Nước non nhòa lệ tiễn Người

(PLO) - Sáng ngày 13/10, dù đồng hồ mới chỉ đến con số 5 giờ 30 phút, trên con đường dẫn đến Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội) dòng người xếp hàng chật cứng. Họ chờ đợi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua, chờ đợi để được vĩnh biệt người anh hùng của dân tộc về với đất Mẹ Quảng Bình.
Nước non  nhòa lệ tiễn Người
Sau Lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia, cỗ linh xa chở linh cữu Đại tướng bắt đầu được rước qua Quảng trường Ba Đình. Cảm xúc như vỡ òa, nỗi nức nở, niềm xót thương đã vang lên thành tiếng nấc nghẹn ngào, để rồi tất cả người dân đứng lặng, ngẩn ngơ.
 Lau vội những giọt nước mắt chưa kịp khô, Lê Thị Phượng - cô sinh viên năm hai của Trường Sư phạm Hà Nội trải lòng trong nỗi nức nở: “Suốt đêm hôm qua, em cùng các bạn sinh viên tình nguyện túc trực để đảm bảo trật tự. Em và các bạn ai nấy đều tự dằn lòng cố nén lại cảm xúc, thế nhưng khi chứng kiến linh cữu bác đi qua tự dưng thấy đau đớn vô cùng, đau như mất đi một người thân của mình vậy. Nước mắt em cứ trực trào ra, lúc ấy em chỉ muốn khóc thật lớn cho lòng vơi bớt… Đại tướng ơi, sao con nghe lòng đau quá”.

7 giờ sáng, tại ngôi nhà số 30 nằm trên đường Hoàng Diệu - nơi mà hơn nửa thế kỷ qua vị Đại tướng kính yêu sống - đông đảo nhân dân vẫn tìm tới chia buồn. Họ thẫn thờ đứng trước cổng và bên dải phân cách con đường, lặng lẽ nhìn vào khuôn viên ngôi nhà với khuôn mặt hiển hiện đầy nỗi đau. Những người trẻ tuổi đứng cạnh nhau tề chỉnh lại trang phục, bên tay trái thắt chặt giải băng tang. Hàng chục người xúm quanh một cụ già tuổi ngoại thất tuần, chiếc đài cát-sét được vặn to hết cỡ. Những lời điếu truy điệu Đại tướng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc khiến ai nấy ôm một nỗi ngẩn ngơ, nước mắt nối nhau lăn dài.

Trong đoàn người lặng lẽ đứng bên góc phố, giai điệu “Hồn tử sỹ” khiến không ít người rơi lệ. Ngồi tựa bên một gốc cây cổ thụ, không giấu nổi nỗi buồn thương, một người phụ nữ khóc lặng, bật lên những tiếng nấc nghẹn.

Nghe kể, người phụ nữ ấy tên Đặng Thị Nguyên (sinh năm 1965) nhà mãi tận huyện biển Phù Cát (Bình Định), vượt hàng ngàn cây số, đi xe đò tìm ra đến Hà Nội, vì không thuộc đường sá nên chị phải đi xe ôm tìm đến đường Hoàng Diệu, lúc ấy đồng hồ mới điểm gần 5 giờ sáng. “Cụ một đời vì nước, vì dân, tin cụ mất tôi nghe xong đau xót lắm. Tôi thấy mình vẫn may mắn quá, may mắn vì vẫn kịp ra, kịp một lần chắp tay viếng cụ…” - chị Nguyên nghẹn ngào.

8 giờ 28 phút, đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng chầm chậm dừng trên con đường Hoàng Diệu. Niềm đau thương vỡ òa, từ các cụ già, em nhỏ đến những màu áo sinh viên tình nguyện… tất cả quỳ rạp, tay chắp kính cẩn. Đoàn xe chầm chậm lăn bánh, dòng người nhìn theo òa lên nức nở. Nhiều cụ bà đang tụng kinh nhưng cũng không ngăn nổi dòng lệ đau xót.

Bao chàng thanh niên tay để trước ngực như thầm hứa một quyết tâm học tập theo tấm gương của Người.  Bao người lính lau vội nước mắt, đứng bên khẩu hiệu giương cao: “Đại tướng sẽ sống mãi trong trái tim người Việt”.

Đâu đó trong đoàn người tiễn biệt vị Đại tướng huyền thoại vang lên những lời thơ khiến lòng người nhói đau khắc khoải khôn nguôi: Tiếng “Hồn sỹ tử” không lời/Sao nghe quặn thắt lệ rơi không ngừng/Đời con có lẽ chưa từng/Đau thương khó tả bỗng dưng ngập lòng/Người về đất Mẹ chờ mong/Quảng Bình, Lệ Thủy ngóng trông từng giờ/Người đi tuổi lớn… chẳng ngờ/Nhưng lòng dân Việt thẫn thờ tiễn đưa."

Đọc thêm