Phía sau suy nghĩ 'Tôi muốn bỏ cuộc' của những y, bác sỹ điều trị F0 tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công việc quá tải, F0 ngày một tăng, nhân viên y tế thiếu người trầm trọng, đã có lúc vì quá mệt mỏi mà bác sỹ, điều dưỡng đang điều trị F0 tại phường Ô Chợ Dừa muốn buông xuôi. Tuy nhiên, cuối cùng, họ vẫn tiếp tục nhiệm vụ, vì cuộc chiến này còn rất dài và hơn hết, người bệnh cần họ. 
Nhiều khi mệt mỏi quá, những y bác sỹ này đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Nhiều khi mệt mỏi quá, những y bác sỹ này đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Tôi đã muốn bỏ cuộc...

Bác sỹ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội tới một gia đình có 12 F0, trong một ngày Hà Nội lạnh đến thấu xương. Đôi mắt thâm quầng, chị kể: "Sáng sớm nay nghe tin bệnh nhân trong nhà nhiễm COVID-19 với nồng độ oxy trong máu thấp, tôi vội vã di chuyển đến luôn".

Nhân viên y tế đến khử khuẩn gia đình có 12 F0

Nhân viên y tế đến khử khuẩn gia đình có 12 F0

Dáng vốn nhỏ nhắn, dịch bệnh hoành hành, áp lực công việc khiến bác sĩ Hà càng gầy gò hơn. Ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối muộn mới về, cơm ăn không đúng bữa... là "cảnh ngộ" chung của các y, bác sĩ Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa nhiều tháng nay.

1h sáng Trạm Y tế vẫn phải nhận điện thoại của bệnh nhân. "Trừ F0 trong đêm họ khai báo, hoặc F0 diễn biến là việc cần thiết, những câu chuyện khác không thực sự cần thiết có người vẫn gọi nên hầu như chúng tôi không có thời gian hồi phục sức khỏe. Trong đêm thường cũng có nhiều bệnh nhân diễn biến xấu cần được giúp đỡ", bác sĩ Hà cho biết.

Bác sỹ Hà chăm sóc, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà

Bác sỹ Hà chăm sóc, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà

Bác sĩ Hà chia sẻ: "Y tế phường chúng tôi chỉ có 8 người nhưng là phục vụ y tế cho hơn 4.000 người trên địa bàn phường. Tôi mong người dân thông cảm và bình tĩnh nếu chúng tôi có chậm trễ một chút.

Người dân cũng cần tự chủ động tìm hiểu, những thông tin các điều trị, xét nghiệm... được tuyên truyền trên các báo điện tử. Như vậy, mọi người sẽ hỗ trợ cho y bác sĩ rất nhiều trong việc theo dõi tại nhà".

Đưa bệnh nhân diễn biến nặng đến bệnh viện

Đưa bệnh nhân diễn biến nặng đến bệnh viện

Bác sĩ Hà bộc bạch thêm: "Đã có lúc tôi mệt quá mà muốn bỏ cuộc. Nhưng tình cảm gia đình, đồng nghiệp đã không cho phép tôi làm điều đó. Cách đây 2 tháng lúc dịch bệnh ở gia đoạn đình điểm, có trường hợp tử vong tại nhà đầu tiên, tôi bị choáng và mất cân bằng. Ông bà động viên tôi đúng một câu mà tôi như được 'tiêm thêm liều động lực mạnh': 'Xã hội đang cần mình, cố lên con'.

Trưởng trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa đồng thời nhắn nhủ: "Chúng tôi, những y bác sĩ đang ngày đêm làm việc chỉ vì một điều duy nhất sức khỏe của người dân. Vậy nên, mong mọi người hãy chủ động bổ sung dinh dưỡng, vitamin, luyện tập thể thao hàng ngày, không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan trước dịch bệnh".

... nhưng tôi vẫn ở đây

Trạm Y tế lưu động số 86 Hào Nam có 5 cán bộ, nhân viên, tính cả một bác sĩ đã nghỉ hưu. Chuông điện thoại của trạm liên tục vang lên, đầu dây bên kia đều là những bệnh nhân F0 cần được tư vấn điều trị.

Nhân viên Trạm Y tế lưu động số 86 Hào Nam tất bật với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Nhân viên Trạm Y tế lưu động số 86 Hào Nam tất bật với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Khó khăn lắm, chị Trần Thị Lan Hương, Điều dưỡng và phụ trách Trạm Y tế lưu động mới dành vài phút để chia sẻ về công việc của mình: "Thời gian làm việc của các nhân viên y tế tại Trạm là 24/24h, không có thời gian nghỉ. Trong những ngày đầu mọi người cũng bỡ ngỡ vì đây là việc chưa bao giờ làm và cũng không có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, vì người dân, tôi và các nhân viên y tế tại Trạm đã nhanh chóng nắm bắt, sắp xếp công việc một cách hợp lý. Chúng tôi nỗ lực với mong muốn người bệnh cảm nhận được họ luôn được quan tâm, chăm sóc, giúp họ bình tĩnh hơn trong cuộc chiến với COVID-19 của chính mình".

Hằng ngày, các chị gọi điện hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà qua điện thoại. Cuộc gọi đầu tiên, khi bệnh nhân chính thức đủ điều kiện điều trị tại nhà, các chị tư vấn cho bệnh nhân về quy trình theo dõi sức khỏe tại nhà, các bước thực hiện, triệu chứng như thế nào là cảnh báo và khi nào bệnh nhân cần liên hệ nhân viên y tế. Sau đó, các chị tư vấn kỹ cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc.

"Ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi, chúng tôi vẫn gọi điện hỗ trợ, hỏi han tình hình, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần và theo dõi các triệu chứng sau COVID của họ", điều dưỡng Hương nói.

Chị Hương cho biết thêm: "Một trạm y tế chỉ được trang bị một máy bàn, mà máy điện thoại này cả ngày liên tục tiếp nhận điện thoại. Do vậy nhiều bệnh nhân bức xúc vì gọi mãi y tế mà không được. Chúng tôi đã nhanh chóng lập nhiều kênh thông tin khác để tiếp nhận bệnh nhân mới. Cụ thể, chúng tôi còn tiếp nhận thông tin qua bác tổ trưởng dân phố, qua các đồng chí cảnh sát khu vực, và qua số điện thoại cá nhân của cán bộ y tế trên địa bàn".

"Không chỉ tác động từ bệnh nhân, mà chính áp lực công việc hàng ngày đã khiến chúng tôi hụt hơi, nhưng tất cả đều phải tự động viên mình để vượt qua cảm giác mệt mỏi, không nản chí", Điều dưỡng và phụ trách Trạm Y tế lưu động Trần Thị Lan Hương nói.

"Không chỉ tác động từ bệnh nhân, mà chính áp lực công việc hàng ngày đã khiến chúng tôi hụt hơi, nhưng tất cả đều phải tự động viên mình để vượt qua cảm giác mệt mỏi, không nản chí", Điều dưỡng và phụ trách Trạm Y tế lưu động Trần Thị Lan Hương nói.

"Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng gặp khó khăn bởi F0 ghi nhận mỗi ngày có chiều hướng tăng lên, nguồn nhân lực như hiện tại đang quá tải. Có lúc tôi muốn dừng lại khi bệnh nhân liên tục thúc giục, nói rằng y tế không quan tâm họ. Tuy nhiên, địa phương luôn hỗ trợ, lãnh đạo cũng cố gắng bố trí nguồn nhân lực viện trợ. Hơn nữa, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của Đoàn thanh niên. Tôi trân trọng và coi đó là nguồn động viên to lớn để hoàn thành nhiệm vụ", điều dưỡng Hương xúc động. "Bỏ lại đằng sau tất cả những tiêu cực, điều quan trong nhất vẫn là sức khỏe của người dân. Vậy nên chúng tôi vẫn luôn ở đây, giúp đỡ, lắng nghe khi bệnh nhân cần".

Ông Nguyễn Đức Thịnh, tổ trưởng tổ dân phố 35 phường Ô Chợ Dừa nói rằng, không một ai kì thị bệnh nhân F0, mọi người đều thương và đồng cảm với họ.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, tổ trưởng tổ dân phố 35 phường Ô Chợ Dừa nói rằng, không một ai kì thị bệnh nhân F0, mọi người đều thương và đồng cảm với họ.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, tổ trưởng tổ dân phố 35 phường Ô Chợ Dừa đồng cảm với cán bộ, nhân viên Trạm Y tế.

Bản thân ông Thịnh cũng gần như không có ngày nghỉ từ khi dịch bệnh tái bùng phát đến nay. Ông được giao nhiệm vụ phòng chống dịch, đi từng nhà giúp đỡ, nhắc nhở người dân. Khi biết tin có bệnh nhân F0, ông sẽ hỗ trợ đồ dùng cá nhân, đồ ăn hàng ngày nếu họ không có người thân chăm sóc.

"Hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, tôi cũng lo, nhưng trách nhiệm vẫn phải hi sinh và vì mình là một công dân. Hơn nữa làng xóm láng giềng sống với nhau đã lâu, tôi giúp đỡ mọi người như người thân trong gia đình. Tôi thấu hiểu và chia sẻ với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở cơ sở. Họ đã vượt qua chính họ, khác phục rất nhiều khó khăn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân", ông Thịnh nói.

"Ngày có kết quả xét nghiệm dương tính, tôi đã chủ động cách ly với mọi người xung quanh và gọi điện đế Trạm y tế. Nhân viên y tế ngày nào cũng hỏi thăm, gửi hướng dẫn, đơn khai báo và hướng dẫn thủ tục. Tôi nhớ nhất cái hôm tôi bị mất khứu giác và khó thở, tôi cũng hiểu họ nhiều công việc nên cũng chủ động tìm hiểu và xông luôn, vì vậy bệnh cũng đỡ và tôi cũng bình tĩnh lại, mặc dù Trạm y tế cũng gọi hỏi cần hỗ trợ hay không, tôi biết mọi người nhiều việc nên cũng không đòi hỏi nhiều. Là một người đã trải qua và khỏi bệnh, tôi khuyên mọi người cần chủ động với sức khỏe của mình, những thông tin về COVID-19 được Bộ Y tế và báo chí cập nhật rất nhiều trên mạng xã hội, hơn nữa người dân đều đã được tiêm 2 mũi vaccine rồi nên bệnh sẽ tiến triển nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Đừng lo lắng và hãy để cho các y bác sĩ của chúng ta được nghỉ ngơi, thời gian qua họ đã quá vất vả rồi", chị Trần Thị Quỳnh Anh, một bệnh nhân F0 ở phường Ô Chợ Dừa nhắn nhủ.

Đọc thêm