Trong suốt hàng trăm năm, vẻ đẹp độc đáo của các bức tượng cổ như “Bồ tát thượng kỳ thú”, bức tượng Ông Lo Đời... vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.
Ngôi chùa cổ 140 năm tuổi của một điền chủ
Chùa Phước Lâm được xây dựng vào năm 1880 do một lương y kiêm điền chủ ở làng Tân Lân tên ông Bùi Văn Minh đã đứng ra xây dựng vừa thời Phật vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Chùa được xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình ông Minh.
Theo gia phả của họ Bùi, năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, phong trào võ trang kháng Pháp ở Nam bộ bùng lên mạnh mẽ, tuy nhiên, các phong trào yêu nước đều bị thực dân Pháp đàn áp. Chứng kiến đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, nhân dân lâm cảnh lầm than, thất vọng với thời thế, ông Minh đã biến nhà thành chùa, lấy tên là Phước Lâm tự, vừa thờ Phật, vừa làm từ đường cho dòng họ Bùi. Do tôn kính ông nên người dân trong vùng kiêng húy gọi ông là Thầy Miêng và ngôi chùa do ông lập ra ngoài tên Phước Lâm tự còn có tên là chùa Thầy Miêng.
Về sau, khi già yếu, ông Bùi Văn Minh mời Hòa thượng Thích Như Đặng ở chùa Giác Hải về trụ trì chùa Phước Lâm. Vào khoảng năm 1890, Hòa thượng Thích Như Đặng cho xây dựng thêm một điện thờ mới tiếp nối điện thờ cũ, đó là điện thờ chính ngày nay, còn điện thờ cũ trở thành tổ đường của chùa và từ đường họ Bùi.
Tượng Ông Lo Đời ở chùa Phước Lâm (báo Long An). |
Chùa thể hiện nét kiến trúc độc đáo của Phật giáo ở Cần Đước thế kỉ 19, có giá trị cao về mặt kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc gỗ là kiểu kiến trúc xuyên trính, điển hình cho kiến trúc nhà và đền chùa Nam Bộ vào đầu thế kỉ 19. Năm 2001,Chùa được Bộ Văn Hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Phước Lâm được xây dựng, trang trí bởi cánh thợ xây và nghệ nhân chạm khắc gỗ nổi tiếng nhất vùng bấy giờ vì thế kiến trúc, nội thất chùa rất trang nhã, độc đáo.
Nhìn về tổng thể, ngôi chùa gồm 3 phần: Chánh điện – hậu tổ, khu mộ tháp và nhà trù. Chánh điện là một ngôi nhà lớn được xây dựng theo kiểu “bánh ít”, có móng đá xanh, tường gạch, lợp ngói vảy cá. Toàn bộ cột chùa chùa đều bằng danh mộc hình trụ tròn, được kê trên các chân tán đá xanh, liên kết với nhau bởi hệ thống xiên, vì kèo, sườn mái tạo cho không gian bên trong sự rộng rãi thoáng mát.
Đặc biệt kiến trúc mái nhà được sử dụng kết cấu đấu-củng theo phong cách kiến trúc thời Lý-Trần của Việt Nam, lợp ngói âm dương thanh lưu ly truyền thống. Đây là một công trình tiêu biểu cho việc phục dựng hình ảnh kiến trúc cổ Việt Nam đặc biệt là thời điểm huy hoàng trong thời Lý, Trần của Việt Nam.
Hình tượng Tuyết Sơn thường thấy các chùa Bắc Bộ. |
Nội thất chánh điện chùa Phước Lâm còn giữ được những nét cổ kính dù trải qua nhiều lần trùng tu với hơn 40 tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thị Giả, Thập Điện Diêm Vương, Thiện, Aùc, Hộ Pháp, Kim Cương…và nhiều bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng rực rỡ. Đa số tượng Phật có chất liệu gỗ, đồng được chế tác từ thế kỷ XIX với một phong cách nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Phật giáo Nam Bộ.
Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, chùa Phước Lâm còn có ý nghĩa về mặt lịch sử khi nơi đây từng che giấu các chiến sĩ cách mạng trong suốt những năm chống Pháp và Mỹ. Mái già lam ở Xóm Chùa từng là nơi lui tới hoạt động cách mạng của lãnh đạo địa phương thời kháng chiến. Sở chỉ huy trận đánh Xóm Chùa nổi tiếng ở Tân Lân năm 1962 cũng được đặt tại chùa Phước Lâm. Vì là cơ sở cách mạng nên chùa Phước Lâm thường xuyên trở thành mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Trên chánh điện của chùa vẫn còn những vết tích chiến tranh in hằn trên cột gỗ.
Tượng Tuyết Sơn mang phong cách Nam Bộ
Nổi bật trong số tượng của chùa Phước Lâm phải kể tới pho tượng Ông Lo Đời. Sở dĩ tượng Ông Lo Đời đặc biệt vì trước hết, đây là bức tượng tiêu biểu cho nghệ thuật chạm lộng hai mặt sắc sảo của các nghệ nhân Cần Đước, khắc họa sống động thần thái và biểu cảm của nhân vật.
Tượng Ông Lo Đời được khắc họa theo hình thể một người nông dân gầy guộc khắc khổ và chính sự tương phản đó đã hé lộ, nói lên nội hàm ý nghĩa độc đáo của bức tượng.
Có tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của bức tượng Ông Lo Đời thì mới thấy hết sự kỳ thú của bức tượng này. Theo tìm hiểu, bức tượng Phật Lo Đời ở chùa Phước Hưng là tượng Phật Thích Ca hay còn được gọi là tượng “Tuyết Sơn”. Tượng Lo Đời ở chùa Phước Lâm cũng chính là tượng Tuyết Sơn.
Tượng Tuyết Sơn minh họa thời kỳ tu khổ hạnh của Đức PhậtThích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật theo quy mẫu nhất định. Theo Phật giáo, thì khi thái tử Tất Đạt Đa lìa bỏ gia đình đi tìm con đường giải thoát, đã trải qua việc tu học với nhiều vị thầy. Năm 29 tuổi, Ngài tìm lên núi tuyết, tự mình tu tập khổ hạnh sáu năm trời, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, khiến cho thân thể suy kiệt. Ngài chấp nhận những cực hình thể xác để đạt giải thoát tinh thần. Trong trạng thái đó, thân thể ngài gầy gò, tiều tụy nhưng không lay chuyển được cái chí kiên cường của ngài. Đến năm thứ bảy thì ngài đắc đạo, từ bỏ khổ hạnh mà đạt đến giác ngộ để thành Phật.
Tượng Tuyết Sơn thường được tạc dưới dạng một người khắc khổ, gầy gò, ngồi trong tư thế tự nhiên thoải mái, đầu hơi nhô về phía trước, chân phải gấp ngang đặt áp sát bệ ngồi, chân trái chống thẳng, tay phải gấp thước thợ, đặt úp bàn tay lên đùi, tay trái hơi gấp, đặt cẳng tay lên đùi. Tượng chỉ khoác hờ mảnh áo trên vai trái, để lộ dường như cả bộ xương với những nếp nhăn, vặn trũng xuống. Đầu tượng là một khối căng tròn, khuôn mặt xương xương, hốc mắt và gò má lõm làm nổi khối đầu, chứa chất một sức sống mạnh mẽ.
Nghệ nhân xưa đã nắm rất vững giải phẫu cơ thể để sắp xếp, cấu tạo chuẩn xác cho tượng. Các nếp quần áo đổ dồn xuống dưới, như tăng vẻ tiều tụy của tượng, nhưng vẫn nhận thấy sự suy tư thanh thản trong ánh mắt xa xăm và toàn thân tĩnh tại, ung dung. Toàn thân tượng được sơn màu nâu đen, lấy bóng tối của khối hình để nổi lên trên toàn cảnh vàng son và khẳng định sự từ tâm nhà Phật, gợi cái chết hình thức để tôn cao cái sống bản thể. Do khi đó Ngài chưa đắc đạo, chưa phải là Phật nên tượng Tuyết Sơn không ngồi trên tòa sen.
Theo các nhà nghiên cứu, qua việc so sánh tạo hình Ông Lo Đời ở chùa Phước Lâm với các tượng Tuyết Sơn hay Phật Lo Đời ở các ngôi chùa cổ thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung và Nam, ta thấy rõ sự tiếp biến khác biệt.
Nếu như các pho tượng ở miền Bắc, Trung và một số chùa ở miền Nam còn mang dáng vẻ của một nhà sư, đầu xuống tóc, tư thế ngồi vương giả hoặc tọa thiền thì tượng Ông Lo Đời ở chùa Phước Lâm lại mang hình tượng của một người nông dân, cởi trần.Đầu của Ông Lo Đời quấn khăn, cơ thể gầy guộc với những đường gân nổi mờ thể hiện sự khổ hạnh, tư thế ngồi “rất đời” chân khoanh chân chống, tay quàng tay tì trên gối chống cằm, tượng mang dáng dấp của con người nhưng không giống người, khổ hạnh nhưng không vò xé nội tâm mà thay vào đó là sự thản nhiên, điềm tĩnh và gần gũi với thế tục.
Sự khác biệt của bức tượng Ông Lo Đời so với đa số tượng Tuyết Sơn trong các ngôi chùa Việt khác dù mang các tướng pháp của một vị Phật nhưng thế dáng và trang phục lại là một người nông dân, không phương phi, huyền bí, rất hiện thực, gần gũi nhằm tạo ra cảm giác gắn kết, chia sẻ với con người nhiều hơn trong thế sự loạn lạc. Nhờ đó thể hiện được những ước vọng, khát khao hòa bình, an lành và sung túc của người dân Nam Bộ.