Phía cuối con đường kinh hoàng là.... khu ổ chuột
Trong vai một công nhân mới được tuyển vào lao động, chúng tôi đã hòa nhập cùng các công nhân của công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Bắc Thăng Long, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Từ khu công nghiệp về khu trọ, chúng tôi phải trải qua một "cung đường sợ hãi khi đi qua những cống rãnh hôi thối, xe rác chất cao như núi vừa đi vừa vương vãi chất thải xuống đường. Kinh khủng hơn cả là đoạn đường phía sau nhà máy công ty S. mùi khí thải sặc sụa khiến ai đi qua cũng phải nhịn thở cố gắng đi qua thật nhanh.
Chị Thảo công nhân công ty Panasonic - người mà chúng tôi vừa làm quen được trên đường về nhìn tôi cười và tỏ ra bình thản “Lúc đầu, mới vào đây chị cũng như các em phải chạy qua thật nhanh để không phải ngửi cái mùi ấy, bây giờ ở đây lâu rồi ngày nào cũng đi đi làm qua đây nên cũng đã quen sống chung với cái mùi này”.
Chị cho biết thêm người dân và công nhân ở đây liên tục kiến nghị lên trên nhưng công ty không hề có động thái nào để khắc phục, mặc dù năm nào cũng có đoàn kiểm tra môi trường của Trung ương về kiểm tra.
Chúng tôi tìm thấy “làng công nhân" ở thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh sau buổi phỏng vấn việc làm của một công ty, trái ngược với những tòa nhà rộng lớn, vững chãi trong khu công nghiệp, khu trọ của công nhân là những dãy nhà san sát nhau, phủ màu rêu phong ảm đạm, mái lợp bờ rô xi măng.
Những ngày nắng nóng nơi này chẳng khác nào ở "Hỏa Diệm Sơn", còn những ngày mưa gió thì mọi nguời "tấp nập" dùng ô, vải mưa, túi bóng để che đậy đồ dùng trong phòng, nguời thì đem xô, chậu ra hứng nước mưa để đựng nước dùng cho sinh họat.
Sau trận mưa là dãy trọ bị ngập đến cửa nhà. |
Chị Lành quê Thanh Hóa, người đã trọ ở đây 3 năm nhanh nhảu ra kéo tôi vào hỏi chuyện: “Thuê nhà à? Không phải đi xem nhiều đâu, ở đây khu nào cũng thế thôi. Hôm nào mưa ở đây cũng vui đáo để nhà nào nhà nấy lấy xô, chậu, xoong... ra hứng dột nhưng được cái giá thuê phòng rẻ nhất em ạ, một tháng tính cả tiền điện nước cũng khoảng 500 - 600 ngàn”.
Mặc dù mỗi phòng chưa đầy 10m2 nhưng phòng nào cũng có đến 3 - 4 người ở, dù ở thường xuyên nhưng những phòng trọ vẫn ám mùi ẩm mốc. Cả khu trọ dùng chung hai nhà vệ sinh cáu bẩn ngay cạnh bể nước ăn, khu vực sinh hoạt chung trơn trượt và ngổn ngang phế liệu.
Được biết, từ sau Tết giá phòng ở đây đột nhiên tăng đột ngột, có những người lên tiếng phản đối thì bị chủ nhà trọ sẵn sàng đuổi ra khỏi phòng và lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Ăn “ siêu đạm bạc”...
Ngay kế bên phòng chị Lành, có hai vợ chồng công nhân quê Tuyên Quang, đảo mắt qua căn phòng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường 1,2m, hai chiếc bếp ga du lịch nằm chỏng chơ bên xó nhà, mấy sơi mì vẫn còn vương vãi ở sàn nhà. Chị Nguyễn Kim Chi, tay nhặt rau muống, cười xòa “Chiều qua, làm tăng ca 9 giờ tối mới về chẳng còn hơi sức đâu mà nấu cơm, hai vợ chồng chị úp tạm bát mì ăn rồi lăn ra ngủ cho lại sức”.
Chị Chi nhặt rau muống chia sẻ về cuộc sống người công nhân. |
Dạo gần đây giá cả tăng cao quá, đồng lương ít ỏi của cặp vợ chồng trẻ chỉ đủ cơm canh đạm bạc qua ngày. Hai món chính cho bữa ăn hàng ngày là đậu phụ và rau, còn lại tiền cố gắng dành dụm để gửi về quê và còn đủ tiền tàu xe về quê ăn Tết. Tưởng chừng đó chỉ là hoàn cảnh cá biệt nhưng không phải, toàn khu trọ đều như vậy. Quan sát khu chợ công nhân lúc 5h30 chiều – khoảng thời gian chợ đông nhất trong ngày cũng chỉ có một hàng thịt, một hàng cá nhưng xem ra đó là thực phẩm xa xỉ ở đây, thỉnh thoảng lắm mới có một người vào hỏi mua.
Tôi lại sạp thịt hỏi mua nửa cân thịt nạc, chị Phương chủ sạp tươi tỉnh hẳn, vồn vã hỏi“ Khiếp! Hôm nay mới lĩnh lương hay sao mà ăn sang thế?”.
Để ý kỹ chúng tôi thấy số thịt trên sạp đã có dấu hiệu chuyển mùi hôi, ruồi bâu đầy. Chị Phương hiểu ý trần tình ngay “Công nhân ít ăn thịt lắm, mà mua có mua một lát mỏng thôi vài ba lạng là ăn tươi rồi, thịt này chị phải ướp hàn the bán đi bán lại mấy ngày có hết đâu? Chị cũng chỉ kiếm miếng cơm cho cháu thôi cũng hợp túi tiền công nhân tiền ít ăn thịt rẻ thôi”.
Anh Nguyễn Văn Hưng công nhân công ty Denso ngán ngẩm nói “Công nhân toàn ăn rau thôi, lâu lâu mới được ăn thịt, nhưng thịt ở đây bán cho mình cũng chỉ toàn thịt ôi biết thế nhưng vẫn phải ăn, như vậy cũng là sang quá rồi”.
Tận mắt chứng kiến bữa cơm tối của gia đình anh Hưng chúng tôi không khỏi xót xa, gia đình gồm 5 người, hai vợ chồng và ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn mà mâm cơm chỉ vẻn vẹn đĩa rau muống luộc là to nhất, nước canh vắt chanh, đĩa đậu phụ xốt nước mắm để ăn mặn. Anh Hưng thở dài “mình thì chẳng nói làm gì chỉ tội bọn trẻ khổ quá... ăn thiếu chất nên cứ ốm đau liên miên”
Bữa cơm trưa của công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Bắc Thăng Long. |
Được biết, công nhân ở KCN được công ty hỗ trợ cơm vào buổi trưa, nếu công nhân nào tăng ca đến tối thì được hỗ trợ hai bữa cơm. Nhưng công nhân đều than cơm công ty ăn chỉ để chống đói mà làm việc chứ không thể nuốt nổi. Chị Nguyễn Thị Hiền công nhân công ty Iritani Việt Nam chia sẻ: “Ăn cơm mình nấu ít ra vẫn dễ nuốt hơn cơm nhà máy, cơm khô như ngói, thức ăn vừa ít vừa chán nhưng vì hoàn cảnh nên đành chịu vậy”.
Ai cũng biết công nhân là vốn quý của doanh nghiệp nhưng những giờ tăng ca quá sức, bữa cơm đạm bạc kéo dài nên nhiều công nhân bị ốm đau triền miên, sức khỏe không được đảm bảo, nghỉ làm thì không được mà ốm đau làm việc cũng không được năng suất.
Anh Ngô Quang Lực quê Thái Nguyên, đã làm 4 năm tại một công ty linh kiện trong khu công nghiệp dù đang tuổi sung sức nhưng cái dáng người dỏng cao, gầy gò , mặt sạm đi khiến tôi không tin trước mặt mình là một chàng trai 23 tuổi. Lực kể, thời kỳ cao điểm chúng em đứng dây chuyền 12 tiếng/1 ngày." Ốm mà vẫn gượng dạy được thì vẫn đi làm chứ nghỉ một ngày là bị trừ điểm chuyên cần cả tháng vài trăm ngàn đồng nên phải cố thôi".
"Một quy định chung được áp dụng khá rộng rãi tại một số nhà máy là muốn nghỉ ốm theo đúng chế độ của Nhà nước thì công nhân phải báo trước từ một đến ba ngày, bắt buộc phải có giấy của bệnh viện. Trộm nghĩ, ốm có báo trước cho ai bao giờ mà các công ty vẫn áp dụng quy định oái ăm như vậy?" anh Lực chia sẻ.
Khó khăn chồng chất khó khăn đâu chỉ dùng lại ở miếng cơm, manh áo ... các công nhân còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khác...
(Còn nữa)