”, điều đầu tiên tôi cảm nhận ở bà vẫn là niềm đam mê làm khoa học luôn ẩn chứa trong người phụ nữ bé nhỏ với nụ cười rụt rè và bộ trang phục giản dị ấy. Câu chuyện của bà bài triển lãm là những lần bà đã bật khóc khi máy biến áp 220 kV được lắp ráp hoàn thiện nhưng chưa ấn nút.
“Tôi bật khóc vì chợt nghĩ nếu có sai sót, dù chỉ nhỏ nhất thì mọi công sức và hàng chục tỉ đồng đổ đi hết. Vì thế, mấy ngày sau, tôi không dám xuống nhìn máy nữa… Khi máy biến áp đóng điện thành công, tôi như trút bỏ được gánh nặng nghìn cân”, bà Nguyệt nhớ lại. Cần biết rằng, trước đó, khi bà bắt đầu nghiên cứu làm máy biến áp, chuyên gia Nga còn ái ngại vì ở Nga, 8 tiến sĩ hàng đầu mà phải làm đến lần thứ 4 mới thành công.
“Nghiên cứu là cuộc sống của tôi”, cuộc đời nghiên cứu khoa học của PGS, TS Nguyễn Thị Hòe tóm tắt trong một câu nói giản dị. Nhưng thành tích của bà thì không giản dị chút nào. Hơn 30 năm nghiên cứu, 20 năm dấn thân vào thương trường, “người phụ nữ quyền lực của ngành sơn” đã xây dựng được một thương hiệu sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 12 công ty, bảy nhà máy sản xuất, tám văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý trong và ngoài nước.
Các sản phẩm độc đáo như sơn giả đá, sơn nano chống cháy, sơn chống đạn, sơn kháng khuẩn và chống gỉ… đang dần chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Mỹ… “Cả đời gắn với công tác khoa học, tôi nghĩ chỉ nên nghiên cứu những gì xã hội cần, có thể ứng dụng được, từ đó mới có thể thương mại hóa những thành quả nghiên cứu ấy. Nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công”, PGS, TS Nguyễn Thị Hòe chia sẻ…
Nghiên cứu thành công những đề tài lớn lao mang lại lợi ích cho cuộc đời, nhưng hiện vật trong triển lãm năm ấy về các nhà khoa học nữ lại khá thô sơ và giản dị. Đó là một chiếc lò sấy nông sản. Những chiếc khẩu trang tráng bạc. Nhíp, kéo y tế sử dụng mổ buồng trứng chuột. Chiếc túi xanh có chữ thập đỏ của những cô đỡ thôn bản vùng sâu vùng xa. Cuốn sổ tay ghi những nghiên cứu về thiết bị điện…
“Chúng tôi không chọn những hiện vật hiện đại. Chúng tôi chọn những hiện vật giản dị và gần gũi mà các chị đã sử dụng. Họ đã nghiên cứu khoa học trong những hoàn cảnh bình dị”, bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN lý giải. Trong những hoàn cảnh bình dị, họ đã làm khoa học thật – đó là điều có thể thấy ở các nhà khoa học nữ Việt Nam.
Hay nói như PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: “Vấn đề khoa học hiện nay có cái thật, có cái dởm. Nhưng những người phụ nữ ở triển lãm Cháy mãi những đam mê, họ làm khoa học thật. Họ mang lại những lợi ích xã hội không thể phủ nhận được”.
Giải thưởng của lòng dân
Làm khoa học, còn điều gì vui hơn, giải thưởng nào cao quý hơn khi thấy những thành quả nghiên cứu của mình được cộng đồng đón nhận, có ích cho cuộc sống. Có rất nhiều nhà khoa học nữ, bên cạnh giải thưởng danh giá, còn có những danh hiệu mà cuộc đời trao tặng. Đó là những cái tên rất hay như Bà mẹ lúa, Bà mẹ nghìn con, Phù thủy rác...
GS-TS Nguyễn Thị Lang được nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trìu mến gọi là “Bà mẹ lúa” bởi bà gắn bó với nhiều vùng đất bằng những giống lúa mới. Trong đó có Bạc Liêu, nơi nông dân bỏ hết ruộng để nuôi tôm mà cuộc sống vẫn bấp bênh cực khổ. Không đang tâm nhìn vậy, bà lao vào nghiên cứu ngày đêm chất đất rồi trồng thử nghiệm giống lúa OM4900, kết quả cho năng suất 5 tấn/ha.
“Từ đó tôi quyết tâm thuyết phục nông dân bỏ tôm trồng lúa. Ban đầu người dân khóa cửa không cho tôi vào. Tôi cứ ngồi ngoài nhất quyết không chịu về, cuối cùng họ đã chịu cho gặp”, bà kể lại. Sau đó, bà mang lúa xuống phát tận nơi, hướng dẫn gieo trồng. Ở Bạc Liêu giờ đây giống lúa này đã phủ 50% diện tích gieo trồng trong tỉnh.
Có thể nói những cái tên Bà mẹ lúa, Bà mẹ nghìn con, Phù thủy rác… đầy yêu thương đó cũng chính là linh hồn của các đề tài nghiên cứu của mỗi nhà khoa học. Nó cho thấy, họ đã bước lên bục vinh danh không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn trong lòng của nhân dân, đất nước.