Phản đối quyết định hành chính, chọn thủ tục khiếu nại hay khởi kiện?

(PLO) - Hành vi hành chính và quyết định hành chính đều thuộc đối tượng bị tố cáo, khiếu nại hoặc khởi kiện. Để giúp bạn đọc nắm bắt, phân biệt được các thuật ngữ pháp lý “hành vi hành chính”, “quyết định hành chính”, khi nào thì sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo, khi nào thì khởi kiện, Xa lộ Pháp luật giới thiệu bài phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam).
- Thưa ông, trong lĩnh vực quản lý hành chính, người có thẩm quyền thường hay sử dụng “hành vi hành chính” và “quyết định hành chính”. Vậy phân biệt hai thuật ngữ này như thế nào?
“Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật” (Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính (LTTHC))
Như vậy, hành vi hành chính có hai loại là hành vi hành động và hành vi không hành động.
Thứ nhất, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật được hiểu là hành vi hành động. Thứ hai, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật là hành vi không hành động. Nó được thể hiện dưới dạng họ không thực hiện các hành vi công vụ được giao như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…
“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể” (Khoản 1 Điều 3 LTTHC). Ví dụ như quyết định cưỡng chế thu hồi đất, quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
 - Khi không đồng tình với hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính, người dân thường nhầm lẫn giữa viết đơn khiếu nại và đơn tố cáo. Phân biệt khiếu nại và tố cáo như thế nào?
“ Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” (Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại).
“Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức” (Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo).
 - Thời hiệu khiếu nại được quy định như thế nào?
Điều 9 Luật Khiếu nại quy định: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”
 - Luật tố cáo có quy định thời hiệu tố cáo hay không?
Khác với việc khiếu nại, Luật Tố cáo không quy định thời hiệu tố cáo.
 - Nhiều người băn khoăn không biết nên chọn thủ tục khiếu nại hay khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính. Ông có thể tư vấn?
Trước tiên, cần khẳng định người dân có quyền quyết định và tự định đoạt lựa chọn thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện. Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.
Còn về việc lựa chọn khiếu nại hay khởi kiện, xin minh hoạ qua ví dụ cụ thể để người dân tham khảo và cân nhắc. Ví dụ bạn bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong quyết định ghi mức phạt là 500.000 đồng. Khi tra cứu văn bản pháp luật liên quan thì thấy mức phạt tối đa chỉ là 400.000 đồng. Giả sử, các điều kiện khởi kiện theo Luật đều thỏa mãn hết thì trong trường hợp này bạn có khởi kiện không? Đây là điều mọi người cần cân nhắc. Theo tôi thì không. Như vậy, để quyết định có tiến hành một vụ kiện hay không, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cân nhắc những lợi ích sẽ đạt được trong trường hợp chúng ta khởi kiện sẽ được cái gì (và giả định là thắng kiện). Một khi lợi ích đạt được nhỏ hơn hoặc không tương xứng với công sức, chi phí bỏ ra (việc khởi kiện sẽ tiêu tốn của chúng ta thời gian, công sức, tiền bạc) thì thiết nghĩ chúng ta nên sử dụng những phương thức khiếu nại .
Trong những trường hợp mà người dân chắc chắn rằng quyết định hay hành vi hành chính của cơ quan có thẩm quyền là không đúng pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng ta, cần phải được bồi thường thiệt hại, thì việc khởi kiện ra Tòa án là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ với những trường hợp quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư có sai phạm và gây thiệt hại đáng kể về quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc khởi kiện là một giải pháp cần thiết.

 - Xin cảm ơn ông.