Công văn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 nên đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.
Bảo đảm cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về trẻ em và nhân lực thực hiện công tác trẻ em tại địa phương. Ưu tiên bố trí công việc hợp lý, có chính sách hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cộng đồng dân cư để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Bảo đảm có đội ngũ làm công tác xã hội bảo vệ trẻ em trong đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo trợ xã hội công lập. Nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp.
Công văn cũng yêu cầu các địa phương bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em của địa phương. Ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.