“Mộ lạ” trên núi Phật Tích
Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng thôn Phật Tích cho biết, núi Phật Tích là địa danh tâm linh, có chùa Phật Tích ngự ở chân núi. Dân gian quan niệm đây là nơi đất lành, nơi ở của đức Phật. Truyền thuyết cho rằng nơi đây cảnh đẹp đến mức tiên trên trời xuống ngao du mải chơi quên cả lối về; anh tiều phu lên núi đi hái củi, ngồi đánh ván cờ tiên cả tháng trời chưa xong.
Nhiều người ở địa phương khác đến đây vãn cảnh, có ý định được xây mộ tổ trên núi. Họ quan niệm khi tổ tông được chôn nơi Phật tích, quanh năm khí hậu trong lành, cảnh quan “sơn thủy hữu tình” thì con cái được hưởng phúc an lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên những đề nghị này đều không được địa phương chấp thuận.
Theo ông Trình, khoảng đầu tháng 4/2014, anh Hoàng nhờ người quen vài lần đến đặt vấn đề với địa phương, nguyện vọng được di dời mộ ông nội đến chôn ở núi Phật Tích nhưng không được đồng ý.
Hoàng là kỹ sư xây dựng, quen biết thợ xây Lại Văn Hà (SN 1973, ngụ thôn Phật Tích). Hoàng nhờ anh thợ xây lên núi Phật Tích đào trộm huyệt mộ. Khoảng 8h sáng ngày 16/4/2014, khi Hà đang hì hục đào huyệt trên núi Phật Tích thì bị bắt quả tang. Trưởng thôn cùng Trưởng công an xã trực tiếp lập biên bản, đình chỉ việc làm bất hợp pháp. Người thợ xây cãi cùn: “Tôi và Hoàng là anh em kết nghĩa, mộ ông anh Hoàng cũng là mộ gia đình tôi”.
Anh Hoàng chôn trộm hài cốt ông trong đêm, đắp lên nấm mộ sơ sài |
Tưởng chừng sau lần bắt quả tang này, anh thợ xây sẽ ngừng, nào ngờ anh Hà vẫn chưa dừng lại. Nửa đêm 19/4, một người dân phát hiện có chiếc ô tô đến đầu làng rồi dừng lại. Một số người bước xuống, khiêng theo tiểu sành, vừa đi vừa rải vàng mã. Đoàn người men theo đường sống núi, từ phía Đông về phía Tây, đến gần đỉnh núi, đoạn dưới bức Đại Tượng Phật mấy chục mét thì dừng lại. Người dẫn đường chính là thợ xây tên Hà. Trong đêm tối, đoàn người chôn tiểu sành chứa hài cốt chôn xuống huyệt do Hà đào sẵn từ trước. Rồi họ cúng bái, “trấn yểm”… trước ngôi mộ mới đắp. Đến rạng sáng, đoàn người lặng lẽ ra về.
Đến buổi sáng chính quyền mới biết chuyện, lập tức lên núi kiểm tra. Sau mấy vòng tìm kiếm, mọi người ngôi mộ lạ ở giữa lưng chừng núi, cách bức Đại Tượng Phật trên đỉnh núi không xa. Khi phát hiện ngôi mộ, hương nến vẫn nghi ngút cháy. Mộ này chưa được xây dựng kiên cố bằng xi măng, chỉ là nấm mồ được đắp đất nhô cao.
“Núi thiêng” từ lâu đã là… nghĩa trang tự phát
Không khó để xác định ngôi mộ trên là của gia đình anh Hoàng. Trưởng thôn gọi vào số điện thoại di động anh này, nhưng nhiều lần mà đầu dây bên kia không bắt máy. Trưởng thôn đành nhắn tin: “Nếu anh không nghe máy, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lí ngôi mộ”.
Khoảng 30 phút sau, chủ mộ gọi lại, xác nhận ngôi mộ chính là của gia đình mình. Trưởng thôn thông báo việc lập mộ tại đây là trái phép, yêu cầu gia đình di chuyển đến nơi khác. Trong điện thoại, Hoàng xác nhận việc làm của mình là sai, nhưng nhất định không dời mộ đi.
Sau vài lần họp thôn, yêu cầu di chuyển mộ bất thành, ngày 28/5, UNBD xã Phật Tích tổ chức hội nghị, thành phần gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo xã Phật Tích, thôn Phật Tích và chủ mộ. Hội nghị kết luận, việc Hoàng di chuyển mộ tổ lên núi Phật Tích là trái luật và hương ước địa phương, yêu cầu Hoàng di chuyển mộ.
Tại hội nghị, chủ mộ thừa nhận hành vi xây mộ tại núi Phật Tích là sai trái, giải thích là do “thiếu hiểu biết và do tình hình cấp bách nên mới làm vậy”. Tuy nhiên, chủ mộ vẫn yêu cầu để mộ tổ ở trên núi và “đợi khi nào nhà nước xây dựng nghĩa trang công cộng thì gia đình sẽ tự nguyện chuyển đi”. Hội nghị kết thúc không thu được kết quả gì. Đại diện xã tuyên bố “sẽ có hành động quyết liệt và mạnh mẽ”.
Đến ngày 24/6, Chủ tịch UNBD xã ra thông báo lần ba cho gia đình chủ mộ di chuyển mồ mả đi chỗ khác nhưng không nhận được phản hồi. Ngày 16/7, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, UBND xã Phật Tích, thôn Phật Tích đến làm việc với UNBD xã Phù Chẩn là quê của anh Hoàng. Chủ mộ Hoàng không tham gia hội nghị, cử cô ruột là bà Nguyễn Thị Nga tham gia.
UBND xã Phù Chẩn cho biết, Hoàng là người địa phương, nhưng đã chuyển khẩu lên Hà Nội từ lâu. Anh ta trước đây học Đại học Xây dựng Hà Nội, sau khi ra trường, trở thành kỹ sư xây dựng. Dù Hoàng sinh sống ở Hà Nội nhưng ở quê vẫn có ngôi nhà cũ và mảnh đất sân vườn rộng hơn trăm mét vuông. Trong buổi làm việc, UBND xã Phật Tích ra “tối hậu thư”, sau 10 ngày nếu gia đình Hoàng không tự di chuyển mộ, chính quyền sẽ cưỡng chế ngôi mộ, đem đến chôn tại mảnh vườn cạnh ngôi nhà hoang của Hoàng ở xã Phù Chẩn.
Ba ngày sau, người ta thấy chủ mộ cùng người đào trộm huyệt trước đây lên núi Phật Tích chụp lại các ngôi mộ có ở trên núi. Sau đó chủ mộ in những ảnh này ra trên giấy A4, sao chép thành nhiều bản, rải “tờ rơi” khắp làng, cự nự: “Trên núi có nhiều mộ mới chôn, đâu phải riêng của gia đình tôi. Nếu những ngôi mộ kia được chôn ở đây thì cớ sao tôi không được? Nếu những ngôi mộ kia di dời đi thì tôi mới di dời”.
Nói về điều này, trưởng thôn cho biết, đúng là trên núi Phật Tích có mộ, nhưng mộ mới không nhiều, chủ yếu do “lịch sử để lại”. Nhiều ngôi mộ ở đây có niên đại hàng mấy trăm năm, là người địa phương, trong đó nhiều người có công với cách mạng. “Một số gia đình ở thôn cũng đem người thân lên núi chôn cất, nhưng phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nếu người ở địa phương khác ai cũng tùy ý đến đây xây mộ thì chẳng bao lâu núi Phật Tích thành nghĩa trang tự phát lộn xộn, đâu còn là nơi linh thiêng Phật Tích”, trưởng thôn nói.
Chôn “mộ kết” ở nơi “linh thiêng” để “hóa giải đen đủi”
Pháp luật & Thời đại đã tìm về quê anh Hoàng để tìm hiểu vì sao anh này nhất quyết đưa hài cốt người thân lên núi Phật Tích chôn. Bà Nguyễn Thị Nga (cô ruột Hoàng) cho biết, cháu trai bà sinh sống ở Hà Nội đã lâu, thỉnh thoảng mới về quê một lần. “Việc sang cất mộ ông cụ, tôi cũng muốn tham gia, nhưng cháu trai và bác bảo tôi là đàn bà, mọi chuyện cứ để đàn ông lo liệu. Khi chính quyền xã Phật Tích xuống đây làm việc, bản thân tôi không muốn sự việc ồn ào. Bố tôi đã mất từ lâu, tôi chỉ muốn cụ được yên nghỉ”, bà Nga tâm sự.
Theo lời bà Nga, cháu bà là người chuộng Phật giáo, đi làm ăn xa nên có niềm tin tâm linh, hay lên đền chùa cầu khấn an lành. “Cháu Hoàng chỉ muốn tốt cho phần mộ các cụ nên mới đem mộ lên núi Phật Tích chôn cất. Chẳng ngờ sự việc lại phức tạp như thế này”, vẫn lời bà cô.
Theo tìm hiểu, việc anh Hoàng đưa mộ ông lên chôn cất ở núi Phật Tích có những uẩn khúc tâm linh. Trước đó, khi cải táng mộ ông, mọi người phát hiện có nhiều dấu hiệu mộ “kết phát”. Theo quan niệm mê tín, gia đình nào khi cải táng phát hiện “mộ kết “ thì có thể bị “động”, dễ khiến gia chủ gặp hoạn nạn. Trong tình huống đó, để ổn định tinh thần mọi người, anh Hoàng mời “thầy” về làm lễ cúng “cắt trạch”. Sau đó, theo lời “thầy” chỉ dạy, nhanh chóng đưa hài cốt lên núi Phật Tích chôn cất để gia đình tránh hoạn nạn. “Sự việc khiến tâm trí hoang mang nên tôi vội vã đem hài cốt ông đi chôn cất trong đêm theo lời “thầy” bảo”, anh Hoàng giải thích.
Phải chăng thấy người chôn trộm mộ có phần có lý, nên mười ngày sau khi ra “tối hậu thư”, UBND xã Phật Tích vẫn chưa ra quyết định cưỡng chế ngôi mộ, đem chôn trả lại gia đình như đã tuyên bố. “Đây là sự việc nhạy cảm, UBND xã Phật Tích đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du. Sau khi có ý kiến của huyện, chúng tôi mới có phương án xử lí sao cho hợp lí nhất”, trưởng thôn Phật Tích phân trần.
Một số ngôi mộ của người nhà chùa trên núi Phật Tích |
Các cụ trong thôn Phật Tích thì đứng ngồi không yên, ai cũng tỏ ra bức xúc, bất bình. Ngày 1/8, đại diện Hội người cao tuổi thôn thậm chí kéo nhau lên UBND huyện Tiên Du đề nghị chính quyền khẩn trương có biện pháp di dời ngôi mộ mới chôn. “Vụ việc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nơi đây, gây mất an ninh trật tự, bất bình trong dư luận. Nếu không xử lí khéo, sẽ thành tiền lệ xấu, khó quản lí”, trưởng thôn nói.
Theo tìm hiểu của Pháp luật & Thời đại, khu vực núi Phật Tích thuộc rừng phòng hộ, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm. Để tăng cường công tác bảo vệ rừng trên toàn tỉnh, ngày 21/6/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc chuyển mồ mả vào diện tích đất rừng. Thực hiện quyết định này, ngày 21/7/2011, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du ra Công văn số 321/UBND-NN yêu cầu địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nếu thấy trường hợp người dân di chuyển mồ mả vào đất rừng, trong đó có rừng núi Phật Tích. Như vậy, việc một số người dân thôn Phật Tích được chính quyền “đặc cách” cho xây mộ trên núi Phật Tích là trái với quy định. Nếu chính quyền không cho người địa phương lập mộ trên đó thì chắc anh Hoàng cũng không thể “cãi cùn” như trên. Tiền lệ xấu này một phần có trách nhiệm của địa phương?:
“UBND xã Phù Chẩn cho biết, Hoàng là người địa phương, nhưng đã chuyển khẩu lên Hà Nội từ lâu. Anh ta trước đây học Đại học Xây dựng Hà Nội, sau khi ra trường, trở thành kỹ sư xây dựng. Dù Hoàng sinh sống ở Hà Nội nhưng ở quê vẫn có ngôi nhà cũ và mảnh đất sân vườn rộng hơn trăm mét vuông. Trong buổi làm việc, UBND xã Phật Tích ra “tối hậu thư”, sau 10 ngày nếu gia đình Hoàng không tự di chuyển mộ, chính quyền sẽ cưỡng chế ngôi mộ, đem đến chôn tại mảnh vườn cạnh ngôi nhà hoang của Hoàng ở xã Phù Chẩn”. /.