Pháp khí ghê rợn làm từ xương người

(PLO) -Theo các ghi chép trong các thư tịch truyền lại của Mật tông Tây Tạng, có không ít những pháp khí được chế tạo từ…xương người. Tuy vậy, theo giải thích của các nhà tu hành Mật tông, các pháp khí này lại hàm chứa những ý nghĩa rất đặc biệt và thiêng liêng.
Hình ảnh Bố Úy Kim Cương.
Hình ảnh Bố Úy Kim Cương.

Kèn xương ống chân

Như đã nói, trong điển tịch của Mật tông, kèn xương ống chân là một loại pháp khí, có tên gọi “Rkang-gling”, “Rkang – dung”. Đó là một loại kèn rỗng, được làm bằng… xương ống chân người.

Được biết đến với 2 loại – kèn đơn và kèn đôi – kèn xương ống chân khi thổi lên có âm thanh như tiếng hót, theo tương truyền, âm thanh ấy có thể cảm hóa từ thần linh cho tới yêu ma, làm vui lòng những thần tướng phẫn nộ. Đặc biệt, khi tiếng kèn này vang lên, còn có thể đe dọa mọi loài yêu tinh, ma quỷ tà ác, được xem như một loại thần khí phán giới bảo vệ thần minh.

Kèn xương ống chân
Kèn xương ống chân

Điển tịch Mật tông nói, xương ống chân người có một vai trò đặc biệt trong tín ngưỡng tôn giáo ở Tây Tạng. Để chiếc kèn thực sự có đầy đủ ma lực thần kỳ, xa xưa truyền lại rằng kèn phải được làm bằng xương ống chân trái của các cô gái hay xương ống chân phải của các chàng trai giáo đồ.

Hơn thế nữa, nếu làm bằng xương ống chân của người có địa vị cao thì hiệu lực của chiếc kèn càng cao và ngược lại. Đó là thời xưa, còn ngày nay, những chiếc kèn chúng ta thường thấy lại thường được làm bằng xương ống chân động vật. Chiếc kèn này được xem như là pháp hiệu, thành pháp khí cầm tay của một số thần linh như Du già thần, Du già mẫu, nữ thần phẫn nộ…

Bát đầu lâu Ca Ba Lạp

Bát Ca Ba Lạp hay còn được gọi là “cúng lư pháp khí”, thường dùng để cúng dường. “Ca Ba Lạp” dịch từ âm tiếng Phạn, nghĩa là “giữ gìn niềm vui”, tượng trưng cho “đại bi” và “tính không”. 

Chiếc bát đặc biệt ở chỗ, nó được làm từ…xương đầu của người tu hành, là một loại pháp khí rất thường dùng trong Phật giáo Tạng truyền. Ca Ba Lạp được các nhà tu hành sử dụng khi thực hiện nghi thức quán đỉnh trong phép tu Vô thượng Du già mật tục của Phật giáo Tạng truyền; và cũng là vật cúng, bát ăn hoặc bát dùng để tế tự của đa số thần linh Kim Cương thừa. 

Một chiếc bát sọ người
Một chiếc bát sọ người

Theo các ghi chép để lại, chiếc bát Ca Ba Lạp được làm đa phần theo lời trăng trối của các bậc cao tăng khi còn sống, muốn dùng chính đầu lâu của mình sau khi chết đi để chế thành. Là một trong 3 loại pháp khí lớn, bát Ca Ba Lạp đại diện cho “ý”- tư tưởng được tịnh hóa, nếu được thần hay người khác nhau cầm thì cũng mang những ý nghĩa khác nhau.

Rất nhiều thần tướng phẫn nộ dùng tay trái – tức “trí tuệ”-  cầm bát Ca Ba Lạp đặt trước ngực, còn tay phải – tức “phương tiện” – cầm những pháp khí khác như chày kim cương, đao búa đặt trên bát để phối hợp, mang ý nghĩa kết hợp giữa phương tiện và trí tuệ.

Còn nếu bát Ca Ba Lạp là pháp khí của thần ôn hòa thì lại có ý nghĩa là một “ốc biển lớn” chứa đựng thuốc men, hoa quả, châu báu…với ý nghĩa mang cát tường đến với chúng sinh. Nhưng nếu bát Ca Ba Lạp là pháp khí dùng khi đi khất thực hoặc bát ăn cơm của người tu hành khổ hạnh thì nó lại thể hiện sự từ bi của Phật tính, tượng trưng cho những thể nghiệm đối với sinh mệnh ngắn ngủi vô thường của con người trong vòng tử sinh, ly biệt…

Gậy đầu lâu

Một pháp khí khác cũng rợn người không kém đối với kẻ ngoại đạo là gậy đầu lâu – tức “Kapala – danda”. Đây là một cây gậy được gắn bằng một chuỗi đầu lâu, có hình dáng tương tự như các loại giáo, tượng trưng cho tử vong và đe dọa.

Đặc trưng chủ yếu của cây gậy này là dùng đầu lâu trắng, khô, trên đỉnh được trang trí bằng nửa chày kim cương hoặc một châu báu. Cán của gậy thường làm bằng gỗ đàn hương đỏ, nửa trên thường có dải tơ trắng phất phơ.

Loại pháp khí này là “phương tiện” của rất nhiều thần linh theo quan niệm của Mật tông Tạng truyền. Nó được thần linh cầm ở tay phải, tượng trưng cho “tử vong”, “kết thúc” hoặc “vạn vật đều không”. Đây cũng là vũ khí của thần, dùng đe dọa, thu phục ác ma trong “Tam giới”.

Gậy đầu lâu
Gậy đầu lâu

Gậy khung xương

Gậy khung xương – còn gọi là “Kindera –danda” – được xem như một loại biến thể của gậy đầu lâu. Sách vở Mật tông ghi rằng, thời kỳ đầu, gậy khu xương chỉ đơn giản là một chiếc đầu lâu treo trên xương ống chân. Sau đó, nó được tạo hình như một khung xương không có tay, trên đỉnh đầu lâu có gắn châu báu hay nửa chày kim cương, kèm theo đó là xương cột sống, xương sườn, xương chậu.

Thông thường, gậy đầu lâu hoặc gậy khung xương được làm với 13 đốt xương sống, tương ứng với 13 tầng của tháp Phật bởi quan niệm tháp Phật chính là “xương sống” của núi Tu Di…Chiếc gậy này là vũ khí cầm bên tay phải của rất nhiều thần hộ pháp hiện tướng phẫn nộ như Diêm Vương, Bố Úy Kim Cương…

Gậy thi thể

Đây cũng là một loại pháp khí rùng rợn nữa cần nhắc đến. Chiếc gậy này được cấu tạo theo hình thức một thi thể người cắm trên chiếc gậy gỗ. Là một loại pháp khí cầm tay, thi thể cắm trên gậy thường được cho là thi thể của tội phạm, tượng trưng cho “vạn vật đều không” hoặc ý nghĩa “có thể mất tất cả”.

Hình ảnh gậy xuyên từ hậu môn lên thẳng tới đỉnh đầu hàm ý tượng trưng cho “trình tự viên mãn” trong việc tu tập, khi mà khí tiến vào, dừng lại và hợp vào mạch giữa khiến cho bản ngã của thi thể được giải thoát.

Trong các tranh ảnh của Mật tông Tạng truyền, hẳn cũng đã có người nhìn thấy bức tranh Cao Lệ Nữ thần màu trắng, tay phải cầm gậy thi thể, thường dùng để phá bỏ tất cả sinh mệnh dị đoan có hại đối với giáo lý Phật giáo, các loại yêu tinh tà ác như ác quỷ hoặc yêu nữ gieo rắc bệnh tật và ôn dịch…đều bị khống chế.

Gậy thi thể có ý nghĩa đáng sợ hơn rất nhiều so với gậy đầu lâu và gậy khung xương. Điển tịch Mật tông ghi lại rằng, chiếc gậy được làm từ thi thể người nữ khỏa thân chưa thối rữa, thường là ở trạng thái sắp bắt đầu lạnh cứng; có lúc lại là chiếc gậy thi thể nâng xác quỷ hoặc hồn quỷ.

Với những hình dáng đầy ghê rợn, gậy thi thể được hóa thân của Thiên Mẫu tướng phẫn nộ như Độc Kết Mẫu, Lục Độ Mẫu và Ôn Dịch nữ thần…dùng để phá hủy tất cả sinh mệnh dị đoan gây tổn hại cho giáo lý Phật giáo, các loại yêu tinh tà ác…

Đầu người bị chặt cũng là…pháp khí

Trong một số bức tranh của Mật tông Tạng truyền, người ta còn thấy hình ảnh những vị thần tướng phẫn nộ cầm trong tay pháp khí là đầu người bị chặt, tượng trưng cho sự tiêu diệt ma đạo, đoạn trừ cám dỗ. Chẳng hạn, Kim Cương lực sĩ thường được vẽ có hai tay phụ ở hai bên để cầm một đầu ác quỷ và một bát Ca Ba Lạp chứa đầy máu ác quỷ…

Trong một số bức vẽ khác, lại có vẽ cả những bộ phận cơ thể bị cắt rời, tứ chi bị chặt. Hay các thần tướng phẫn nộ cũng thường thấy có nhiều tay cầm các bộ phận khác nhau của cơ thể người, như ba tay trái của Đại Uy Đức Kim Cương cầm hai cánh tay và một cẳng chân bị chặt.

Theo đó, một cánh tay là tay phải phía trước, bốn ngón tay duỗi thẳng, tượng trưng cho tay phải linh hoạt khi tu “Tứ nghiệp” của Mật tông là “hoài nghiệp”, “tăng nghiệp”, “tức nghiệp” và “chu nghiệp”; một cánh tay khác là tay trái phía trước, ngón trỏ của bàn tay đó giơ ra tạo thủ ấn như đang đe dọa, tượng trưng cho sự phẫn nộ, đe dọa tất cả tà ác, ma chướng; cẳng chân bị chặt đứt khúc lại tượng trưng cho việc ngài có thể nhanh chóng dẫn dắt vô vàn chúng sinh đi trên con đường lĩnh ngộ, được ngài cho phép tiến vào cửa Phật.

Cũng theo Phật giáo Tạng truyền, cánh tay bị chặt của người còn biểu đạt “tính  không”. Khi những thần tướng phẫn nộ cầm cánh tay chặt đứt khiến con người vô cùng sợ hãi, bề ngoài là uy hiếp nhưng hàm nghĩa sâu xa bên trong lại là muốn người tu hành sinh ra các khuyết điểm ưu tư như sợ hãi, phẫn nộ…rồi khắc phục chúng cho đến khi hướng đến giác ngộ “tính không”…/.

Đọc thêm