(PLO) -Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, cả xã hội tôn vinh chị em. Nhưng có lẽ chỉ những chị em ở nơi phố thị hoặc những nơi kinh tế khá khẩm hơn thì mới biết đến ngày này. Còn lại ở những nơi khó khăn, nhất là vùng núi, phụ nữ phải ngày ngày đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống. Có người cả đời chưa được nhận một món quà nhỏ cho chính ngày cả xã hội tôn vinh mình…
Nỗi niềm quẩn quanh của cuộc sống
Trên những hành trình lên non cao của mình, tôi đã gặp không biết bao nhiêu người mẹ nhí các dân tộc thiểu số Sila, La Hủ, Brâu, Chứt, Pa Kô, Vân Kiều…
Giữa khung cảnh như ngưng đọng về không gian, thời gian, nơi mây mù bảng lảng vây kín quanh năm, nơi những bờ rào đá nuớc phải mua từng can… tôi đã chứng kiến những bữa mèn mén chan với canh cải, bên mâm cơm người mẹ với đàn con lít nhít cùng mẹ già, còn ông chồng la đà bên chai rượu hay ché rượu cần. Từ cực bắc, cực nam, cực đông, cực tây, đó là hình ảnh quen thuộc mà tôi đã đi qua.
Bao giờ cũng thế, khung cảnh nguyên sơ như trong cổ tích ẩn chứa biết bao câu chuyện buồn quanh những thiếu nữ chưa kịp lớn đã làm vợ, làm mẹ. Bước chân về nhà chồng, họ phải làm quần quật trên nương, việc nhà từ tinh mơ tới tối mịt.
Người phụ nữ lao động với cường độ cao, thời gian kéo dài từ 14 – 18 tiếng/ngày. Lâu dần, điều đó trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch, nên vài trăm năm qua phụ nữ vùng cao vẫn cam chịu bao nỗi nhọc nhằn bủa vây.
Họ bảo khi sinh ra là con gái đã cực rồi, nhưng dù sao lúc nhỏ còn được ở trong nhà bố mẹ, ăn cơm của bố mẹ, dẫu làm việc nặng cũng còn có anh, có em, có bà con họ hàng, chứ khi về nhà chồng thì thường phải lủi thủi gánh tất tật một mình. Nhiều người cho rằng cái khổ của phụ nữ rẻo cao một phần vì tục thách cưới của nhà gái với nhà trai có từ bao đời nay.
Bởi muốn có được vợ, có được người mình yêu, đôi khi chàng rể và gia đình phải è cổ sắm sửa thật nhiều lễ vật, từ trâu bò, lợn gà đến nữ trang đắt tiền. Người vợ khi đó sẽ được hiểu như một món hàng, và tất nhiên đã bỏ tiền ra mua thì có quyền sai bảo, nạt nộ.
Dẫu ngày nay tục thách cưới không còn nặng nề như xưa nhưng nếp sống, nếp nghĩ ấy chưa thay đổi trong tư duy của người chồng, thậm chí là người nhà của chồng. Đơn cử cho việc cưới vợ cốt để… có người làm là ngay sau khi tổ chức hôn lễ, nàng dâu phải lập tức ra suối bắt cá, nếu chưa bắt được thì không được về, còn nếu bắt được thì sẽ đưa cá ra giữa nhà xem đó là con cá gì để bị phán xét tính cách là siêng năng hay lười nhác.
Vào những vụ mùa là khoảng thời gian mà họ phải căng sức từ sáng sớm đến tối muộn để làm ra của cải vật chất trong nhà, còn đàn ông thường chỉ… phụ giúp thêm. Người Vân Kiều, Pa Kô còn có tập tục dựng kho thóc cách xa nhà nhưng những người phụ nữ nhọc công làm ra chúng thì lại không được tự tiện đến kho thóc. Muốn lấy thóc về giã gạo cũng phải xin chồng hoặc bố mẹ chồng, trong kỳ “đèn đỏ” thì tuyệt đối không được đến “vì sẽ làm ô uế hạt thóc, hạt ngọc của trời”.
Ngoài việc lên nương lên rẫy, tất nhiên phụ nữ vùng cao cũng phải quán xuyến luôn việc nhà, từ giã gạo, chợ búa, cơm nước đến chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ. Phụ nữ làm càng nhiều việc, đặc biệt là việc nặng, thì được cho là vợ tốt, dâu hiếu thảo, được gia đình nhà chồng tôn trọng.
Mơ về nơi xa lắm
Cuộc đời người phụ nữ vùng cao cứ tuần tự như vậy, ngày này sang ngày khác từ đời bà, đời mẹ, đời con và không biết tới ngày nào họ mới được thảnh thơi, không phải hy sinh tất cả cho gia đình?. Những người phụ nữ khổ cực đó, họ sống cho chồng con và không có khái niệm sống cho mình, kể cả những ngày mà cả thế giới dành để ca tụng người phụ nữ, ngày của chính họ. Tôi tin chắc họ cũng không biết được hay ý thức được rằng cả thế giới có một cái ngày gọi là Ngày quốc tế Phụ nữ để tôn vinh họ.
Bởi nếu không làm quần quật thì có thể trong ngày đó họ còn bị gia đình chồng nhiếc móc, mà biết đâu đó, họ còn là nạn nhân của những trận đòn từ những người chồng thô bạo và họ lại là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học lam lũ ấy, những hủ tục ăn sâu vào nếp nghĩ khiến người phụ nữ vùng cao chỉ biết loay hoay bên những triền núi, triền sông, suốt đời mắt không sáng nổi một mùa trẩy hội… Bao giờ họ mới biết tới một ngày dành cho mình, dẫu chỉ là “biết” thôi, không phải là những giấc mơ xa xỉ về hoa hồng…?