Di sản thế giới – “chỉ mành treo chuông”?
Từ tháng 11/2007, khoảng 7.000 lít dầu chứa hóa chất PCB (hóa chất độc chỉ sau dioxin, thành phần trong máy biến thế) vẫn lưu tại cảng Cái Lân, cạnh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và buộc tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên. Tuy nhiên, “không thể” là câu trả lời từ phía công ty này.
Theo ông Nguyễn Danh Sơn, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát của Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, gần 7 năm qua, máy biến thế hàng chục tấn chứa dầu nhiễm PCB chỉ được phủ bạt ở trên. Qua thời gian máy đã bị gỉ sét. Mỗi mùa mưa bão, nước mưa lẫn vào dầu biến thế, tình trạng rò rỉ dầu đã xảy ra tại khu vực lưu trữ ở cảng Cái Lân. PCB là hóa chất cực độc, năm 1999, chỉ 25 lít dầu chứa hóa chất này tràn ra môi trường mà nước Bỉ đã phải mất hơn một tỷ USD để xử lý. Các chuyên gia cảnh báo, với số lượng 7.000 lít, nếu số dầu này tràn ra vịnh Hạ Long sẽ là hiểm họa lớn cho di sản thế giới và cuộc sống người dân.
Theo các Hội chuyên ngành, Hoàng thành Thăng Long bị vi phạm nghiêm trọng. Ba Hội: Khoa học Lịch sử Việt Nam, Di sản Văn hóa Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam đồng đứng đơn kiến nghị khẩn cấp liên quan đến việc bảo vệ Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các Bộ, ban ngành khác.
Trong bản kêu cứu, chuyên gia của ba Hội nêu rõ: “Tại khu vực giáp ranh giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, đã xây xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa và một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3 - 4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng nằm sâu vào phần đất của khu di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này đã bị phá hủy nghiêm trọng”. Các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng. Công nhân tự do ra vào khu di sản, quanh các hố khảo cổ không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi va chạm dẫn đến một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch. Rác, vật liệu xây dựng vứt, ném bừa bãi làm hư hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ. Kết luận của các chuyên gia: “Những việc làm trên là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản”.
“Trùng tu” di tích bằng… cuốc, xẻng
Cụm đình Tam Canh nổi tiếng (gồm: đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh) ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Những ngôi đình to lớn, chạm khắc cầu kỳ tinh xảo, chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa của dân tộc hơn 300 năm nay.
Theo thời gian, cả 3 ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng và được Nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Đình Hương Canh, Ngọc Canh đã được tu sửa. Đến lượt đình Tiên Canh (Tiên Hường) đã được quyết định hạ giải để trùng tu. Tuy nhiên, đơn vị thi công thực hiện công việc một cách thô bạo chưa từng thấy trong lịch sử: dùng cuốc, xẻng để hạ giải mái đình.
|
Dùng cuốc xẻng trùng tu di tích |
Xử phạt và “bêu” tên mới đủ sức răn đe
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (nghiên cứu và giảng dạy các lĩnh vực khảo cổ học, văn hóa học và Việt Nam học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng chủ yếu vẫn là tinh thần trách nhiệm và công tác quản lý di tích “đang có vấn đề nghiêm trọng”.
“Người dân chúng ta không còn tự coi trọng giá trị văn hóa nữa. Trước đây, các nhà khoa học khi tới địa phương tìm hiểu sẽ thông qua người phụ trách văn hóa của từng xã, huyện, những người hiểu biết tường tận về địa phương mình. Nhưng bây giờ, các cán bộ trẻ học rất giỏi song lại thiếu niềm đam mê và mơ hồ về văn hóa, lịch sử địa phương mình” - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung buồn rầu nhận định.
Trước tình trạng di sản và di tích bị xâm hại nghiêm trọng, Bộ VH-TT&DL đã có Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các cơ quan nhà nước và UBND các tỉnh/thành phố trên cả nước yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý di tích, để công tác bảo vệ và quản lý di tích được hoàn thiện và đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Theo đó, sự thống nhất đầu mối đơn vị quản lý nhà nước về di tích và sự tham gia chủ trì của chính quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương là rất cần thiết. Công văn cũng yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng di tích đã được xếp hạng mà không rõ tổ chức, cá nhân nào được quyền bảo vệ, chăm sóc.
Thực tế cho thấy, như ở nhiều lĩnh vực khác, sự nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi xâm hại di sản, di tích là rất cần thiết. Ông Lê Anh Tuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH- TT&DL cho rằng, với các hiện tượng xâm hại nghiêm trọng đến di tích văn hóa, cơ quan thanh tra và chính quyền địa phương cần theo dõi và xử phạt nghiêm khắc theo đúng quy định pháp luật. Cùng với việc xử phạt, cũng cần đăng tải danh tính đối tượng vi phạm lên báo để góp phần hạn chế những tiêu cực do cách ứng xử thiếu văn hóa của những đối tượng xâm hại.