Mối tình chồng vợ không thể tránh hai chữ nợ - duyên…
Chuyện rằng, có một chàng trai đau khổ vì người yêu bỏ đi lấy chồng. Anh ta tìm lên chùa và hỏi sư thầy: “Tại sao con yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?”.
Sư thầy mỉm cười và cho anh ta xem một chiếc gương. Trong đó có hình ảnh một cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường. Mọi người đi qua đều bỏ đi. Chỉ có chàng trai dừng lại nhưng cũng cởi áo đắp cho cô gái ấy rồi cũng bỏ đi. Mãi sau có một chàng trai khác đến và đem thi thể cô gái đi chôn.
Đợi anh chàng thất tình xem xong, sư thầy thủng thẳng giải thích: “Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi nên anh chỉ có “duyên” đến vậy với cô ấy. Còn người chồng cô ấy lấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy, đó chính là chữ “nợ” của cô ấy với người ta”.
Nếu ai là tín đồ của bộ truyện nổi tiếng Trung Quốc Hồng Lâu Mộng hẳn cũng biết hai chữ “nợ - duyên” này trong mối tình của Giả Bảo Ngọc với Lâm Đại Ngọc. Trong hồi thứ nhất của tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, một vị tăng nhân đã kể một câu chuyện rằng, ở nơi tây phương xa xôi, trong Cung Xích Hà bên dòng sông Linh Hà có vị Thần Anh Thị Giả ngày ngày thường đi lại bên bờ sông.
Tại nơi đây ông đã nhìn thấy Giáng Châu Tiên Thảo mọc bên bờ sông thật yêu kiều khả ái, bèn ngày ngày dùng nước cam lộ tưới lên mong muốn kéo dài sinh mạng của Giáng Châu Tiên Thảo.
Về sau, Giáng Châu Tiên Thảo nhờ hấp thu tinh hoa của đất trời, lại được nuôi dưỡng bởi nước cam lộ đã chuyển hóa thành nữ nhi Giáng Châu Tiên Tử. Một hôm, Thần Anh Thị Giả muốn đến nơi phồn hoa nhân gian du ngoạn một chuyến.
Giáng Châu Tiên Tử biết được cũng muốn cùng theo ông hạ phàm, trong lòng nghĩ rằng mình nhờ ơn nuôi dưỡng của ông mà được chuyển hóa thành Tiên Tử, nay không biết lấy gì báo đáp, nếu như ông muốn xuống nhân gian du ngoạn một chuyến, ta cũng nguyện dùng nước mắt của cả đời mình để trả ơn nước cam lộ của ông.
Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc tuy cùng lúc đến nhân gian nhưng cả hai đều đã không còn nhớ gì về kiếp trước của mình. Họ tuy sinh ra ở hai nơi khác nhau nhưng khi vừa mới gặp mặt đã có cảm giác như đã từng quen.
Sau đó cùng nhau lớn lên như một cặp thanh mai trúc mã, cùng nhận đối phương là tri kỷ của đời mình và mối ơn nước cam lộ ngày nào là lý do vì sao Lâm Đại Ngọc đã vì Giả Bảo Ngọc mà khóc không biết bao lần.
Theo đạo Phật, vợ chồng đến với nhau là bởi chữ duyên, sống được với nhau là do chữ "nợ". Nhiều người có duyên nhưng không có nợ... |
Phàm ở đời, những mối tình chồng - vợ đều không thể tránh hai chữ nợ - duyên? Thế nên, có đôi vợ chồng sống với nhau, có đôi dù mặn nồng, tâm đầu ý hợp nhưng lạ nỗi chỉ được thời gian ngắn là chia tay đôi ngả, có đôi đánh chửi nhau như kẻ thù suốt ngày, suốt tháng nhưng lại đi cùng đường đến đầu bạc răng long.
Lý giải điều này, Phật giáo cho rằng, kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau. Con người gặp nhau là bởi chữ “duyên”, sống và yêu nhau là bởi chữ “nợ”.
Thế nên, nhiều cặp bợ chồng, đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay. Người đời sẽ nói người kia là trăng hoa, đểu cáng… nhưng thật ra đó chỉ là người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải rời đi, không có gì có thể níu kéo được.
Trong thế gian người ta cũng thường nói có nợ thì mới có duyên, duyên của thế gian đến như một sự nhân quả, đến để trả nợ cho nhau ở kiếp trước. Trong sự tái sinh luân hồi, duyên sẽ tồn tại, và mối nợ nhân – quả ân oán đời trước sẽ theo duyên này đến đời sau. Điều này đã được chứng minh rất rõ trong mối tình của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng.
Nhưng hạnh phúc chồng vợ lại là phước báu do chính mình kiến tạo
Bên cạnh lý giải về duyên – nợ trong mối tình chồng vợ, Phật giáo còn nói nhiều về triết lý sống giữa vợ và chồng. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM trong bài viết “Triết lý về đôi dép qua góc nhìn của Phật giáo” viết rằng nhà thơ Nguyễn Trung Kiên có bài thơ “Đôi dép” 7 khổ: “Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ/Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau…”. Sự mô tả này cho thấy việc đôi dép có mặt trên cuộc đời không phải do tự thân nó muốn, vì nó nào có ý thức đâu mà muốn.
Cho nên sự gặp nhau của chúng là một tiến trình tình cờ, nhưng lại thể hiện ra đặc tính “không rời nhau nửa bước”. Mô tả hiện thực đôi dép từ cái nhìn của Phật giáo như một đối tượng để quán chiếu rằng đời sống vợ chồng được sánh ví như chiếc dép trái và chiếc dép phải sánh bước bên nhau trên mọi hướng của cuộc đời.
Đối với đời sống tại gia thì tình vợ nghĩa chồng được quan niệm như một đôi dép với quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau. Chồng đâu vợ đó, vợ đâu chồng đó.
Khổ thứ hai của bài thơ "Đôi dép" nói về sự chung sức gắn bó và chia sẻ trách nhiệm:“Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao/Cùng chia sẻ sức đời người chà đạp/Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác/Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”.
Tình nghĩa vợ chồng với những ngang bằng trong sự chia sẻ, gánh vác vai trò, trách nhiệm với nhau. Người chồng không đổ lỗi cho vợ để mắng nhiếc, bạo hành mà ngược lại phải thương yêu chăm sóc vợ vì những mỏi mệt lo toan nhiều thứ trong gia đình.
Giá trị chịu đựng của đôi dép nằm ở chỗ nó là vật lót đường dưới sức nặng của toàn bộ cơ thể của một con người nào đó đè lên. Nó trải những bước đi suốt mười mấy tiếng mỗi ngày mà không hề than thở. Trong khi ở đời sống vợ chồng, cứ mỗi lần người này phải gánh vác một việc gì đó có phần trội hơn người còn lại thì sau đó người này sẽ than thở trách cứ tạo ra những căng thẳng, mỏi mệt cho cả hai.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, dưới góc độ duyên khởi, mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời này đều tương thuộc lẫn nhau. Không có vật gì, người nào có thể tồn tại độc lập một cách lâu dài và qua hình ảnh của đôi dép, chúng ta thấy rõ hơn về điều đó: “Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”. Một chiếc bị mất thì chủ nhân của nó lập tức sẽ quẳng luôn chiếc còn lại để đi mua đôi dép mới.
Do đó muốn đời sống hạnh phúc của chính mình lâu dài thì phải biết bảo hộ hạnh phúc của người bạn đường với mình. Khi người bạn đường đón nhận tình cảm tốt đẹp cũng phải hết sức trân quý, không để nó vuột mất dù chỉ một phần. Bởi có những lúc chúng ta sống một cách rất hời hợt, vô tư, đến khi đối diện với mất mát mới sinh tâm tiếc nuối thì cũng đã muộn màng...
Thượng tọa Thích Nhật Từ còn phân tích rất dài về tình nghĩa, trách nhiệm, duyên phận vợ chồng thông qua hình ảnh đôi dép, nhưng khuôn khổ bài viết này có hạn nên chỉ xin trích dẫn ngắn gọn. Nhưng tựu trung lại, cuộc sống vợ chồng, mối nợ - duyên chồng vợ tất cả là hưởng phước báu do chính mình tạo từ trái tim, từ lòng từ bi, từ nhận thức của tuệ giác, để cả hai được sống đến răng long tóc bạc trong chung thủy và hiểu biết thương yêu lẫn nhau...