Chồng chửi vợ, ai là người đi nộp phạt?. Ảnh mang minh họa từ Internet. |
Đây là quy định thuộc Nghị định 167/2013/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" mà Chính phủ mới ban hành.
Xét về lý thuyết thì Nghị định được coi là “ánh sáng cuối đường hầm” cho những người vợ hay người chồng thường bị bạo hành tinh thần bằng hình thức mắng chửi lăng mạ, xúc phạm. Quy định này mang ý nghĩa nhắc nhở răn đe, đánh vào ý thức, kinh tế của người vi phạm nhằm giảm bớt sự nóng nảy, “ăn nói mất khôn” của vợ chồng trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về tính thực thi của nó.
Anh Vũ Huy Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) nói vui: “Tiền tháng nào vợ cũng ôm nguyên thẻ ATM, giờ mà nhỡ mắng vợ thì cứ tự rút tiền trong thẻ ra đi nộp thôi. Chắc chả mấy bà vợ lại “hào phóng” thế”.
Chị Minh Loan (nhân viên công ty truyền thông) mếu máo: “Vợ chồng tôi khắc khẩu, đều nóng tính. Nếu phạt kiểu này chắc lương không đủ nộp. Từ bây giờ hai vợ chồng chắc phải đóng cửa cãi nhau kín đáo rồi bàn bạc giảm mức phạt, cho xử lý nội bộ còn tiền thì đút lợn tiết kiệm mua sữa cho con. Tóm lại dại gì hở ra chỉ thiệt con mình thôi”.
Cùng câu hỏi về quy định xử phạt với hành vi lăng mạ, xúc phạm vợ phải nộp 1 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hoa (chủ hàng tạp hóa tại chợ Linh Lang, Hà Nội) giãy nảy: “Chả nhẽ vợ đi tố cáo chồng để mất tiền?. Tôi mà tố cáo chồng về càng bị ăn chửi, không cẩn thận chồng còn đánh cho. Chả hiểu luật lệ kiểu gì mà buồn cười thế!”.
Còn anh Nguyễn Duy Long (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ một câu chuyện thực tế rất đáng suy nghĩ. Hàng xóm nhà anh có một cụ bà rất hay để ý, moi móc chuyện nhà người khác và còn không ưa vợ chồng anh vì vợ anh bức xúc từng nói thẳng với bà về thói xấu này. “Nếu bà hàng xóm biết nghị định này chắc suốt ngày để ý, bới móc chuyện nhà tôi, vợ chồng nhỡ mồm cãi vãi chắc lại đi tố cáo. Kiểu này một là chuyển nhà hai là bán nhà mà nộp phạt”.
Như anh Long nói thì đúng là sẽ có nhiều tình huống dở khóc dở cười quanh quy định này. Giả sử hai vợ chồng nói đùa nhau mà hàng xóm đi tố cáo bắt nộp phạt thì lấy ai làm chứng là đang đùa hay thật?. Rồi chuyện hàng xóm "hứng" lên đặt điều tố cáo vì ganh ghét nhau thì tính thế nào?...
Nhiều ý kiến còn ví von quy định này chẳng khác gì quy định xử phạt tiền người hút thuốc lá nơi công cộng. Quy định có cho vui chứ giờ người người hút thuốc lá ở nhà ga bến tàu, công sở mà có thấy ai bị phạt hay tự nguyện đi nộp phạt?.