Phân cấp trong đăng ký hộ tịch sẽ giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Theo quy định hiện hành, việc quản lý và đăng ký hộ tịch được thực hiện ở cả 4 cấp (Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã). Tuy nhiên, việc UBND cấp tỉnh, huyện, xã vừa làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước vừa làm nhiệm vụ đăng ký hộ tịch đã dẫn đến nhiều tồn tại, bất cập.

Theo quy định hiện hành, việc quản lý và đăng ký hộ tịch được thực hiện ở cả 4 cấp (Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã). Tuy nhiên, việc UBND cấp tỉnh, huyện, xã vừa làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước vừa làm nhiệm vụ đăng ký hộ tịch đã dẫn đến nhiều tồn tại, bất cập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, về phía các cơ quan Nhà nước, một số trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không phân biệt được thẩm quyền nên đã giải quyết việc đăng ký hộ tịch sai thẩm quyền. Ngoài ra, do thẩm quyền đăng ký hộ tịch thuộc 3 cấp nên từng cấp chủ yếu lo việc đăng ký hộ tịch, không có thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác trong quản lý nhà nước về hộ tịch như mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hộ tịch; kiểm tra, thanh tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch trong phạm vi địa phương…

Đối với người dân thì khó phân biệt yêu cầu đăng ký hộ tịch của mình do cấp nào giải quyết. Chẳng hạn, kết quả phỏng vấn người dân đến làm các thủ tục hành chính tại UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) về câu hỏi “Anh/chị có biết cơ quan có thẩm quyền cải chính hộ tịch cho người dân từ 14 tuổi trở lên?” cho thấy phần lớn người dân đều trả lời sai hoặc trả lời không biết.

Căn cứ vào chức năng cơ bản của bộ máy nhà nước theo từng cấp, có tính đến tình hình thực tế hiện nay đồng thời cũng tính đến yêu cầu của cải cách hành chính, Dự thảo Luật Hộ tịch được giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự kiến phân cấp thẩm quyền quản lý và đăng ký hộ tịch theo hướng phân biệt giữa nhiệm vụ quản lý nhà nước, với tính chất là hành vi hành chính và nhiệm vụ đăng ký các sự kiện hộ tịch, với tính chất là hành vi tác nghiệp chuyên môn; đồng thời điều chỉnh nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các cấp để tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật Hộ tịch đã đưa ra 3 phương án giải quyết vấn đề về phân cấp với những đánh giá khá toàn diện về những tác động tích cực, tiêu cực của từng phương án. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng (việc quản lý hộ tịch được thực hiện ở cả 4 cấp, việc đăng ký hộ tịch được thực hiện ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã).

Phương án 2 là phân cấp hết các việc đăng ký hộ tịch về cấp xã; các cấp huyện, tỉnh, Trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý. Phương án 3 là phân cấp việc đăng ký hộ tịch về cấp xã, riêng việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài phải gửi hồ sơ xin ý kiến Sở Tư pháp.

Đối với phương án 1, chỉ tính chi phí đi lại xác minh trên số liệu đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp, UBND cấp huyện trong cả nước năm 2010 thì Nhà nước đã phải bỏ số tiền gần  8,74 tỷ đồng. Còn người dân phải chi tới 37,458 tỷ đồng, gồm chi phí đi lại từ xã lên huyện, từ xã lên tỉnh, chi phí cơ hội khi phải chờ đợi. Như vậy, tổng chi phí/tác động tiêu cực đối với Nhà nước và người dân là xấp xỉ 46,2 tỷ đồng

Theo phương án 2 thì cần phải bố trí kinh phí để đào tạo nâng cao nhận thức và trình độ của cán bộ cấp xã và Nhà nước sẽ phải tiêu tốn gần 134 tỷ đồng. Nhưng người dân không bị mất chi phí nào mà lại thuận tiện trong việc đi lại đến nơi giải quyết việc đăng ký hộ tịch của mình và dễ dàng xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Phương án 3 tương tự phương án 2 song có thêm tác động tích cực nữa là các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả trong quản lý và đăng ký việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, khắc phục được tình trạng sai sót trong lĩnh vực này.

Qua khảo sát bước đầu tại Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số Sở Tư pháp cho thấy, các ý kiến ủng hộ phương án 3 là nhiều hơn cả vì đem lại nhiều lợi ích cho người dân.

Thục Quyên

Đọc thêm