Kể về sự thiếu thốn, tạm bợ của mình, chị Oanh làm tại công ty Showa, trọ tai thôn Sáp Mai, Đông Anh cho biết: "Đời ở trọ mà, chỉ để ngủ thôi, vì ở tạm thời nên mới có 700.000 đồng/tháng chưa tính điện nước, trời nắng thì nóng, mưa thì dột. Không gì khổ bằng đời đi ở trọ”.
Thực tế đáng buồn khi tìm đến các khu nhà trọ của công nhân tại các xã Thôn Bầu, thôn Sáp Mai, PV nhận thấy hầu hết các phòng trọ có diện tích chật hẹp chỉ từ 8m2 đến 15m2. Có những gian phòng chỉ có diện tích từ 6m2-8m2. Giá thuê phòng trọ bình quân từ 500.000 đến 700.000 đồng phòng.
Một khu nhà trọ công nhân lụp xụp, ẩm thấp ngay chân cầu Thăng Long. |
Tính đến thời điểm này, tổng số công nhân làm việc tại KCN Thăng Long là trên 6 vạn người. Tuy nhiên, hầu hết công nhân KCN nơi đây vẫn chưa có khu nhà ở tập trung cho công nhân nên người lao động trong các KCN đều phải tự túc chỗ ở và sử dụng các dịch vụ văn hoá, cơ sở phúc lợi “tự phát” ở nơi cư trú. Đến nay duy nhất có dự án xây nhà ở thí điểm cho công nhân thuê, nhưng không cho thuê lẻ mà chỉ cho thuê cả tòa nhà, dẫn đến tình trạng, nhà ở xã hội thì bỏ trống trong khi hàng vạn công nhân phải xoay sở thuê trọ bên ngoài.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng hiện tại, chưa đến 7% công nhân trong các KCN được đáp ứng về nhu cầu nhà ở, còn lại trên 90% phải tự túc về nơi ăn ở. Nếu không có giải pháp từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thì đây thực sự là một vấn đề bức xúc lớn trong giai cấp công nhân hiện nay. Có an cư thì mới lập nghiệp, trong khi họ không có sự an cư thì làm sao họ lập được nghiệp lâu dài với các doanh nghiệp?
Chật vật chỗ gửi con
Vừa đi làm về chị N.T.Hương, công nhân Công ty Canon, trọ ở Thôn Bầu, vội vàng ôm đứa trẻ hơn 6 tháng tuổi đang khóc đòi bú mẹ. Chị vừa nghỉ hết thời gian thai sản nhưng chỗ gửi trẻ cho con trong KCN không có, mà gửi tư thì không ai nhận trẻ dưới 1 tuổi. Hỏi thuê người trông thì mất 2,5 triệu đồng/tháng, chưa kể ăn. Lương cả hai vợ chồng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà, điện, nước, các chi phí sinh hoạt khác, tằn tiện lắm cũng không thể đủ thuê được người giữ trẻ. Anh chị đành tính nhờ bà ngoại lên trông cháu vài tháng, lúc nào bà về rồi tính tiếp.
Chị N.T.Hoan công nhân Công ty ToTo Việt Nam và chồng phải xin làm chéo ca nhau để có một người ở nhà trông con. Lúc nào bận quá thì nhờ mẹ ở quê lên giúp đỡ. Hoan tính “Cai sữa xong là cho thằng bé về quê với bà nội luôn. Nếu không làm thì không có tiền mua sữa cho con, gửi con ở đây không có chỗ phù hợp với đồng lương của hai vợ chồng”.
Ông Đinh Quốc Toản, chủ tịch công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội cũng ngậm ngùi khi nói về nhà ở của công nhân nơi đây: “Còn nhiều bất cập về tình trạng nhà ở cho công nhân tại KCN Thăng Long, cả KCN lớn như vậy nhưng chỉ một dự án thí điểm nhà ở cho công nhân. Bất cập hơn là một số tòa nhà còn chưa đưa vào sử dụng vì chưa xong hạ tầng, các tòa còn lại bỏ trống rất nhiều, chỉ rất ít doanh nghiệp thuê cho công nhân của mình ở.
Bên cạnh đó, các tòa nhà được xây dựng lên như vậy nhưng lại không hề có một công trình trường học, trường mầm non, trạm y tế và các công trình phụ trợ khác. Nhà trống nhiều như vậy nhưng Xí nghiệp quản lý nhà ở xã hội chỉ cho thuê cả tòa nhà đối với doanh nghiệp, còn công nhân muốn thuê thì không được thuê, dẫn tới việc nhà thì bỏ trống, trong khi công nhân phải tạm bợ thuê ngoài trong các căn nhà lụp xụp.
Để giấc mơ về nhà ở của công nhân KCN Thăng Long không còn là xa xôi, với mục tiêu giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị, đảm bảo quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc Khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Từ năm 2010 đến nay việc triển khai xây dựng nhà ở nói trên không biết vì lý do gì vẫn chỉ nằm trên giấy.
Không dám chắc sẽ gắn bó lâu dài
Đầu tư, chăm lo cho đời sống công nhân chính là tái đầu tư sản xuất, phục vụ nhân tố con người. Song trên thực tế, với cuộc sống tạm bợ trong các gian phòng trọ lụp xụp, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh, điện nước... với thu nhập không cao, liệu rằng tương lai các KCN có giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp?
Khi PV trao đổi với các công nhân về việc gắn bó lâu dài với Công ty mà mình đang làm việc không thì hầu hết câu trả lời mà PV nhận được là chưa biết thế nào. Chị T.T.Chi, công ty Panasonic cho biết, chỉ làm ở đây năm nữa rồi đi học nghề nào đó, và về quê sinh sống. Có lẽ chính vì họ đã phải chấp nhận cuộc sống xa nhà với đồng lương ít ỏi, phải tằn tiện hết mức mới đủ trang trải cuộc sống, và đời ở trọ như vậy chẳng biết tới bao giờ mới lập nghiệp một cách ổn định?
Việc cải thiện chỗ ở cho người lao động nhất là công nhân trong các KCN, cần được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về nhà ở nhất là chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, những chính sách này đi vào cuộc sống vẫn chưa được hiện thực hóa là bao, làm cho vấn đề nhà ở của người lao động ngày càng trở nên bức xúc. Vì vậy cần phải làm rõ những nguyên nhân để có những giải pháp, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Đứa trẻ vẫn ọ ọe vì bú sữa chưa no khi PV ra về, chồng chị Hoan trầm ngâm: “Giá mà KCN có đầy đủ nhà ở, trường học, trạm y tế và nhà trẻ thì công nhân đỡ khổ biết bao”.