Phải nghĩ đến dân!

(PLO) - Dân gian đúc kết 4 thứ nạn lớn đối với con người là thủy, họa, đạo, tặc. Trong đó, thủy (nước) được xếp là đại nạn đầu tiên.
Hình minh họa

Nước là nguồn gốc của sự sống, mang lại cảnh thanh bình, tươi đẹp "non xanh, nước biếc", không có một danh thắng thiên nhiên sinh thái nào lại không gắn liền với nước, những con suối, dòng sông đã tạo nên những khu dân cư trù phú, những vùng châu thổ tốt tươi. Nhưng sức mạnh của nước quả là gớm ghê, con người hàng nghìn năm làm cái việc "trị thủy" nhưng xem ra bất lực khi thiên nhiên quá sức chịu đựng và nổi trận lôi đình.

Lẽ ra, chúng ta có một ngày chủ nhật yên bình, đầy niềm vui dư âm sau ngày hội tri ân những người thầy thì lại phải xót xa trước những mất mát do nước gây nên và đáng phẫn nộ là có bàn tay của con người trong sự tàn phá đó. Chỉ một trận mưa lớn mà thành phố biển hiền hòa Nha Trang mất đi hơn 20 con người cùng nhà cửa sập đổ ngổn ngang.

Trong đó có 4 học sinh cùng với những chiếc cặp sách đầy bùn đất. Tang thương hơn, một gia đình nhà giáo gồm 4 người cùng ra đi vì không chạy thoát khỏi sự bục vỡ của “túi nước” do người ta đào đắp ngay trên đầu họ, ở cái núi bị san lấp để có một khu nhà đẹp, dành cho những người giàu có.

Cái xóm nhỏ mang tên xóm Núi ở Nha Trang bao gồm toàn những người nghèo đến định cư (tạm cư, ẩn cư khi thành phố đang đô thị hóa từng ngày) đã hoàn toàn tan hoang sau một trận đất lở, đá lăn. Những khu định cư cho những người nghèo mất đất mãi mãi chỉ là sự "quyết liệt" trong chỉ đạo và trong giấc mơ đã thành hiện thực "mái nhà con đè bẹp cuộc đời con" mà thôi!

Nha Trang ngập lụt, điều khó thấy xưa nay khi thành phố sát biển mà nước không chảy ra biển. Song cũng không quá bất ngờ khi 2 năm trước một cái đập chứa nước ở thành phố này đã vỡ, lời cảnh báo cho sự can thiệp thô bạo với thiên nhiên nhưng những người cần phải nghe đã không nghe. Trong khi Nha Trang "thừa nước" thì cách đó không xa, cùng dải miền Trung, Đà Nẵng lại đang “khát nước” nghiêm trọng và chính quyền cùng các cơ quan chức năng của thành phố này cùng với Quảng Nam đang tìm cách điều chỉnh lại những công trình nước để khôi phục sự điều tiết phù hợp của thiên nhiên trước đây.

Cũng liên quan đến nước là những cái họng cháy khô của những trụ lấy nước cứu hỏa của TP Hồ Chí Minh, có 600 cái như thế và thành phố này cần đến 10.000 cái trụ nước cứu hỏa. Nước triều cường có thừa nhưng nước cứu hỏa lại thiếu nghiêm trọng.

Những diễn biến gần đây cho thấy đã đến lúc con người đừng tạo ra những quả "bom nước" nữa, đừng ngăn dòng chảy tự nhiên của nước và đừng “bức tử” những dòng sông, con suối, khe lạch dù nhỏ bé. Đừng chỉ nghĩ đến phát triển đô thị, phục vụ du lịch mà không nghĩ đến dân, tại địa phương mình, đạo đức của người cán bộ trong một chế độ "vì dân" không cho phép làm như vậy!