Nước Mỹ trước ngày tân Tổng thống nhậm chức

(PLVN) - Nước Mỹ đang ở trước một dấu mốc rất đặc biệt trong lịch sử đất nước là tân Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ chính thức nhậm chức vào trưa ngày 20/1 tới. Quyền lực của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa sẽ chấm dứt vào thời điểm ấy. 
Tân Tổng thống Hoa Kỳ ông Joe Biden.

Dấu mốc này thật ra về danh nghĩa và bản chất vốn không có gì đặc biệt nhưng riêng trong năm nay lại khác vì tình trạng chính trị xã hội nội bộ hiện tại khi hàng loạt truyền thống chính trị ở đất nước này bị ông Trump bất chấp và khi nước Mỹ bị đắm chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội, hiến pháp và văn hoá, đạo đức chính trị xưa nay chưa từng thấy.

Sự kiện trung tâm của nước Mỹ trong năm 2020 vừa qua là cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ngày 3/11. Ông Trump bị thất cử nhưng không chịu công nhận thắng cử của ông Biden. Với cáo buộc phe Đảng Dân chủ gian lận bầu cử nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào, ông Trump và những người ủng hộ đã tiến hành chiến dịch kiện tụng ở mọi cấp tòa án nhằm không xác nhận tính hợp pháp hợp hiến của kết quả bầu cử. 

Ngày 6/1 vừa qua, khi lưỡng viện lập pháp Mỹ nhóm họp để chính thức xác nhận thắng cử của ông Biden - thủ tục pháp lý cuối cùng xác nhận ai đắc cử và ai thất cử thì ông Trump đã có bài phát biểu trước cuộc tụ họp của những người ủng hộ ở thủ đô Washington mà bị đánh giá là kích động những người này nổi loạn tràn vào tòa nhà trụ sở Quốc hội Mỹ. Kết quả là trụ sở bị phá phách, phiên họp phải ngừng lại, 5 người bị thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương. 

Vụ việc này đi vào lịch sử nước Mỹ bởi chưa khi nào kể từ ngày 24/8/1814, từ khi quân đội thực dân Anh tấn công và đốt phá thủ đô Washington của nước Mỹ, thủ đô này mới lại lâm vào tình cảnh hỗn loạn và bạo lực đến như vậy.

Vụ việc khiến cả thế giới chứ không chỉ có riêng nước Mỹ bị sốc bởi nó bộc lộ rõ nét và đầy đủ hơn bao giờ hết chính trường và nội bộ xã hội nước Mỹ bị phân hóa trầm trọng như thế nào; nền dân chủ Mỹ, luật pháp và nhà nước pháp quyền ở Mỹ yếu kém như thế nào. Cũng vì vụ việc này mà ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị Hạ viện quyết định tiến hành luận tội phế truất hai lần trong thời gian một nhiệm kỳ cầm quyền.

Với cáo buộc ông Trump kích động nổi loạn, Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định luận tội phế truất ông cho dù người này chỉ còn tại nhiệm có vài ngày. Cuối năm 2019, ông Trump đã bị lần đầu tiên như thế và không bị phế truất nhờ phe Đảng Cộng hòa không để cho phía Đảng Dân chủ có được 2/3 trong tổng số 100 thành viên của Thượng viện Mỹ. Lần này, trong Hạ viện và Thượng viên Mỹ đã có những dân biểu thuộc phía Đảng Cộng hòa đồng tình với việc tiến hành phế truất ông Trump. 

Sau ngày bầu cử quốc hội 3/11 vừa qua, Đảng Dân chủ bảo vệ được quyền kiểm soát hạ viện. Ngày 5/1 vừa qua, phe này có được thêm 2 Thượng nghị sĩ nữa và ngang bằng với phe Đảng Cộng hòa về số Thượng nghị sĩ trong Thượng viện. Người ta nói là phe Đảng Dân chủ kiểm soát được cả thượng viện bởi khi ngang bằng nhau như thế thì tiếng nói của Phó Tổng thống trên cương vị Chủ tịch Thượng viện sẽ quyết định và người này sẽ là bà Kamala Harris thuộc Đảng Dân chủ. 

Nhưng cũng phải từ sau buổi trưa ngày 20/1 tới này thì phía Đảng Dân chủ mới kiểm soát được Thượng viện và thời gian kiểm soát này trước mắt mới chỉ cho tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào đầu tháng 11/2022. Thượng viện Mỹ chỉ họp lại sau khi ông Biden và bà Harris chính thức nhậm chức.

Vì thế, ông Trump sẽ không bị phế truất trước khi mãn nhiệm và khả năng bị phế truất sau khi mãn nhiệm cũng rất ít bởi phía Đảng Dân chủ gần như không thể có được sự đồng hành của ít nhất 17 thành viên thuộc Đảng Cộng hòa trong thượng viện để có thể phế truất ông Trump. Nhưng tai tiếng thì người này không thể tránh khỏi. 

Cả nguy cơ không có triển vọng ra tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2024 cũng như vậy. Những gì ông Trump làm trong thời gian này vừa gây khó nhưng cũng vừa tạo thuận lợi cho ông Biden khi bắt đầu nhiệm kỳ cầm quyền, bởi Đảng Cộng hòa rồi sẽ phải bớt lệ thuộc và phải buông bỏ ông Trump, cũng như bởi sẽ dễ gây dựng sự đồng thuận quan điểm cần thiết trên chính trường và trong nội bộ xã hội cho việc tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện tại đối với nước Mỹ.

Đọc thêm