Pháp luật nghiêm khắc vẫn chưa đủ

(PLVN) - Tháng Sáu thường được đặt là Tháng Thiếu nhi để hướng sự chú ý của cộng đồng vào sự chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi, dành cho các em một sự quan tâm của toàn xã hội. Ngày đầu tiên của tháng Sáu là Ngày Quốc tế Thiếu nhi, cũng là ngày bắt đầu kỳ nghỉ hè và mở ra những hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi của tuổi thơ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày Thiếu nhi năm nay không như mọi năm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các em vẫn phải tiếp tục đến trường. Thêm nữa, đúng vào ngày đầu tiên của tháng Sáu này đã xảy ra những chuyện đáng phẫn nộ do người lớn gây ra mà nạn nhân trực tiếp là các em thiếu nhi.

Ngày hôm đó, tỉnh Ninh Bình khởi tố vụ án và bị can đối với cô giáo Hiệu trưởng Tiểu học và các đồng phạm khác với hành vi “rút ruột” tiền ăn trưa của các em trong trường. Tiền đó do phụ huynh đóng góp và bữa cơm của các em đã bị các cô giáo của mình hớt đi một phần lớn, bởi hơn 500 triệu đồng các nhà sư phạm rút ra từ đấy đâu phải là một khoản nhỏ của những bữa trưa vốn đã thanh đạm rồi.

Dư luận phẫn nộ và nhiều người không thể hiểu nổi, tại sao cô giáo lại hành xử như vậy dưới cái khẩu hiệu luôn luôn treo trên đầu: “Tất cả vì học sinh thân yêu!”. Cũng vào ngày này, tại Tây Ninh, phát hiện một thầy giáo có hành vi xâm hại nhiều học sinh nam trong lứa tuổi 13, 14.

Như một sự trùng hợp, vào thời điểm này, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một bé gái 12 tuổi, bị người trong nhà trói vào sau xe tải ngoài đường và xúm vào đánh chửi. Người qua đường can thiệp cũng bị chửi bới và hành hung. Bất chấp đạo lý và pháp luật, đó là cách mà người lớn trong gia đình dùng để “giáo dục” và “dạy bảo” con cháu mình ư? Rồi, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em do bố đẻ, mẹ đẻ, ông bà, người thân trong gia đình gây ra, có vụ trẻ em bị tra tấn dã man.

Tình trạng xâm hại thân thể, tinh thần, tình cảm và tình dục trẻ em đã đến mức báo động. Kỳ họp của Quốc hội lần này cũng đặt vấn đề đó lên bàn nghị sự. Bên ngoài, một cuộc hội thảo lớn về tình trạng này cũng được tiến hành nhằm đánh giá thực trạng và tìm kiếm các phương thức hữu hiệu, kịp thời để bảo vệ thiếu nhi.

Cùng thời điểm, phiên tòa vụ bà nội đẩy cháu xuống nước cho đến chết đã đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, vụ án giết người này đã mở ra phiên tòa lương tâm từ trước khi xét xử trong dư luận xã hội lâu rồi.

Việc hành xử trái đạo lý, vi phạm pháp luật đối với trẻ em – đối tượng cần và phải được nâng niu, chăm sóc không còn là hiện tượng lẻ tẻ, cá biệt nữa mà nó đã khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với những đối tượng gây ra chuyện này là cần thiết nhưng chưa đủ. Quan trọng nhất là tạo ra được môi trường xã hội để các hành vi ứng xử này không có chỗ để mà thực hiện.