Phát triển du lịch tâm linh: Còn 'lỗ hổng' pháp lý?

(PLVN) - Thời gian gần đây, các khu du lịch tâm linh đang là chủ đề nóng trên phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội và cả ở diễn đàn Quốc hội. Các vấn đề nan giải được đặt ra như: Có cần xây dựng các khu du lịch tâm linh không? Xây dựng theo mô hình nào cho phù hợp với tôn giáo mà vẫn tôn trọng tín ngưỡng, tâm linh của người Việt? Đồng thời, cần “mở” hành lang pháp lý đến mức nào?
Công trình không phép xuyên lõi di sản Tràng An từng bị dư luận lên án.
Công trình không phép xuyên lõi di sản Tràng An từng bị dư luận lên án.

Nhập nhằng khu tâm linh, khu du lịch

Việt Nam có hàng chục nghìn địa điểm tâm linh nổi tiếng như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế), Tam Chúc (Hà Nam)… Trong đó, có khoảng 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia.

Các khu di tích, thắng cảnh tập trung chủ yếu là đền đài, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, khu tưởng niệm, đi kèm là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, lễ bái, cầu xin điều tốt lành…

Khái niệm “du lịch tâm linh” đã có từ lâu trên thế giới, nhưng mới được biết đến ở nước ta trong hơn chục năm gần đây.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình vào tháng 11/2013 theo sáng kiến của ông Taleb Rifai – nguyên Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Theo UNWTO, Việt Nam có thế mạnh về du lịch tâm linh.

Bởi lẽ, đối với những cư dân vùng Á đông nói chung, trong đó ở Việt Nam, văn hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.

Du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn, rũ bỏ ưu phiền, khổ đau để có một tâm hồn tự do và hạnh phúc. 

Kho tàng văn hoá, tín ngưỡng phong phú của người Việt đã tạo nên bản sắc dân tộc, là đề tài vô tận để phát triển ngành du lịch. Song, đây cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, bị lợi dụng vào các mục đích xấu.

Dẫn ra một câu hỏi chất vấn “nóng” của đại biểu Phạm Văn Hoà đặt ra trước toàn thể Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 vừa qua: “Việt Nam có nên quy hoạch cả ngàn héc ta cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hay không? Trên thế giới có nước nào dành cả ngàn héc ta để làm khu du lịch tâm linh như nước ta không?”.

Khách quan mà nói, rất khó có thể đưa ra câu trả lời xác đáng cho câu hỏi này. Bởi lẽ, theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), khái niệm “du lịch tâm linh” chưa được thừa nhận. Song những hoạt động du lịch kết hợp tâm linh vẫn diễn ra thường xuyên.

Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ VH-TT&DL là cơ quan quản lý về văn hóa, còn vấn đề quản lý về tôn giáo, đền chùa lại thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Có thể thấy, những bất cập này đã dẫn tới sự nhập nhằng giữa các dự án tâm linh và dự án du lịch trên thực tế. 

Mặt khác, các khu du lịch kết hợp tâm linh có quy mô rất lớn, thu hút đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như khu du lịch tâm linh Bái Đính - Tràng An (Hà Nam) có quy mô 1.700ha, Tam Chúc (Hà Nam) là 4.000ha và có thể lên tới 5.000ha.

Báo chí cũng từng đưa tin, khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hà Nội) được chấp nhận đầu tư sẽ được đầu tư 15.000 tỷ đồng. Chưa kể đến việc đầu tư cho du lịch kết hợp tâm linh đã và đang trở thành xu hướng lan rộng khắp cả nước.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, khu du lịch tâm linh được hiểu là một quần thể có chức năng hỗn hợp, đáp ứng cùng lúc cả hai mục tiêu vừa là nơi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh; vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch. Khu du lịch tâm linh phải đạt hai tiêu chí là vừa có cơ sở vật chất, con người phục vụ tâm linh; vừa có hiện vật, công trình, cảnh quan, con người phục vụ tham quan, du lịch.

Với những đặc điểm ấy, có thể nói, trên thực tế các khu du lịch tâm linh đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu, dù không với tên gọi “khu du lịch tâm linh” và mục đích ban đầu đặt ra có thể chỉ làm nơi thực hành tôn giáo, chứ chưa phải để tham quan, du lịch. Các khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) và Hương Sơn (Hà Nội) là những ví dụ điển hình. 

Cần hoàn thiện cơ chế quản lý

Chỉ nhìn từ góc độ “tiền công đức” cho chùa cũng thấy bao nhiêu bất cập. Hàng năm, có khoảng 8.000 lễ hội diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đều có thể được khai thác cho mục đích lễ hội. 

Từng có số liệu thống kê được công bố sau một mùa lễ hội gây xôn xao dư luận. Chỉ riêng số “tiền lẻ” mà khách thập phương để lại ở chùa Hương đem gửi ở chi nhánh ngân hàng huyện Mỹ Đức đã lên tới 1.200 bao tải, với tổng trị giá khoảng 22 tỷ đồng tiền công đức. Ở Yên Tử, có năm thu tới 31 tỷ đồng trong một mùa lễ hội.

Như vậy, nếu trong một năm, những khu tâm linh nổi tiếng ở Việt Nam dự kiến có thể đạt doanh thu tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Một vài con số như thế mới phần nào cho thấy kinh doanh từ du lịch kết hợp tâm linh có thể mang đến lợi ích kinh tế đáng kể. 

Quần thể danh thắng Hương Sơn.
 Quần thể danh thắng Hương Sơn.

Tuy nhiên, theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trước Quốc hội vừa qua, đã chỉ ra “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật là về quản lý tiền công đức, hiện chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu, chi thế nào mà chỉ có quy định tiền, tài sản công đức cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai. 

Thiết nghĩ, hiện tượng trên cũng mới được nhìn từ một góc độ nhỏ trong lĩnh vực du lịch kết hợp tâm linh hiện nay. Chưa kể tới các góc độ khác như tiền mua vé vào tham quan, phí trông giữ xe cộ, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm…

Từ đó cho thấy, hình thức du lịch này không chỉ nằm trong giới hạn của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, hay giáo điều, giáo luật mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh pháp lý khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán, Luật Phí và Lệ phí… 

Tuy nhiên, pháp luật quản lý vấn đề này vẫn chưa theo kịp với diễn biến trên thực tế. Trong khi đó, các hoạt động du lịch kết hợp tâm linh vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, từ quy mô nhỏ, vừa đến quy mô lớn và rất lớn.

Tóm lại, tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận không nhỏ nhân dân; sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện. Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. 

Cũng không thể phủ nhận, kết hợp yếu tố tâm linh trong các hoạt động du lịch đã và đang trở thành động lực thu hút khách trong, ngoài nước, tạo sự đa dạng cho ngành Du lịch Việt Nam, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Song không ít đối tượng lợi dụng chủ trương phát triển du lịch, biến tướng tinh thần tôn trọng tự do tín ngưỡng của pháp luật để trục lợi. 

Không được phép lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 

“Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hoá, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh.

Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi. Xử lý vấn đề này không chỉ bằng pháp luật, quy định mà còn phải tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo”.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: 

“Hiện có nhiều quy định của pháp luật liên quan như Luật Tôn giáo tín ngưỡng, Luật Di sản văn hóa, Nghị định 159… nhưng rà soát lại thì không có văn bản nào điều chỉnh riêng về vấn đề này (mê tín dị đoan – PV). Tôi đang suy nghĩ xem về quản lý nhà nước có văn bản nào thống nhất để xử lý mê tín dị đoan không”.

Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn (Nam Định): 

“Sự nhầm lẫn giữa mê tín dị đoan với tâm linh, tín ngưỡng đang là mảnh đất tốt để hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh, tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại của chính quyền, của các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống mê tín dị đoan”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam: 

“Làm tốt du lịch thì chúng ta vừa thu được khách, thu được tiền, đồng thời có điều kiện để làm văn hóa. Nếu không làm tốt thì chính du lịch tiêu diệt văn hóa”.

Luật sư Trịnh Khánh Toàn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: 

“Những vi phạm về mê tín dị đoan pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính và cao hơn là xử lý hình sự, ví dụ như tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, phạt tù tới 10 năm.

Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Nếu là đảng viên thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng.

Nếu gây thiệt hại cho người khác còn phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bằng con đường thương lượng, hòa giải hoặc tố tụng”.

Đ.Trang (tổng hợp)

Đọc thêm