Người luật sư này không nản, nhiều lần vào gặp bị cáo trong trại tạm giam, quan tâm đến đời sống tinh thần của cô hơn là sự phạm tội. Dần dần, cô nhận thức ra việc chối tội, bất hợp tác là sai lầm. Bị cáo này từng có tiền án về buôn bán ma túy, ra tù cô tái phạm và nghĩ rằng tội tàng trữ sẽ được giảm nhẹ hình phạt hơn.
Luật sư đã cảm hóa được bị cáo, người phụ nữ này nhận tội và nhận một bản án tù 2,5 năm, có cơ hội để sớm trở lại đời thường, chăm sóc con cái và hoàn lương, phục thiện. Cô cảm ơn luật sư bằng một bông hoa tự tết trong tù.
Cách ứng xử đầy tình người của vị luật sư kia hẳn sẽ là những tiền đề quan trọng để cô yên tâm cải tạo, tự giác chuộc lỗi lầm và trở lại làm người có ích và đặc biệt sẽ không tái phạm nữa. Cái mệnh đề “pháp luật không chỉ là sự trừng phạt mà còn là sự cứu rỗi” thể hiện rõ nét trong trường hợp này.
Một vụ án lừa đảo vừa được đưa ra xét xử tại Hà Nội mới đây đã gây nên sự phẫn nộ của dư luận xã hội đối với bị cáo. Một cô gái giả danh là cán bộ ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao đã lừa một bà già, vốn là giáo viên của cả hai mẹ con cô.
Bà bán nhà được 3,4 tỷ cùng với số tiền tiết kiệm của cả đời dạy học của hai vợ chồng 100 triệu đưa tất cho cô học trò mà mình từng yêu quý, chăm sóc và dạy dỗ ngày xưa. Mặc dù bị lừa đảo trắng trợn và trước nguy cơ mất trắng cả số tiền lớn, bà vẫn một mực xin giảm nhẹ án cho cô học trò – bị cáo này.
Ngược lại với tình cảm và sự vị tha vô cùng lớn của bà giáo già, cô gái tỏ ra dửng dưng, bất cần, không tỏ một thái độ gì là ăn năn, hối hận mà ngược lại, rất lạnh nhạt, không thèm nhìn người đã từng là ân nhân và đến bây giờ vẫn động lòng trắc ẩn.
Trong những thời điểm nhất định, đạo lý song hành cùng pháp luật làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn và từ đó mà nhân văn tỏa sáng. Thái độ ứng xử của bà giáo già khiến mọi người cảm phục, cho dù sự bao dung, tử tế của bà đối với cô học trò cũ là vô ích nhưng mang lại cho bao người sự xúc động và lan tỏa một tinh thần nhân văn cao thượng. Thật đáng trân trọng lắm thay!