Phạm Tuyên và khúc ca “ngày đại thắng”

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một ca khúc mà cả ca từ và tựa đề chưa tới 60 chữ, nhưng vẫn gói ghém trong đó một tình cảm lớn lao, vĩ đại đối với Bác Hồ. Liên tục 36 năm qua, những lời ca ấy vẫn vang lên mỗi khi chúng ta nhớ Bác, nhớ tới ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975.

“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một ca khúc mà cả ca từ và tựa đề chưa tới 60 chữ, nhưng vẫn gói ghém trong đó một tình cảm lớn lao, vĩ đại đối với Bác Hồ. Liên tục 36 năm qua, những lời ca ấy vẫn vang lên mỗi khi chúng ta nhớ Bác, nhớ tới ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

* CNPL: Thưa nhạc sĩ, nhiều người ngạc nhiên vì “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được ông sáng tác chỉ trong vòng 2 giờ mà quá thành công, ông có thể lí giải điều này?

- Thật là hay và may lắm vì bài hát ra đời kịp thời, vào đúng chiều 30/4 phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngẫm ra thì đúng là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - bài hát được ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Đêm 28/4/1975, khi tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc lập được thông báo đã làm nức lòng mọi người. Trong niềm hân hoan ấy, cảm xúc đặc biệt cùng dự cảm về ngày đại thắng của dân tộc đã choáng ngợp và dâng trào, tôi lập tức ghi lại những cảm xúc xuất thần thành từng nốt nhạc rung ngân trong 2 giờ liền (từ 21h30 đến 23h30).

Sáng 30/4, Sài Gòn giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện! Trưa 30/4/1975, khi Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm đang trăn trở với việc chọn một bài hát phát cùng tin chiến thắng thì nhận được tác phẩm của tôi.

Sau khi xem, ông đã reo lên “Trúng rồi” và ngay lập tức chỉ đạo cho dàn dựng, đến 16 giờ thì hoàn thành. Đó là bài hát được tập, dàn dựng và thu, phát với tốc độ kỷ lục và điều đặc biệt nữa là, tất cả những người hát, người đàn, người dàn dựng và cả tôi, đều vừa hát vừa nước mắt rưng rưng…

Đúng 17h ngày 30/4/1975, sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ Quốc bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Có thể nói, tôi viết một mạch 2 tiếng nhưng có lẽ là bằng cảm xúc cả một đời. Để có 2 giờ ấy là cả một chặng đường dài trải nghiệm nỗi đau đất nước chia cắt, là năm tháng gian khổ đi vào tuyến lửa với khao khát nước nhà thống nhất, là tình yêu với Đảng và Bác, là cả tâm huyết của người nghệ sĩ...

* CNPL: Và thật đặc biệt vì lần đầu tiên Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động cho một bài hát, một việc trước đây chưa từng có?

- Năm 1985, tức là 10 năm sau khi bài hát đó ra đời, ông Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bảo, “Bài công chúng hát nhiều thế này mà không được tặng thưởng Huân chương à?”. Và ông ấy còn nói vui: “Trước chưa bao giờ đề nghị như thế cả, bây giờ thử hỏi xem có được không?”. Sự việc vừa mới nêu đầu tuần, thì cuối tuần, cấp trên bảo sẽ có Huân chương.

Tôi nhớ, hôm nhận Huân chương Lao động với chiếc bằng khen, tôi nói đùa với người trao: Thế còn cái gì nữa không?”. Anh ấy giãy nảy lên: “Úi giời! Thế này là vinh dự lắm rồi...”.

Bài hát không quá 60 ca từ, nhưng thu hút hàng triệu trái tim người hát, người nghe.

Năm đấy là năm rất vui và cũng rất là “hao mòn” bởi vì nhà có nuôi mấy con gà mang ra làm thịt hết để liên hoan với bạn bè. Rồi đến khi tôi vào TP.HCM, anh em bạn bè bảo: “Anh Hai ơi, cho bọn em hưởng Huân chương với”... Đến “sạt nghiệp”, mình thì không được xu nào nhưng toàn đi thết bạn bè ăn hết chỗ nọ, chỗ kia. Nhưng suy cho cùng đó là tình cảm thực sự quý.

* CNPL:  Ông cảm thấy thế nào khi tác phẩm này không chỉ trở thành khúc đồng ca của cả dân tộc mà còn được Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản dịch ra và phổ biến ở 49 tỉnh, thành của nước này hay tờ Lettre du CAEF của Pháp cũng in nguyên bản và tại  một số thành phố như Maxcơva, Lahabana, Berlin nó cũng đã ngân lên..?

- Tôi nhớ trong một buổi giao lưu Huế - Sài Gòn, có một đoàn Nhật Bản xin tham gia cho vui. Họ xin hát 2 bài Hoa Anh đào (dân ca Nhật Bản) và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.”. Và tôi rất ngạc nhiên vì: Họ đã hát vang bài hát của tôi bằng tiếng Nhật.

Đến đoạn điệp khúc “Việt Nam, Hồ Chí Minh!/ Việt Nam, Hồ Chí Minh!”, họ yêu cầu tác giả hát cùng , tôi vừa hát vừa khóc.

Quả đúng vậy, sức sống của bài hát đã vượt ra khỏi suy nghĩ ban đầu của tôi. Bởi khi sáng tác nhạc phẩm này, tôi chỉ mong đóng góp cho đời một tiếng reo vui nhân ngày toàn thắng. 30 năm tôi đi chiến trường, cực khổ quá rồi, không nghĩ mình còn sống để có thể viết nên tác phẩm này.

* CNPL: Có thể nói, đến giờ, những ca khúc về Đảng của ông đã là những dấu son trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, bởi nó đã trở thành những ca khúc đi cùng năm tháng. Nguồn xúc cảm nào giúp ông có những tuyệt phẩm đó?

- Tôi vào Đảng lúc còn ở bộ đội, hoàn cảnh của tôi không phải xuất phát từ tình cảm giai cấp mà từ lòng yêu nước của một thanh niên đi tìm con đường chân lý. Hồi đó, những điều rõ nhất đập vào mắt tôi là nơi nào khó khăn gian khổ, hy sinh xương máu thì nơi đó cần Đảng viên. Tình cảm với Đảng bắt đầu từ những nhận thức như thế.

“Trưa 30/4/1975, khi Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm trăn trở với việc chọn một bài hát phát cùng tin chiến thắng, thì nhận được tác phẩm của tôi. Sau khi xem, ông reo lên “Trúng rồi” và ngay lập tức chỉ đạo cho dàn dựng, đến 16 giờ thì hoàn thành. Đó là bài hát được tập, dàn dựng và phát với tốc độ kỷ lục. Những người hát, đàn, dàn dựng và cả tôi, đều vừa hát, vừa nước mắt rơi.” -  Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Bài đầu tiên tôi viết năm 1959 là bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” dựa trên bài thơ của Louis Aragon - một nhà thơ Cộng sản Pháp, qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu. Bài dịch đó cho đến nay tôi vẫn rất thích, như: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Trước như tuổi thơ tôi nào biết được... Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà”.

Điều đó đúng với tình cảm của một anh trí thức như tôi lúc bấy giờ. Vì thế tôi đã viết trong một tâm trạng cởi mở tự nhiên để nói lên tình cảm của mình cũng như của một số bạn bè, chứ không dám nghĩ bài hát sẽ được phổ biến. Nhưng rất vui là khi bài hát vừa viết ra, một số ca sĩ như Quí Dương, Trung Kiên thích và hát luôn.

Có lần tôi vào TP HCM, một anh chặn lại hỏi: “Làm thế nào mà ông lại viết được Đảng cho ta cả một mùa xuân được nhỉ?”. Tôi nghiêm mặt đáp: “Tôi viết bài hát này năm 1960 nghĩa là cả nước mình có nguyện vọng thống nhất đất nước dưới sự đấu tranh của Đảng tươi tắn lắm,  xua đi màn đêm tối tăm, bao khổ đau...”.

Mỗi bài hát ra đời đều xuất phát từ những tình cảm tự nhiên và rất mừng là vào năm 2000, trong cuộc bầu chọn của khán thính giả Đài tiếng nói Việt Nam cho 10 bài hát hay nhất về Đảng, thì tôi được chọn 2 bài: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” và “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân.”

* CNPL: Thường những bài hát về đề tài chính trị rất khó đi được vào công chúng, ông có bí quyết gì khi sáng tác chăng?

- Âm nhạc là tiếng nói tình cảm, tình cảm ấy phải dựa trên một cái nền, một sự định hướng về lý tưởng của từng người. Nội dung cần trong sáng, lành mạnh và cách thể hiện phải gần gũi, đời thường.

Tôi còn nhớ vào đầu năm 1976, khi TP HCM vừa giải phóng, tôi vào đó và thấy ở các nhà văn hóa, thanh niên đều hát những bài hát về Đảng của tôi. Tôi ngạc nhiên bởi ở một thành phố với quan niệm nghệ thuật hoàn toàn khác, lại là bị tạm chiếm trước đây mà tại sao thanh niên lại thích bài hát về Đảng.

 “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vang lên đúng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. (Ảnh: TL).
Hỏi thì họ bảo vì bài hát về đề tài chính trị nhưng không khô khan, rất vui tươi, tự nhiên, thậm chí có thể cầm tay nhau vừa hát vừa nhảy múa được. Mặt khác nó đáp ứng được yêu cầu chúng ta đang hướng tuổi trẻ đến một lý tưởng đẹp đẽ. Khi tôi viết tôi cũng nghĩ đến thế hệ trẻ và bản thân mình lúc ấy cũng chưa lớn tuổi lắm nên cũng nghĩ phải có cách thể hiện hồn nhiên, tươi tắn.

* CNPL: Những tác phẩm đó đều rất hào sảng, lạc quan,... Nhưng, tôi hiểu ông đã phải trải qua một đời sống không hề đơn giản, nếu không muốn nói là đã có quá nhiều mất mát, đau đớn, uẩn khúc...?      

- Ai cũng biết tôi đã từng có thời kỳ lao đao về chủ nghĩa lý lịch. Tôi, anh chị em tôi đã cố gắng rất nhiều để vượt qua những định kiến. Năm 1945, sau khi nghe Hồ Chủ Tịch căn dặn, chúng tôi luôn ghi nhớ lời Bác: “Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”. Riêng bản thân tôi, sau khi học hết trường nọ lớp kia, định kiến nặng nề cũng khiến tôi rất vất vả.

“Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với rất nhiều cung bậc. Có thể tóm tắt bằng hai câu thơ xuất thần của Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay...”-  Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Đi đâu, làm gì, người ta cũng bảo năng lực tôi thì được, nhưng lý lịch “như thế” thì có nên làm hay không? Những người hiểu bản chất của câu chuyện như nhà thơ Hằng Phương - vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, hay nhà thơ Huy Cận thì vẫn động viên, khuyến khích tôi rất nhiều. Thật buồn là tất cả những nhân chứng trên đều đã mất nhưng những lời căn dặn, động viên đó đã giúp tôi vượt qua mọi định kiến để vươn lên làm những điều có ích cho bản thân, cho gia đình và cho Tổ quốc.

Tôi phải vượt lên bằng cách tìm nguồn vui trong cuộc sống. Nguồn vui ở đây là công chúng, là nhân dân, là tình cảm của mọi người đối với âm nhạc của tôi. Chính tình cảm ấy đã động viên tôi nhiều lắm. Không có hàng triệu người dân hát bài hát của mình thì mình buồn lắm.

* CNPL: Đằng sau sự thành công của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết - người bạn đời của ông có vị trí như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của ông?

- Cả sự nghiệp âm nhạc viết cho thiếu nhi tôi phải nhờ ơn bà “nhà” tôi. Tất nhiên mình có năng khiếu về âm nhạc, nhưng lĩnh vực này vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính khoa học.

Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trên giảng đường đại học cả trong nước và quốc tế, bà nhắc tôi quan điểm của ngành giáo dục nói chung, đặt lại vấn đề đối với thế hệ măng non là: Chơi mà học, học mà chơi. “Nhà” tôi giúp tôi thẩm định: Lứa tuổi thiếu niên nhi đồng khác người lớn ở chỗ bài hay, bài dở người ta có ý kiến tranh luận khác nhau, có thể đồng thuận, có thể bảo lưu. Nhưng đối với trẻ thơ lại khác, trẻ thơ không có ý kiến gì hết. Cái nào các cháu chấp nhận là chấp nhận. Cái nào các cháu không nhận là người nhạc sĩ phải chịu. Bởi vì chất lượng nghệ thuật là yếu tố quyết định nhất.

Thẩm định của “nhà” tôi rất chính xác. Có những bài nghe xong “nhà” tôi nói: “Bài này cũng được nhưng chắc là không phổ biến mấy.” Có những bài vừa nghe bà vừa nói: “Bài này được, hát được”. Tôi chỉ tiếc là bà “nhà” tôi không còn nữa.

* CNPL: Chúc cho nhạc sĩ nhiều sức khỏe và bình an!

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm