Phát triển thành phố Cao Lãnh xứng tầm “Thủ phủ Đất Sen hồng”

(PLVN) - Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã không ngừng nỗ lực, tận dụng và khai thác các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh để phát triển địa phương, thay đổi diện mạo xã hội, cải thiện đời sống người dân...
Buổi làm việc giữa Bí thư thành ủy Cao Lãnh gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Để hiểu rõ hơn về định hướng phát triển của TP Cao Lãnh, Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Phan Văn Thương - Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết thời gian qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Cao Lãnh đã có những bước tiến triển, đột phá như thế nào?

Ông Phan Văn Thương: Trong thời gian qua, dịch COVID-19 tác động nhiều mặt đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, kinh tế thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Thành phố đã thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế”, từng bước hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho người dân ổn định cuộc sống.

Kết quả, năm 2021 thành phố đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; hạ tầng đô thị thường xuyên được nâng cấp và chỉnh trang; cảnh quan đô thị, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 98,7% doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Nông thôn mới nâng cao năm 2021 cho hai xã Tân Thuận Tây và Tịnh Thới.

Ông Phan Văn Thương - Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

PV: Những lĩnh vực nào được xem là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của TP Cao Lãnh?

Ông Phan Văn Thương: Một trong những nhiệm vụ đột phá được xác định trong nhiệm kỳ này của thành phố Cao Lãnh là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hài hòa theo quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt; huy động nội lực kết hợp tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển không gian đô thị.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các phường nội ô, mở rộng không gian đô thị để kết nối khu vực nội ô và các khu vực ngoại ô có tiềm năng.

Đồng thời, đầu tư hạ tầng xã hội đô thị, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp khách sạn trung tâm hội nghị thương mại, nâng cấp mở rộng chợ Cao Lãnh và các chợ do thành phố quản lý. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư một số công trình thương mại với kiến trúc cảnh quan hiện đại, tạo điểm nhấn, đồng thời, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Do đó, có thể nói phát triển đô thị là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cao Lãnh.

Phát triển TP Cao Lãnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông của tỉnh Đồng Tháp.

PV: Mục tiêu phát triển TP Cao Lãnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông của tỉnh. Xin ông cho biết Đảng bộ và nhân dân TP Cao Lãnh sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Ông Phan Văn Thương: Để thực hiện mục tiêu này, không cách nào khác ngoài sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò tiên quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức từng cấp, từng ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công chức, viên chức năng động, chuyên nghiệp, trách nhiệm, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính là yêu cầu quan trọng để đạt mục tiêu xây dựng thành phố Cao Lãnh thật sự là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh.

Toàn cảnh TP Cao Lãnh nhìn từ trên cao.

PV: Ngoài nguồn lực hiện có của địa phương thì thành phố có những cơ chế, chính sách và đãi ngộ nào để thu hút nguồn đầu tư?

Ông Phan Văn Thương: Xây dựng thành phố phát triển không thể chỉ dựa vào nội lực, mà rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong các nguồn lực đó thì nguồn lực bên ngoài có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong những năm qua, thành phố Cao Lãnh đã vận dụng, áp dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh để kêu gọi đầu tư vào phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực... để làm đòn bẫy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

PV: Để thực hiện được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì không thể thiếu nguồn lực quan trọng đó là người dân và doanh nghiệp. Vậy ông có những lời nhắn nhủ gì với họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung này không, thưa ông?

Ông Phan Văn Thương: Chúng ta đang ở trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng hành của Đảng bộ, Chính quyền thành phố, tôi tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, quan tâm tìm hiểu các dự án và nghiên cứu đầu tư ở các lĩnh vực trên địa bàn thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm