'Phạm' phong thủy, các đời Tổng thống 'gặp hạn'?

(PLO) -Với việc Quốc hội Hàn Quốc hôm 9/12 bỏ phiếu thông qua quyết định luận tội bà Park Geun-hye, lại có thêm một Tổng thống Hàn Quốc nữa sắp phải rời Nhà Xanh (còn gọi là Thanh Ngõa Đài hoặc Cheongwadae - dinh Tổng thống của Đại Hàn Dân Quốc) giữa nhiệm kỳ vì bị bãi chức. Việc bà Park chuẩn bị phải rời Nhà Xanh một lần nữa lại dấy lên làn sóng dân chúng đòi di chuyển dinh Tổng thống khỏi Nhà Xanh, nơi bị coi là “chặn mất long mạch của Hàn Quốc”…
Thanh Ngõa Đài - Nhà Xanh với mái ngói màu xanh
Thanh Ngõa Đài - Nhà Xanh với mái ngói màu xanh

Tờ “JoongAng Ilbo” (Trung ương Nhật báo) của Hàn Quốc số ra ngày 30/11 vừa qua đã đăng bài nêu rõ: “Nhà Xanh có vấn đề cả về địa điểm, kết cấu lẫn phong thủy, những tiếng nói yêu cầu phải di chuyển nó đi nơi khác ngày càng dâng cao trong nước Hàn Quốc”…

“Hung địa”

Không phải bây giờ vấn đề đòi di dời dinh Tổng thống đi nơi khác mới được nêu lên. Tờ JoongAng Ilbo viết: “Cứ mỗi lần bầu cử Tổng thống là lại xuất hiện các yêu cầu đòi di dời Nhà Xanh. Có người cho rằng nơi làm việc của Tổng thống và nơi làm việc của các thư ký nằm cách nhau quá xa, rất bất lợi cho việc trao đổi nội bộ.

Các chuyên gia kiến trúc thì cho rằng: hiện trạng xây dựng bằng bê tông cốt thép của Nhà Xanh hiện nay rất không phù hợp với hình dạng ngôi nhà kiểu truyền thống Hàn Quốc của nó, cần phải thay đổi thành kết cấu bằng gỗ cho đúng.

Trong khi đó, tờ “Thiên không Nhật báo” viết: “Nhiều chuyên gia phong tục dân gian Hàn Quốc cho rằng, Nhà Xanh ở vào nơi “hung địa”, đã chặn mất Long mạch của Hàn Quốc chạy từ Bắc Hán Sơn và Bắc Nhạc Sơn xuống Seoul. Nhiều người cho rằng đất nơi ấy chỉ thích hợp làm nơi mai táng chứ không phù hợp làm nơi ở.

Tháng 6/2016 vừa qua, một cơ quan trưng cầu dân ý đã tiến hành lấy ý kiến về việc di dời Dinh Tổng thống và Nhà Quốc hội, kết quả hơn một nửa số người được hỏi bày tỏ đồng tình, chỉ có 37% không ủng hộ.

Nơi làm việc của tổng thống cách quá xa các thư ký
Nơi làm việc của tổng thống cách quá xa các thư ký

Liên tiếp gặp họa

Kể từ khi Đại Hàn Dân Quốc được thành lập ở phía Nam bán đảo Triều Tiên tính từ Vĩ tuyến 38 đến nay, đã có 11 vị Tổng thống thay nhau nắm quyền lãnh đạo trong 18 nhiệm kỳ, thì chỉ có duy nhất vị Tổng thống thứ 10 – ông Lee Myung-bak là bình an vô sự, còn lại tất cả đều gánh chịu tai ương: nhẹ thì phải bỏ nước đi sống lưu vong, bị tù đày, nặng thì tự tử, bị ám sát…

Tổng thống đầu tiên, Rhee Syng-man (gọi theo âm Hán Việt là Lý Thừa Vãn), nắm quyền lãnh đạo 3 nhiệm kỳ liền từ 1948 đến 1960. Năm 1960 do ra lệnh đàn áp đẫm máu “Phong trào 19/4” của học sinh sinh viên giết hại 186 người ngay trước Nhà Xanh dẫn đến cuộc bạo động trên cả nước; ông đã bị buộc tuyên bố từ chức ngày 26/4, 1 tháng sau đó phải cùng vợ trốn đi sống lưu vong tại Hawaii rồi chết ở Honolulu năm 1965.

Đáng chú ý, năm 1958 khi sang thăm Sài-gòn, Lý Thừa Vãn đã tuyên bố tổ tiên ông là người Việt Nam; cụ thể, ông là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử nhà Lý Lý Long Tường phiêu bạt sang Triều Tiên khi xưa. 

Tổng thống thứ 2 là ông Yun Bo-seon (Doãn Phổ Thiện, 1960-1962) được phái bảo thủ trong Đảng Dân chủ đưa lên thay thế ông Rhee buộc phải đi lưu vong. Ông Yun Bo-seon tuyên bố nhậm chức ngày 13/8/1960. Tuy nhiên sau đó trong nội bộ đảng cầm quyền diễn ra đấu đá kịch liệt giữa hai phái bảo thủ và cải cách đang nắm giữ chức Thủ tướng.

Tháng 2/1961, phái của ông Yun Bo-seon tách ra thành lập Đảng Dân chủ mới, Việc này càng khiến tình hình chính trị trở nên rối ren, dẫn đến cuộc đảo chính quân sự 16/5 của Thiếu tướng lục quân Park Chung-hee. Sau đó, ông Yun Bo-seon nhiều lần bị chính quyền quân sự bỏ tù.

Tổng thống thứ 3, ông Park Chung-hee (Phác Chính Hy, 1963 – 1979). Vốn là Thiếu tướng lục quân, ông Park Chung-hee đã cầm đầu cuộc đảo chính quân sự ngày 16/5/1961, lên làm lãnh đạo “Ủy ban cách mạng” (tiền thân của Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia sau này). Sau đó ông trở thành vị Tổng thống thứ 3 vào ngày 17/12/1963 và tại vị trong 4 nhiệm kỳ liền.

Park Chung-hee là nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc với những quan điểm đánh giá trái ngược. Ông bị chỉ trích và lên án là nhà độc tài, xâm phạm nhân quyền, thủ tiêu dân chủ, đàn áp tàn bạo những người bất đồng với ông; nhưng cũng là người dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra “Điều kỳ diệu sông Hàn”, khiến Hàn Quốc phát triển kinh tế thần tốc, trở thành “con Rồng châu Á”.

Những hành động đàn áp phe đối lập của Park Chung-hee đã dẫn tới việc ông bị Kim Jae-gyu, Giám đốc Cục Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA), ám sát ngày 26/10/1979.

Địa thế phong thủy của Nhà Xanh (chấm tròn trên ảnh) nhìn từ trên cao
Địa thế phong thủy của Nhà Xanh (chấm tròn trên ảnh) nhìn từ trên cao

Tổng thống thứ 4, ông Choi Kyu-hah (Thôi Khuê Hạ, 12/1979 – 8/1980) vốn là Thủ tướng từ 1975 – 1979 dưới trướng Tổng thống Park Chung-hee. Sau khi ông Park bị ám sát, ông Choi lên nắm quyền, sau đó tổ chức bầu cử và trở thành Tổng thống vào tháng 12/1979, tuy nhiên ngay sau đó, nhóm tướng lĩnh quân đội do Thiếu tướng Chun Doo-hwan cầm đầu đã tiến hành đảo chính chống lại chính quyền của ông Choi. Họ nhanh chóng loại bỏ những người chỉ huy quân đội và hầu như kiểm soát chính quyền.

Tháng 4/1980, ông Choi bị gây sức ép bổ nhiệm tướng Chun làm Giám đốc Tình báo quốc gia. Đến tháng 5/1980, Chun Doo-hwan tuyên bố thiết quân luật, vô hiệu hóa chính phủ, trở thành người lãnh đạo đất nước trên thực tế.

Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình đòi dân chủ của học sinh, sinh viên lan rộng, dẫn đến việc quân đội ra tay đàn áp, gây nên vụ “Thảm sát Gwangju” khiến 987 người bị chết. Sau khi sự kiện này xảy ra, ông Choi Kyu-hah đã tuyên bố từ chức và biến mất khỏi chính trường. Có tin nói ông đã bị chính quyền mới quản thúc trong suốt thời gian dài.

Sa thân tù đày

Tổng thống thứ 5, ông Chun Doo-hwan (1980-1988). Chun Doo-hwan vốn là tướng tâm phúc của Park Chung-hee, năm 1970 từng sang tham chiến ở Việt Nam với tư cách trung đoàn trưởng trung đoàn 29 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh (Sư đoàn Bạch Mã) khét tiếng tàn ác.

Sau khi từ Việt Nam về, Chun được đưa sang Mỹ học rồi về nước được bổ nhiệm Lữ trưởng dù số1, Sư đoàn trưởng bộ binh số 1, Tư lệnh Bảo an. Sau khi ông Choi Kyu-hah bị buộc từ chức, Chun Doo-hwan lên làm Tổng thống và cầm quyền liên tục 8 năm liền.

Trong 8 năm đó, chính phủ của ông Chun phải cải tổ tới 22 lần, tuổi thọ bình quân của mỗi nội các chỉ 8 tháng. Tháng 10/1983, khi ông Chun Doo-hwan sang thăm Miến Điện (Myanmar ngày nay) đã bị các đặc vụ Bắc Triều Tiên mưu sát, gây ra “Sự kiện Yangoon” đẫm máu,  nhiều quan chức tháp tùng ông bị bom giết chết, ông Chun may mắn thoát chết do đến hiện trường chậm hơn thời gian đã định.

Tổng thống Rhee Syng-Man (Lý Thừa Vãn)
Tổng thống Rhee Syng-Man (Lý Thừa Vãn)

Sự kiện này đã khiến chính phủ quân sự Miến Điện cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Năm 1987, dưới áp lực của “Phong trào dân chủ Tháng 6”, Chun Doo-hwan buộc phải tuyên bố không ra tranh cứ tổng thống nữa. Sau đó ông đưa trợ thủ của mình là Roh Tae-woo ra ứng cử và trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 6.

Năm 1992, khi ông Kim Young-sam lên làm tổng thống thay Roh Tae-woo đã cho điều tra, bắt giữ cả hai thầy trò Chun và Rohh. Ngày 26/8/1996, Tòa án thành phố Seoul đã tuyên phạt Chun Doo-hwan tử hình về các tội chủ động tham gia đảo chính quân sự, nội loạn, mưu sát cấp trên không thành và nhận hối lộ, buộc phải giao nộp 22,05 tỷ won; đến tháng 12/1997, ông được giảm án xuống tù chung thân...(Còn tiếp) 

Đọc thêm