Phía sau câu nói “mát” của mẹ chồng

(PLVN) - Chị Hạnh rất khổ tâm khi bị chính mẹ chồng nói mát là “không dạy được chồng” mỗi khi anh Phúc, con trai bà, chồng chị giở chứng hành hạ vợ con.
Bị trêu đùa hay xúc phạm anh chịu đựng nhưng lại về trút giận lên vợ. Ảnh minh họa.
Bị trêu đùa hay xúc phạm anh chịu đựng nhưng lại về trút giận lên vợ. Ảnh minh họa.

Chị Hạnh là Phó giáo sư, tiến sỹ, chủ nhiệm khoa của một trường đại học, còn chồng chị chỉ là một giảng viên thường cũng tại trường đó. Xuất phát điểm của họ như nhau, cùng tốt nghiệp, ra trường và công tác cùng một môi trường nhưng chị “bứt phá vượt lên”, còn anh “giậm chân tại chỗ”.

Phải chăng vì mặc cảm với địa vị xã hội kém cỏi hơn vợ nên anh Phúc có những cư xử “rất trẻ con” như giận dỗi, cáu kỉnh, hờn mát, ghen tuông,... và mỗi lần lên cơn lại bỏ nhà đi chơi, uống rượu say khướt, thậm chí bỏ cả lên lớp, chị phải đi tìm, van xin đủ thứ anh mới chịu về, kênh kiệu và khiên cưỡng.

Anh có vẻ ngoài hiền lành, hòa nhã, nhường nhịn trước mọi người và đồng nghiệp. Bởi thế, mọi người quý mến anh và ai cũng cho rằng anh có cách cư xử trái tính, trái nết đó là do chị vợ trịch thượng, coi thường chồng.

Khi còn trong giai đoạn yêu đương, chưa cưới, chị Hạnh đã thấy tính cách này của anh, đó là trước mọi người luôn nhún nhường, chịu đựng, kể cả có ai đó trêu đùa hoặc xúc phạm thì anh vẫn không hề phản ứng gì. Chị cho là tính tốt, rộng lượng và bao dung.

Sống với nhau rồi, chị mới biết là anh chịu đựng những cái gây tổn thương cho anh nhưng anh nén trong lòng và trút giận lên nhưng người khác, đối tượng cụ thể khi chưa có vợ thì là mẹ và có vợ rồi thì là vợ.

Tính cách của anh khiến chị nghĩ đến trạng thái tâm lý của đàn ông qua câu chuyện dân gian truyền khẩu rằng có vợ chồng anh nông dân nọ lên tỉnh chơi, cô vợ bị anh lính lệ quèn chọc ghẹo, anh chồng không dám nói gì, còn cười nịnh vẻ đồng lõa với kẻ xúc phạm vợ mình, về đến nhà mới lôi vợ vào bếp đánh chửi thậm tệ.

Phải chăng đây là tâm lý cố hữu của những người đàn ông yếm thế với thời cuộc, bất lực trước xã hội và chỉ biết trút giận, “trả đũa” lên những người thân yêu – những người mà không bao giờ dám chống lại mình?

Một lần, quá mức chịu đựng với lối cư xử quá ư trẻ con của anh, chị bảo: “Anh có thể thay đổi để xứng mặt một thằng đàn ông được không?”. Chỉ thế thôi mà anh vin vào cái từ “thằng” mà chị ám chỉ anh để mắng nhiếc chị là kẻ vô học, vừa khóc vừa bỏ về nhà mẹ.

Khi anh đã nguôi ngoai, chị đến đón anh, bà mẹ chồng lại nói mát với chị: “Vẫn không dạy được chồng sao?”. Đến bây giờ chị mới thật hiểu ý nghĩa của câu nói đó của bà. Đó là một sự thực lòng, không hề châm biếm, là biểu hiện của người cùng cảnh, cảm thông bởi bà từng bất lực trước con mình và thực sự mong vợ nó “dạy” được nó.

Và chị cũng nhận ra rằng, thật khó thay đổi được cái trạng thái tâm lý xã hội của một số đàn ông là chỉ “mạnh bạo xó bếp” mà thôi! Trạng thái này cũng như tâm lý đám đông, không chỉ thuộc về một con người cụ thể mà cần đến sự thay đổi nhận thức của cả xã hội.

Đọc thêm