Phấn đấu đến tháng 3/2016 bắt đầu nhập dữ liệu về công dân

(PLO) - Chiều qua (27/1), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) đã họp triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi họp.
Chậm vì thiếu vốn
Ông Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 896 cho biết, một hạn chế trong triển khai Đề án 896 năm 2014 là việc hệ thống hóa của một số Bộ, ngành còn mang tính hình thức nên nhiều báo cáo, thống kê còn chưa đầy đủ số lượng các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi Đề án 896, một số trường hợp thông tin hay các thông tin cụ thể chưa chính xác theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư có vai trò quan trọng trong triển khai các nội dung cải cách tại Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và là một trong những nội dung quyết định sự thành công của Đề án 896. 
Theo kế hoạch, Dự án khả thi CSDLQG về dân cư phải được duyệt trong năm 2014. Bộ Công an đã xây dựng Dự án khả thi CSDLQG về dân cư, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát dự án cũng như các vấn đề về vốn và chủ động tìm một số đối tác thực hiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do chưa tìm được nguồn vốn bảo đảm cho việc xây dựng nên chưa phê duyệt được Dự án khả thi CSDLQG về dân cư. 
Ngoài ra, do phụ thuộc vào thời điểm thông qua và kế hoạch triển khai Luật Căn cước công dân nên năm 2014 không triển khai việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp số định danh cá nhân, CSDLQG về dân cư cũng như việc rà soát các TTHC, giấy tờ công dân.
Hoàn thành sớm để chống lãng phí
Đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng, không xây dựng được CSDLQG về dân cư thì “lãng phí chi phí xã hội càng lớn”. Do đó, những vướng mắc về nguồn vốn xây dựng CSDLQG về dân cư phải được BCĐ 896 giải quyết trong năm 2015 làm cơ sở phê duyệt Dự án khả thi CSDLQG về dân cư chậm nhất trong tháng 3/2015 để đến tháng 3/2016 có thể hoàn thành việc xây dựng và bắt đầu nhập dữ liệu về công dân, tránh ảnh hưởng đến thời điểm triển khai cấp số định danh cá nhân (từ 1/1/2016).
Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị nên để khu vực ngoài nhà nước đảm nhận triển khai các dự án thuộc Đề án 896, chỉ cấp vốn nhà nước khi không xã hội hóa được để tiết kiệm chi phí và thời gian cho cơ quan nhà nước. 
Hiện nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhận cung cấp máy chủ cho việc triển khai cập nhật CSDLQG về dân cư nên Bộ KH&ĐT cho rằng: “Nếu doanh nghiệp nào nhận triển khai dự án với kinh phí bằng 50% tổng kinh  phí dự kiến để xây dựng CSDLQG về dân cư (3.400 tỷ đồng) hoặc dưới 2.000 tỷ đồng thì nên đồng ý”.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ Đề án 896 biểu dương Văn phòng BCĐ và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện. Hoạt động triển khai Đề án 896 đã đạt được một số kết quả nhất định như góp phần giúp Chính phủ hoàn thiện Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và đã hệ thống hóa được trên 2.700 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đánh giá cũng cho thấy nhiều nội dung công việc đã được triển khai mà kết quả đạt được chưa cao, vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa bảo đảm được tiến độ đề ra. 
Theo Phó Thủ tướng, những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân nổi bật, gây khó khăn, hạn chế cho nhiều nhiệm vụ khác, đó là vẫn chưa giải quyết được vấn đề về nguồn vốn để phê duyệt Dự án khả thi CSDLQG về dân cư. Vì vậy, đề nghị đầu tiên của Phó Thủ tướng là trong năm 2015 phải tìm cách tháo gỡ nguồn vốn xây dựng CSDLQG về dân cư, không để tiếp tục chậm trễ hơn nữa. “Nếu xã hội hóa, thuê ngoài dịch vụ trên tinh thần vẫn đảm bảo an ninh thì rất hoan nghênh” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với việc tổ chức thu thập thông tin cho CSDLQG về dân cư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc thu thập phải tận dụng tối đa các nguồn thông tin quản lý sẵn có đã được lưu trữ, thông qua tàng thư căn cước công dân, qua hệ thống thông tin lưu trữ về hộ tịch, về bảo hiểm xã hội, về đất đai, dân số…, hạn chế tối đa việc làm phiền nhân dân trong quá trình thực hiện. 
Về số định danh cá nhân đang được dự kiến sẽ sử dụng hệ thống 12 số của chứng minh nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế về quy định cấu trúc số định danh cá nhân, phải bảo đảm sao cho khi cấp không xảy ra hiện tượng trùng số, tràn số hay sử dụng gian lận số định danh cá nhân. 

Đọc thêm