Trong số những vấn đề lớn của Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng qua (12/8), ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết, Đại biểu Quốc hội nhất trí về chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) nhưng còn có những ý kiến khác nhau về cách thức thực hiện, chế độ quản lý sao cho thực chất, hiệu quả, bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi hay hiện tượng bao cấp nhà ở tràn lan, mà vẫn khuyến khích được các DN sản xuất kinh doanh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở để cho công nhân thuê.
Không nên ưu đãi quá sâu
“NƠXH vẫn bán với giá thị trường chứ không theo giá chính sách nên người mua nhà vẫn cần mấy chục năm mới trả hết tiền - theo ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc -như vậy là không phải giá nhà cho hộ nghèo nên người hưởng lợi từ chính sách khuyến khích NƠXH hiện đang là nhà đầu tư chứ không phải đối tượng được thực sự cần hưởng lợi từ chính sách này là người dân”.
Thực tế, phát triển loại hình NƠXH không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm nên tính “hấp dẫn” đầu tư không bằng các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển NƠXH là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế “rót” vào các dự án này.
Trước thực tế nhiều dự án NƠXH đã được triển khai rồi “đắp chiếu” trong khi những người có nhu cầu thực sự vẫn đang phải “mơ ước một căn hộ”, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - đề nghị “qui định chặt để mua nhà là để ở chứ không thể đầu cơ”.
Đồng tình, ông Phan Trung Lý đề nghị quy định lại về điều kiện thu nhập để có thể được hưởng chính sách NƠXH, theo đó, NƠXH nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở, nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở theo cơ chế thị trường.
Hết thời tranh chấp diện tích sở hữu chung
Đó là một trong những vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Hiện nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô trong nhà chung cư vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng, phát sinh tranh cãi về mức giá trông giữ xe ô tô, gây mất ổn định trật tự xã hội. Nguyên nhân là tại Khoản 3 Điều 70 Luật Nhà ở hiện hành đã quy định rõ nơi để xe là thuộc sở hữu chung; tuy nhiên, khi hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2005 thì tại Khoản 2 Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã chia nơi để xe thành 2 loại: “Nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định”.
Giải quyết mâu thuẫn này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội - đưa ra phương án, diện tích sở hữu chung chung cư là mọi diện tích tính vào giá bán căn hộ, nếu chủ đầu tư muốn giữ lại diện tích riêng trong chung cư (như diện tích tầng hầm để làm nơi giữ xe) thì không được tính vào giá bán căn hộ.
Còn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cần có qui định “bắt buộc phải sử dụng diện tích chung cho lợi ích chung của các hộ dân trong chung cư”, để không còn chuyện “khi rao bán thì đưa ra các phương án “hoành tráng” sử dụng diện tích chung, nhưng khi bán hết căn hộ thì Ban quản lý lại sử dụng diện tích chung để kinh doanh chứ không đưa vào phục vụ nhu cầu chung của các hộ dân.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: “Cần kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành và khẳng định rõ là nơi để xe trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung để thực hiện thống nhất trên toàn bộ các nhà chung cư và hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian tới”.