Phối hợp trong công tác THADS: “Lỗi” một nhịp, chậm cả năm

Phối hợp trong công tác Thi hành án dân sự (THADS) là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định bản án có được thi hành dứt điểm hay không. Tuy hệ thống pháp luật hiện hành quy định khá đầy đủ về vấn đề này nhưng thực tế, cơ quan THADS vẫn gặp muôn ngàn khó khăn, nhất là trong các vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Phối hợp trong công tác Thi hành án dân sự (THADS) là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định bản án có được thi hành dứt điểm hay không. Tuy hệ thống pháp luật hiện hành quy định khá đầy đủ về vấn đề này nhưng thực tế, cơ quan THADS vẫn gặp muôn ngàn khó khăn, nhất là trong các vụ việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bị động vì phải chờ đợi

Không ít vụ án phải đưa ra cưỡng chế, tất cả các phương án đã chuẩn bị xong, lực lượng phối hợp đã sẵn sàng thì vào phút 89 có văn bản yêu cầu hoãn hoặc kháng nghị của Tòa án, Viện Kiểm sát. Theo quy định, THA vẫn phải dừng lại việc cưỡng chế. Điều đó đồng nghĩa với việc tốn công, tốn của không ít của nhà nước, của các bên đương sự.

Nhiều vụ án khác, theo quy định thời gian hoãn THA trong vòng 3 tháng, hết thời hạn trên mà không có kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì THA tiếp tục đưa vụ án ra thi hành. Tuy nhiên, thực tế khi đang tiếp tục đưa án ra thi hành, thì bất ngờ mới xuất hiện kháng nghị. Trong khi đó, suốt quá trình hoãn và cả sau đó, Tòa, Viện cũng không hề thông báo cho cơ quan THA là có kháng nghị hay không.

Nhiều trường hợp, THA đã tổ chức thi hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì mới có có kháng nghị. “Những trường hợp này gây mất niềm tin của các cơ quan phối hợp, ảnh hưởng đến niềm tin trong dân và làm cơ quan THA gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các vụ án phải cưỡng chế”, một chấp hành viên nhận xét.

 Không dừng ở Viện, Tòa, ngành Công an nhiều khi cũng có lý do để …từ chối tham gia cưỡng chế. Phổ biến hơn là các ngành như Bảo hiểm, Kho bạc, Ngân hàng…khi thực hiện lệnh phong tỏa tài khoản hay tìm cách gây khó dễ. Cá biệt, nhiều ngành không liên quan gì đến THA nhưng cũng có những động tác can thiệp hết sức kỳ quái…

Cơ chế giám sát chưa đồng bộ

Theo Cục THADS Hà Nội, pháp luật hiện hành chưa có những quy định thống nhất, đồng bộ về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải THA thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản nên khó khăn cho cơ quan THA trong xác minh, phát hiện và kê biên tài sản của người phải THA.

Nhiều trường hợp xác định trên thực tế đúng là tài sản của người phải THA nhưng trong các giao dịch trước đó các bên không làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định nên giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng tài sản vẫn mang tên người khác. Vì vậy chấp hành viên không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản .

Ngoài ra, Luật THADS cũng chưa quy định trách nhiệm của Tòa án khi ra quyết định THA và trách nhiệm của trại giam, Trại tạm giam nơi tiếp nhận hình phạt tù phải gửi quyết định và thông báo cho cơ quan THADS cùng cấp với Tòa án xét xử án sơ thẩm. Do vậy, cơ quan THA không thể biết nơi đang chấp hành hình phạt tù của người phải THA.

Đối với trường hợp người phải THA không tự nguyện giao giấy tờ cũng vậy. Khi cơ quan THA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy và cấp lại giấy tờ mới thay thế giấy tờ sở hữu mà không thu hồi được thì các cơ quan có thẩm quyền đăng ký không cấp.

Lý do là pháp luật về đất đai quy định, việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ được thực hiện khi có bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành. Chính vì thế, cơ quan có thẩm quyền không thực hiện đề nghị của THA. Việc thu hồi, hoặc hủy giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản khó thực hiện.

Xử lý nghiêm để tránh “nhờn” luật

Không thể liệt kê hết những khó khăn trên thực tiễn phối hợp của cơ quan THA. Thực tế nói trên xuất phát từ những quy định của pháp luật, hoặc thiếu, hoặc chưa đồng bộ hoặc bất cập so với yêu cầu của thực tiễn. Nhưng lý do quan trọng hơn xuất phát từ chính nhận thức của các cơ quan liên quan trong việc THA.

Giải pháp mà hiện nay nhiều địa phương đã và đang thực hiện là phát huy cao độ vai trò của Ban Chỉ đạo THADS trong kết nối các thành viên, chỉ đạo THA; phát huy vai trò tham mưu của cơ quan THA đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp không hợp tác với THA cần phải được xem xét, xử lý nghiêm, tránh để tình trạng “nhờn” luật trong chính các cơ quan thực thi pháp luật.

Hương Bằng

Đọc thêm