Đội quân “núp bóng” xe tăng
Bị thất bại nặng nề trong cuộc "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta, ý chí xâm lược của Mỹ đã lung lay. Cuối năm 1968, đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đơn phương tuyên bố ngừng ném bom bắn phá không điều kiện đối với miền Bắc nước ta.
Tổng thống Mỹ Johnson không ra tranh cử nhiệm kỳ 1968 - 1972. Nixon trở thành tổng thống nước Mỹ, đề ra "Học thuyết Nixon", thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ từ "phản ứng linh hoạt" sang "ngăn đe thực tế".
Sơ đồ "Hàng rào điện tử Mcnamara" |
Tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Nixon thay bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" mà mục tiêu cơ bản vẫn là bám giữ Việt Nam, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương và Đông Nam Á, đồng thời giảm bớt sự can thiệp trên bộ của bộ binh và tránh một thất bại nhục nhã cho Mỹ. Thực chất chủ trương này vẫn là dùng người Việt đánh người Việt, với bom đạn và sự chỉ huy của Mỹ.
Trên chiến trường Bắc Quảng Trị, bước sang năm 1969, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", cố gắng đưa dần quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ra vòng ngoài, quân Mỹ sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết, đồng thời chi viện hỏa lực tối đa để giữ và củng cố tuyến phòng thủ của chúng.
Trong phòng tuyến Đường 9, tướng Mỹ Abram chủ trương đưa bộ binh cơ giới Mỹ ra để thực hiện âm mưu này. Thực hiện kế hoạch do Abram vạch ra, quân Mỹ khai thông và mở rộng nhiều tuyến đường phục vụ cho việc cơ động nhanh chóng lực lượng bộ binh cơ giới. Những chiếc máy húc khổng lồ cùng binh lính Mỹ được tức tốc điều ra Quảng Trị làm đường cho xe tăng đi từ Cửa Việt, Đông Hà, Dốc Sỏi, Cam Lộ đến cao điểm 544.
Nhiều con đường quân sự làm gấp đến các cao điểm quan trọng ở phía bắc Đường 9 được hình thành. Nhà cửa, vườn ruộng của nhân dân đều bị nghiền nát dưới xích xe tăng Mỹ. Đồi núi phía bắc Đường 9 lúc này ngày đêm rung chuyển bởi tiếng nổ của các loại động cơ.
Từ cuối năm 1968, lợi dụng lúc lực lượng Quân Giải phóng (QGP) trên chiến trường gặp khó khăn tạm thời, Mỹ và VNCH tập trung lực lượng lớn phản kích đẩy lùi chủ lực QGP ra khỏi các địa bàn quan trọng. Chúng còn đánh sâu vào vùng rừng núi phía tây hòng làm cho QGP hết khả năng tiến công lớn xuống đồng bằng, đô thị.
Trước những chủ trương quân sự mới của tướng Abram, Bộ tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 27: Xây dựng đơn vị thành lá cờ đầu về tiêu diệt xe cơ giới Mỹ đánh bại chiến thuật "Trâu rừng" ("Trâu rừng" là cách gọi của các nhà quân sự Mỹ ở Sài Gòn).
Chiến thuật "Trâu rừng" mà quân Mỹ áp dụng, là ban ngày chúng cho xe tăng và xe bọc thép tổ chức thành nhiều mũi, đi càn khắp nơi, tối đến chúng bí mật cho xe cụm lại xung quanh các vị trí quan trọng của từng khu vực. Cứ mỗi lớp xe lại có một lớp lính nằm quây lại với nhau.
Chiến thuật “Trâu rừng” dựa vào sức mạnh xe tăng để tấn công phòng ngự |
Nếu bị đối phương tiến công, xe tăng vừa là hỏa lực chi viện, vừa là công sự cho lính bộ binh chống trả. Cái "bẫy" làm bằng vỏ thép ấy được lính Mỹ giăng ra khắp nơi, nhằm bảo vệ tuyến "hàng rào điện tử Mcnamara" ở phía bắc Đường 9, ngăn chặn QGP tiến công khi mùa khô đến.
Công trình đồ sộ tiêu tốn 2 tỷ đô la
Trước tiên, nói về hàng rào điện tử Mcnamara. "Hàng rào điện tử Mcnamara" được ra đời từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mcnamara, với ý đồ phải "chặn đứng mọi nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam".
Từ tháng 3/1966, chính phủ Mỹ tổ chức một nhóm nghiên cứu gồm 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại để tìm biện pháp mới. Mcnamara được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nội dung nghiên cứu.
Sau ba tháng làm việc khẩn trương, một đề án xây dựng phòng tuyến dọc theo khu phi quân sự bằng những phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại nhất thời đó của quân đội Mỹ đã ra đời.
Cuối tháng 6/1966, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố quyết định xây dựng phòng tuyến. "Hàng rào điện tử" được báo chí Mỹ đặt cho đủ thứ tên "Phòng tuyến Mcnamara", "Tuyến Maginot phương Đông" (phòng tuyến quân Pháp lập ra thời thế chiến 2 chạy dọc biên giới Pháp - Đức). Dự chi cho công trình đồ sộ này khoảng 2 tỷ đô la.
Lính Mỹ trong một cuộc hành quân |
Với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, hàng rào điện tử Mcnamara kết hợp với không quân có nhiệm vụ "kịp thời phát hiện và ném bom hủy diệt ngay lập tức từng tốp người, từng chiếc xe, từng khẩu pháo, từng kiện hàng từ miền Bắc đưa vào miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh dù vận chuyển theo trục đường phía đông hay phía tây Trường Sơn" như mục tiêu quân Mỹ đề ra. Mỹ cho rằng "hàng rào điện tử" hiện đại này sẽ loại trừ được khả năng đột nhập của quân đội Bắc Việt Nạm vào Nam Việt Nam.
Phòng tuyến Mcnamara với hệ thống vật cản dày đặc, các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không hiện đại cùng một hệ thống phòng ngự gồm 17 căn cứ bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều dài khoảng 100km, rộng từ 10-20km từ cảng Cửa Việt lên Đường 9 đến biên giới Việt - Lào được Mỹ cho là "bất khả xâm phạm".
Quân Mỹ và VNCH duy trì ở đây một lực lượng phòng ngự khá mạnh để kiểm soát phòng tuyến suốt ngày đêm. Lực lượng sử dụng gồm hai sư đoàn, trong đó có một sư đoàn quân Mỹ và ba trung đoàn quân VNCH, chưa kể lực lượng bảo an dân vệ.
Ngoài lực lượng bộ binh còn có lực lượng pháo binh và xe tăng thiết giáp mạnh. Máy bay tiêm kích, cường kích liên tục bay lượn sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu vượt qua phòng tuyến. Máy bay ném bom chiến lược B52 cũng sẵn sàng hoạt động đánh phá.
Về hệ thống vật cản của phòng tuyến, Mỹ xây dựng khoảng 12 km hàng rào kẽm gai từ cứ điểm Cồn Tiên xuống bờ biển Đông. Chiều rộng khoảng 10-20km trong đó bố trí các bãi mìn chống bộ binh, chống tăng. Từ phía tây Cồn Tiên 1km lên biên giới Việt - Lào, quân Mỹ phát quang cây cối bằng chất độc hóa học; gài, rải các bãi mìn chống bộ binh, chống xe cơ giới và gài các cảm biến để phát hiện mục tiêu.
“Rừng” cảm biến
Máy trinh sát vô tuyến được trang bị cho "hàng rào điện tử" để phát hiện mục tiêu có nhiều loại, có loại thả từ máy bay xuống như ACOUBOUY, ADSID-1, HELOSID-18, SPIKSTD-1. Đây là những máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn được thả từ máy bay trực thăng hoặc máy bay F4, dùng để phát hiện người, tiếng động trong cự ly từ 300-400m.
Có loại máy trinh sát được đặt bằng tay hoặc đặt bằng máy móc như: ARERUOY-I/NBB, GSID, MINISID. Các loại máy này rất tinh vi, có khả năng phát hiện các tiếng động dù là nhỏ nhất của người hoặc xe cộ ở cự ly từ 100 – 300m.
Quân Mỹ còn có lực lượng pháo binh yểm trợ hỏa lực cực mạnh |
Có loại máy trinh sát được phóng từ súng cối 81 ly như MODS, có thể phát hiện tiếng động của người từ 30 – 50m, xe cộ từ 200 – 400m. Khoảng 300 máy loại này đã được Mỹ trang bị cho "phòng tuyến Mcnamara".
Ngoài ra, Mỹ còn sử dụng loại máy trinh sát hữu tuyến RPS, máy báo hiệu kiểu P dùng cho các bốt gác lô cốt và chôn xuống đất dọc theo phòng tuyến, cứ 500 – 700m bố trí một máy, tất cả có khoảng 700 máy.
Các máy điện tử trong hệ thống trinh sát tại phòng tuyến có nhiệm vụ phân tích tiếng động để phân biệt người hay xe cộ xác định chính xác tọa độ, thời gian từ nguồn phát ra tiếng động ấy, sau đó truyền đến Trung tâm kiểm soát chiến trường để điều lực lượng đến đối phó.
Ngay từ khi Mỹ mới lập hàng rào điện tử, bộ đội địa phương và dân quân du kích huyện Gio Linh, Tiểu đoàn 47, Tiểu đoàn 4 (Tỉnh đội Vĩnh Linh), tiêu biểu là đội du kích do xã đội trưởng Trương Quang Thọ (Gio Linh) chỉ huy đã liên tục đánh phá, tiêu diệt một số lính công binh Mỹ làm cho tiến độ thi công chậm lại. Tuy nhiên Mỹ vẫn thiết lập được "hàng rào điện tử Mcnamara".
Để đối phó với thủ đoạn chiến thuật mới của Mỹ, tìm ra cách đánh mới cán bộ, QGP phải bám sát từng cụm xe của đối phương suốt ngày đêm với phong lương khô, nắm gạo rang và bi đông nước. Mọi người phải luồn lách, chống chọi với bom pháo và thám báo, giữ bí mật an toàn, nghiên cứu tìm ra cách đánh cụm xe cơ giới Mỹ.
Việc bám địch để đưa đơn vị vào nổ súng trong buổi đầu thật vô cùng khó khăn. Một vài đơn vị đã đánh hụt vì chưa nắm chắc thủ đoạn đối phó của địch. Xe tăng và bộ binh Mỹ ban ngày thường nống ra, tối đến chúng bí mật co cụm, lẩn tránh.
(Còn tiếp)