“Nữ tướng” của Tư pháp Bình Dương

 Nữ tính, mềm dẻo những cũng hết sức quyết liệt khi cần, chị đã cùng các cộng sự dày công đưa công tác tư pháp địa phương “đơm hoa, kết trái”. Chị là Trần Nhất Huấn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương.
Nữ tính, mềm dẻo những cũng hết sức quyết liệt khi cần, chị đã cùng các cộng sự dày công đưa công tác tư pháp địa phương “đơm hoa, kết trái”. Chị là Trần Nhất Huấn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương.

 
 

“Nữ tướng” tư pháp

Thoạt nghe, có lẽ ít ai nghĩ đó là cái tên của một phụ nữ. Nhìn vào những thành tích đã đạt được, người ta càng đoán chắc con người này phải là nam, không những thế còn là một người đàn ông đầy bản lĩnh. Thế nhưng, thật bất ngờ vì đó là một người phụ nữ, nhan sắc mặn mà. Ở chị là sự pha trộn giữa cái kiên quyết, cứng cỏi của người cán bộ công tác lâu năm trong ngành Tư pháp, lại vừa có sự mềm mại, nữ tính mà khoáng đạt của một người đàn bà đất phương Nam.

Chị nhớ lại, năm 2001, đang giữ vị trí Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, chị được điều về nắm cương vị lãnh đạo Sở. Bắt đầu về ngành Tòa án từ năm 1976, được bổ nhiệm Phó Chánh án tòa án tỉnh năm 1989, từng nhận nhiều bằng khen, huy chương, nhiều năm gắn bó với ngành tòa án, cộng với tâm lý “ngán” công việc của Sở Tư pháp là quá rộng, ban đầu, chị khá miễn cưỡng khi nhận nhiệm vụ mới.

Chị chia sẻ với tất cả tấm lòng: “Buổi đầu, với nhiều băn khoăn, tôi cũng chưa thực sự yêu công việc của mình. Nhưng dần dà, trong quá trình tiếp xúc, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, tôi nhận ra rằng công tác tư pháp hoàn toàn không đơn thuần nghiệp vụ, khô khan như người ta vẫn nghĩ. Đó là một công tác vừa cần tư duy sáng tạo, sự năng động, lại vừa đòi hỏi phải chính xác với quy định của pháp luật. Càng làm, càng thấm thía nhiều điều, càng cảm thấy thú vị, và không biết tự bao giờ tôi đã yêu quý, tự hào về nghề nghiệp của mình”.

Biệt danh “nữ tướng” của chị một phần xuất phát từ những “chiến công” mang tính bước ngoặt đối với ngành Tư pháp tỉnh nhà. Chị chia sẻ, khi chị mới nhận việc, công tác tư pháp trong tỉnh đang lâm vào tình trạng hết sức “rối” với nhiều lĩnh vực tồn đọng chưa giải quyết được: Công tác thi hành án dân sự hầu như không quản lý được, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật nhận thức không đúng nguyên tắc quản lý nhà nước kết hợp vai trò tự quản, phát hiện nhiều sai phạm, nhân lực toàn ngành khá “mỏng” và yếu…

Với nhiều “quyết sách”, như: “mạnh tay” thay Trưởng Thi hành án (nay là Cục trưởng), bổ nhiệm lại, miễn nhiệm các Trưởng, Phó Thi hành án, chấp hành viên huyện, và kiện toàn nhân sự theo ủy quyền của Bộ trưởng; rồi chỉnh đốn Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sự, đi thẳng vào những sai phạm và kiên quyết xử lý, khắc phục; mạnh dạn tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân lực… Để rồi cuối cùng, chị cũng đã “dẹp” được những khó khăn, tồn tại, thậm chí “khó xử” bấy lâu trong ngành.

Với những nỗ lực của chị, Tư pháp Bình Dương đã “lột xác” trở thành một trong những địa phương thuộc khu vực phía Nam đi đầu về công tác xã hội hóa tư pháp, với việc sớm chuyển giao thẩm quyền công chứng, chứng thực từ năm 2009 và hiện nay có 12 tổ chức hành nghề công chứng, đây cũng là địa phương hoàn thành tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật với mô hình giỏ pháp luật…

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trong nhiều chuyến công tác vào phía Nam, đã gọi chị là “nữ tướng”của Tư pháp Bình Dương, để rồi biệt danh này gắn bó với chị cho đến ngày hôm nay.

Tin tưởng cán bộ trẻ

Thực tế, không dễ một người phụ nữ có thể làm được những điều như thế. Ai nghe qua cũng tưởng khi có được những kết quả này chị Huấn phải là người “dữ” lắm. Thật ra, để đến được kết quả cuối cùng, chị Huấn đều vạch ra cho bản thân đường đi cụ thể, từng bước, và mỗi bước đi đều có xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Vả lại, “mình làm gì cũng cần có đường hướng, cân nhắc, chứ không thể dồn người đến đường cùng được” – chị Huấn bộc bạch.

Chị “bật mí”, bí quyết của mình là luôn xem trọng yếu tố con người, và “nỗ lực học tập Bác Hồ trong cách dùng người”. Cách “chỉnh đốn” đối với công tác cơ quan của chị chủ yếu cũng bắt đầu từ “làm yên lòng người, chấn chỉnh kỉ cương, đưa người nào vào vị trí ấy”. Chị kể thêm, khi chị mới về nhận công tác ở Sở (năm 2001), toàn ngành Tư pháp Bình Dương - kể cả cơ quan thi hành án lúc ấy ngồi lại chưa được ba bàn tròn (khoảng 27 người). Đến nay, chỉ riêng nhân sự tại Sở đã là 29. Đặc biệt, chị Huấn tin tưởng ở cán bộ trẻ, nên tại Sở, số người trẻ chiếm đa số, được tạo điều kiện để phát huy năng lực, học hỏi trau dồi nghiệp vụ. “Lính” chị có hai trưởng phòng là nữ, thuộc “thế hệ 8X”, trong đó có một đại biểu HĐND tỉnh. Chị cũng đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển cán bộ giai đoạn 2010- 2015 của ngành.

Từ những thành tích của mình, trong nhiều năm liền, chị luôn được vinh danh là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, ngành Tư pháp, cấp tỉnh… được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, và năm 2008, chị được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng III. Chị cho rằng, như thế vẫn chưa là đủ, bởi chị còn phải luôn luôn học theo cách sống và làm việc của Hồ Chủ tịch, còn nhiều điều chị chưa làm được. Tâm niệm của chị, phải luôn là người cán bộ “cần - kiệm  - liêm - chính, chí - công - vô – tư”.

Ngọc Mai - Phong Trần

Đọc thêm