Ông chủ khu chợ lớn nhất Sài Gòn được người dân xem như thần tài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Quách Đàm (1863 - 1927) là người chủ chợ đầu tiên được tạc tượng, được người dân hương khói suốt gần trăm năm qua.
Chợ Bình Tây do ông Quách Đàm lập ra với quy mô bậc nhất Nam bộ đã gần trăm năm tuổi.
Chợ Bình Tây do ông Quách Đàm lập ra với quy mô bậc nhất Nam bộ đã gần trăm năm tuổi.

Từ một người lang thang nhặt ve chai, Quách Đàm với sự thông minh nhạy bén đã trở thành một trong những tỷ phú giàu có bậc nhất Sài Gòn thế kỷ 20. Ông là người đặt nền móng xây nên chợ Bình Tây (quận 6) – khu chợ lớn nhất Sài Gòn.

Từ người vô gia cư thành bậc cự phú

Quách Đàm vốn dĩ tên thật là Quách Diệm, vì nhầm lẫn trong cách đọc mà dẫn đến sai lệch và lâu ngày chết danh. Từ năm 14 tuổi ông đã sang vùng Chợ Lớn, mưu sinh bằng cách mua bán phế liệu.

Vốn không nhà cửa, không người thân thích, cả ngày ông quảy gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn để mua bán ve chai, tối đến lại kiếm mái hiên để ngả lưng. Cuộc sống cơ cực nhưng Quách Đàm có ý chí làm giàu. Ông luôn chăm chỉ làm lụng và dành dụm, sau một thời gian buôn bán ve chai ông đã có được một ít vốn.

Quách Đàm sử dụng tiền tích cóp này để buôn bán các mặt hàng lạ hiếm, như da trâu, vi cá. Ông đi khắp nơi thu mua mặt hàng này rồi bán ra nước ngoài. Vì sống cảnh không nhà cửa, đêm đến phải ngủ đường ngủ chợ nên ông thường bị bọn xấu đánh cắp vốn liếng tiền bạc. Ông vẫn không nản chí, quyết tâm làm lại từ đầu và vài năm sau lại dành dụm được một số vốn kha khá.

Về sau ông thuê căn nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông để mở cửa hiệu. Lệ thường người Hoa ở Sài Gòn bấy giờ khi buôn bán đều xin chữ đặt tên hiệu buôn, Quách Đàm khi đó được một ông thầy viết hai câu: “Thông thương sơn hải - Hiệp quán càn khôn”, như lời chúc buôn may bán tốt. Quách Đàm ưng ý bèn lấy chữ đầu của hai câu là “Thông Hiệp” đặt cho hiệu buôn.

Tượng Quách Đàm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.Tượng Quách Đàm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Sau Quách Đàm lại mướn tiếp một căn nhà ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay, lúc bấy giờ, khu vực này còn là một con rạch chảy ra kênh Tàu Hũ. Ngôi nhà ông thuê ở ngay bờ kênh, Quách Đàm đã chuyển sang kinh doanh nông sản, chủ yếu thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Từ hiệu buôn nhỏ ông dần dần trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.

Kể về mánh lới làm ăn giúp Quách Đàm trở nên giàu có, học giả Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” có ghi lại một câu chuyện. Một lần nọ Quách Đàm gom lúa miền Tây đưa về trữ ở các nhà kho chờ ngày xuất ra nước ngoài. Sau đó bất ngờ giá lúa quốc tế sụt giảm khiến ông đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Trong khi người nhà hốt hoảng thì ông tỏ ra bình tĩnh, cho người tiếp tục mua gom lúa giá như cũ, thậm chí còn trả giá cao hơn người khác để gom. Sau đó, ông khéo léo tung tin đồn giá lúa thế giới sắp tăng vọt lên cao. Các thương lái nghe tin đồn này thì đua nhau mua lúa trong nước với giá cao chờ bán kiếm lời.

Khi đó Quách Đàm âm thầm dừng mua lúa đồng thời xuất lúa chứa trong kho ra bán. Khi các nhà buôn khác phát hiện bị lừa thì lượng lúa của Quách Đàm trong kho đã vơi dần. Các thương lái, nhà buôn chia nhau gánh thay phần lỗ của ông. Nhiều người dù “sập bẫy” thương nhân họ Quách nhưng ít nhiều cũng phải nể phục ông.

Ý chí làm giàu và tài kinh doanh giúp Quách Đàm xây dựng được khối tài sản lớn, dần vươn lên thành người giàu có nổi tiếng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông đã mua lại các doanh nghiệp nợ nần, sắp phá sản như các công ty mía đường. Khi vào tay ông, các công ty được vực dậy phát triển đi lên, mang lại cho gia đình Quách Đàm thêm nhiều tiền.

Thời cực thịnh, ông có mạng lưới thu mua lúa gạo khắp Nam kỳ, là cổ đông chính nhà máy xay lúa Di Xương, sau lại mở thêm ba nhà máy Thông Mậu, Thông Thạnh, Thông Nguyên (ở Mỹ Tho). Ông lập hãng tàu biển Nguyên Lợi hoạt động vận tải các tuyến Sài Gòn - Singapore, Hong Kong, Quảng Châu, Sán Đầu… Công việc kinh doanh phát triển đến mức ông được mệnh danh “vua lúa gạo” Nam Kỳ.

Sức ảnh hưởng của Quách Đàm thể hiện ở việc đám tang của ông được xem là lớn chưa từng có ở Sài Gòn thời bấy giờ. Khách từ các quan chức chính quyền thuộc địa, từ Trung Quốc và các đối tác làm ăn trong ngoài nước về dự rất đông. Theo một bài tường thuật lại đám tang Quách Đàm, xe tang là xe vận tải trang trí đầy hoa và quả, trước xe là di ảnh của ông Quách Đàm trang trọng, mỉm cười và trên ngực là các huy chương.

Quan tài được làm từ gỗ quý và đoàn xe đưa tang có đến 50 chiếc xe hơi sang trọng. Đám tang kéo dài 2 giờ với nhiều loại âm nhạc lạ kỳ, thu hút dân chúng cả người Hoa lẫn người Việt ở đầy vỉa hè, các cửa sổ, trên các cành cây, trên nóc nhà để chứng kiến. Khách đi đường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay bia và tặng một quạt giấy có kèm mấy đồng tiền đền ơn có lòng đưa đón.

Chợ Bình Tây - công trình đã trở thành một phần lịch sử của đất Sài Gòn.

Chợ Bình Tây - công trình đã trở thành một phần lịch sử của đất Sài Gòn.

Lập ra chợ Bình Tây

Hậu thế nhắc đến Quách Đàm ngoài phục nể tài kinh doanh còn bởi di sản ông để lại cho đời. Đó là chợ Bình Tây (chợ Lớn) - chợ đầu mối quy mô bậc nhất khu vực miền Nam, với kiến trúc có một không hai mà bất cứ người dân Sài Gòn nào cũng phải trầm trồ. Chính Quách Đàm là người đặt nền móng cho việc xây nên ngôi chợ bề thế có bề dày lịch sử gần 100 năm này.

Khi đã là bậc cự phú của đất Sài Gòn, Quách Đàm bỏ tiền mua khu đất bùn lầy rộng 17.000 m2 lúc bấy giờ còn hoang hóa ở vùng Bình Tây (quận 6 ngày nay). Ông có ý tưởng xây dựng tại đây một khu chợ với quy mô lớn nhất Nam bộ, với kiến trúc kết hợp phong cách Á – Âu, tạo các gian hàng để bà con tiểu thương buôn bán. Điều đáng tiếc là khi mọi việc từ thiết kế, nhân lực, tiền của đã chuẩn bị xong thì năm 1927 Quách Đàm qua đời.

Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930, còn gọi là chợ Quách Đàm hay “Chợ Lớn Mới”, sau khi Chợ Cũ (ở vị trí nay là Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn) bị thiêu rụi trong một vụ cháy. Chợ được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây, nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc.

Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ. Toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, giữa sân có xây dựng đài thờ, đặt bức tượng đồng ông Quách Đàm. Bên cạnh khu chợ, Quách Đàm cũng cho xây dựng khu phố nhà lầu theo kiểu phố buôn bán.

Thời kỳ đầu khi chợ mới được xây dựng, xung quanh dân cư còn thưa thớt nên chưa sầm uất như bây giờ. Theo năm tháng, chợ ngày một đông đúc và trở thành chợ đầu mối quy mô bậc nhất khu vực. Dù sau này các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên dày đặc nhưng nơi này vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn hàng đầu TP HCM.

Sau gần một thế kỷ tồn tại, qua 3 lần trùng tu, vào năm 1992, 2006 và 2016, đến nay đây vẫn là ngôi chợ lớn nhất và đẹp nhất của Sài Gòn. Để ghi nhớ công lao của ông, người dân và tiểu thương thường xuyên đến thắp hương, dâng lễ vật lên ông tại đài thờ ở trung tâm chợ. Họ cũng xem ông như thần tài của chợ nên thường cầu mong được phù hộ cho việc làm ăn, buôn bán thuận lợi.

Đọc thêm