Thời trẻ ông Hợp từng đi chiến đấu tại chiến trường miền Trung và để lại chiến trường này đôi mắt vào năm 28 tuổi. Xuất ngũ, ông về lại quê nhà với người vợ hiền với nghề châm cứu và bốc thuốc nam. Thiếu ánh sáng nhưng còn đôi chân khỏe, thế là 2 năm sau giải phóng, ông rong ruổi đi châm cứu, phát thuốc nam từ thiện khắp các tỉnh miền Tây rồi lên Đông Nam bộ.
Mỗi ngày, ông miệt mài châm cứu miễn phí cho vài chục người. Không những thế, ông còn lên tiếng kêu gọi mọi người quyên góp tiền để làm từ thiện. Nhờ có nhiều anh em, bạn bè khá giả nên họ ủng hộ, giúp ông về vật chất rất nhiều. Thêm vào đó, ông có người vợ rất tốt bụng và rộng lòng, luôn ủng hộ việc ông làm từ thiện, bà chỉ nhắc ông phải lo giữ sức khỏe bản thân để giúp đỡ người nghèo.
Từ khi sức khỏe yếu hơn, không thể rong ruổi đi châm cứu miễn phí được nữa, ông Hợp tình nguyện tham gia hướng dẫn cho học viên lớp châm cứu, bốc thuốc nam tại một ngôi chùa trên địa bàn. Không chỉ truyền nghề, ông còn truyền cho đội ngũ học viên lòng say mê làm việc thiện.
Vài năm sau, biết nhiều người dân miền Tây rất thiếu nước sạch, phải dùng nước phèn, mặn nên ông khăn gói lên TP Hồ Chí Minh tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Lúc rảnh tay, ông chế biến viên bột nghệ để cho những bệnh nhân bị đau dạ dày mà không có tiền mua thuốc uống.
Hơn chục năm trước, nhân một lần nghe bạn kể nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo, ông bèn liên hệ với những người bạn khá giả đến BV này đặt vấn đề nấu cháo từ thiện phát miễn phí. Cũng từ đó, bếp ăn từ thiện tại BVĐK Sóc Trăng này ra đời và các BV tuyến huyện của tỉnh Sóc Trăng cũng làm theo mô hình này.
Hiện điểm phát cơm, cháo miễn phí tại BVĐK Sóc Trăng được trụ trì một ngôi chùa ở TP Sóc Trăng phụ trách, do bà Mã Tố Phương (tiểu thương chợ TP Sóc Trăng) cùng 4 người khác đã tình nguyện làm công quả, mỗi ngày nấu 150kg gạo trở lên, phát 350-450 phần cơm, cháo.
Cảm kích tấm lòng của người cựu binh “tàn nhưng không phế”, nhiều bạn bè trong và ngoài nước của ông Hợp đã gửi tiền về để ông làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Đã có rất nhiều học sinh tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học đã được ông lão mù bắt xe ôm tìm đến tận nhà trao học bổng.
“Có lần, tôi nghe radio kể về một cô bé nhà nghèo ham học ở TP HCM. Cha em bị liệt nằm một chỗ, em trai bại não nên mẹ phải ở nhà chăm sóc hai người. Không có tiền, bà ấy nhận giữ mấy đứa trẻ trong xóm để tằn tiện lo thang thuốc cho chồng, con. Đứa con gái học lớp 12 mà có hôm nhịn đói đến lớp nên tôi phải tìm đến để trao học bổng, hỗ trợ tiền hàng tháng cho em này có điều kiện ăn học”, ông Hợp chia sẻ.
Khi PV đang ngồi trò chuyện với ông Hợp thì có em Thạch Phước Tài (học sinh lớp 12C2 Trường THPT TP Sóc Trăng) đến nhà ông chơi, thì ra ông Hợp nhắn người gọi em Tài đến nhà để hỗ trợ tiền mua sách vở. Tài cho biết cuộc sống gia đình em rất khó khăn, cha mẹ đều đi làm thuê, bản thân em một buổi đi học, một buổi bán vé số kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Biết được cuộc sống khó khăn của gia đình Tài, ông Hợp đã giúp em gạo tiền, quần áo, tập sách để đi học. Có hôm Tài bán vé số không hết lại sắp đến giờ xổ, còn mấy vé trên tay em bèn chạy lại nhờ ông Hợp mua giùm. Thương hoàn cảnh của cậu bé nghèo, ông Hợp coi Tài như con cháu trong nhà, hết lòng cưu mang giúp đỡ.
“Biết ơn ông nhiều lắm, cháu chỉ mong ông Hợp khỏe để tiếp tục làm từ thiện, giúp đỡ mọi người”- tâm sự của em Thạch Phước Tài cũng là mong muốn của nhiều người trước tấm lòng hào hiệp của “ông già hâm” hết lòng với công việc từ thiện.