Một khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang hiện ra trước mắt chúng tôi, hàng trăm cây cổ thụ mới bị lâm tặc đốn hạ, nhựa vẫn còn chảy, lá hãy còn tươi. Nhìn cảnh hoang tàn của khu rừng, chúng tôi cảm thấy thực sự xót xa…
Trước tình trạng rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên đang bị tàn phá ở mức độ vô cùng nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên và không chuyển đổi 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác trừ các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, tại địa bàn huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), theo ghi nhận của PV, lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá rừng. Còn chính quyền địa phương và các ngành chức năng thì dường như lại thờ ơ, vô cảm. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng đã có sự “bắt tay” ngầm nên lâm tặc mới ngang nhiên phớt lờ quyết định của Thủ tướng để tiếp tục lộng hành như vậy ?.
Cơm đùm, cơm nắm, lội suối, vượt đèo
Cách đây không lâu báo Câu Chuyện Pháp Luật đã từng có bài phản ánh về tình trạng lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ lậu trên địa bàn huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, tưởng chừng tình trạng phá rừng trên địa bàn sẽ không còn nữa. Thế nhưng, gần đây, phóng viên tiếp tục nhận được thông báo của người dân về việc lâm tặc vẫn đang ngang nhiên “xẻ thịt” những cánh rừng trên địa bàn.
Theo chia sẻ của người báo tin thì hiện nay phần vì những khu rừng bên ngoài không còn gỗ lớn để khai thác, phần để tránh bị phát hiện nên lâm tặc đã rút sâu vào khu vực trung tâm của vườn quốc gia Chư Yang Sin để tiếp tục khai thác. Chính vì vậy, nếu phóng viên muốn tận mắt chứng kiến cảnh rừng đang bị “xẻ thịt” thì phải chuẩn bị tinh thần “ăn rừng, ở rú” nhiều ngày.
Người dẫn đường cũng không quên cảnh báo: “Vì lâm tặc thời gian này rất manh động, hễ phát hiện kẻ nào có ý định động vào bát cơm của chúng là chúng sẵn sàng dùng vũ lực để đe dọa, chậm chí chống trả đến cùng. Vì vậy, nếu không muốn mất mạng thì các anh (PV) phải hết sức giữ bí mật. Vừa là đảm bảo an toàn cho các phóng viên vừa là để gia đình chúng tôi giữ được cuộc sống yên ổn ở đây…”.
Sau khi liên hệ được với 2 người dẫn đường thông thạo địa hình tên Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn T, tối ngày 28/7/2016, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị hành trang để vào rừng. Vì đã có kinh nghiệm đi rừng nhiều năm nên những người dẫn đường cho biết để đến được địa điểm mà lâm tặc đang lộng hành phải mất ít nhất 2 ngày, 1 đêm.
Xác định phải ngủ lại trong rừng ít nhất 1 đêm, vì vậy hành trang chuẩn bị phải có cơm nắm, gạo, 1 chiếc nồi, mấy cái bát và quan trọng nhất là nước sạch cùng vài lạng cá khô…
Khi tất cả những đồ dùng cần thiết cho buổi đi rừng đã được T và M chuẩn bị đầy đủ, khoảng 4h sáng ngày 29/7 chúng tôi bắt đầu xuất phát. Để tránh sự để ý của người dân ngoài việc phải đi từ khi trời chưa sáng, chúng tôi còn phải cải trang thành những thanh niên đi rừng thực thụ với 1 bộ quần áo chuyên đi rừng, 1 túi xách nhỏ và 1 con dao…
|
Khung cảnh hoang tàn tại vườn quốc gia Chư Yang Sin |
Sau khoảng gần 1 tiếng di chuyển bằng xe máy, chúng tôi bắt buộc phải gửi xe lại để đi bộ bởi địa hình từ đây bắt đầu phải băng qua suối và những con dốc dài thẳng đứng.
Vì chưa có kinh nghiệm đi rừng nên mới chỉ qua được ngọn núi đầu tiên chúng tôi đã cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đôi chân cứng đơ tưởng như không thể nhấc nổi khỏi mặt đất. Nhìn cảnh chúng tôi cứ bước được 5 đến 10 mét lại xin ngồi nghỉ, 2 người dẫn đường chỉ biết nhìn nhau.
Người dẫn đường tên T cảnh báo: “Đây chỉ là ngọn núi đầu tiên thôi. Phải qua tầm 3 ngọn núi cao hơn thế này nữa chúng ta mới vào được “lõi” của vườn quốc gia. Nếu các anh không cố lên mà cứ đi với tốc độ thế này chắc đến tối cũng chưa đến nơi đâu”.
Câu nói của T như một quả tạ ngàn cân đánh vào tinh thần vốn đang rất uể oải của chúng tôi. Đưa mắt nhìn những ngọn núi cao sừng sững phía trước, những con dốc dựng đứng, trơn trượt và tưởng như dài vô tận khiến chúng tôi thật sự không muốn nhấc mông lên mà đi. Thế nhưng, nhờ sự động viên của 2 người dẫn đường, cùng nhiều lần đấu tranh tư tưởng chúng tôi vẫn quyết định phải tới bằng được nơi lâm tặc “phanh thây, xẻ thịt” rừng.
Sau hơn 7 giờ đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được khu vực giáp danh với vườn quốc gia Chư Yang Sin. Lúc này, cả đoàn 4 người đều đã rất đói và mệt mỏi nên T hạ lệnh cho mọi người dừng lại nghỉ chân và chuẩn bị ăn trưa lấy lại sức khỏe để chuẩn bị tinh thần thâm nhập vào sâu rừng Chư Yang Sin…
Vườn quốc gia bị “phanh thây, xẻ thịt”
Sau khoảng 30 phút nghỉ ngơi, sức khỏe đã phần nào hồi phục nhờ bữa ăn nhanh với cơm nắm, cá khô và nước suối (vì nước ngọt dự trữ đã uống hết dọc đường), chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Theo lời của 2 người dẫn đường thì chúng tôi đã đặt chân vào địa phận của Khu bảo tồn quốc gia Chư Yang Sin.
Vừa đi được khoảng 2km thì bất ngờ T ra dấu cho mọi người trốn sâu vào rừng. Chưa hiểu có chuyện gì xảy ra nhưng nhìn vẻ mặt căng thẳng và hành động của T mọi người cũng phần nào đoán ra có lẽ chúng tôi đã đối mặt với lâm tặc. Không ai bảo ai cả 4 người đều tự phân tán rồi tìm cho mình 1 chỗ ẩn nấp kín đáo nhất.
Vì tôi nấp gần chỗ T nên anh này thì thầm: “Có người đấy, nấp kĩ đi không chúng phát hiện ra thì “toi” cả lũ. Bọn lâm tặc manh động lắm, giữa rừng sâu này chúng có giết mình rồi vùi xác trong này thì có “trời cũng không hay, đất không thấy”. Nhớ lấy, nếu bị phát hiện thì vứt hết đồ nghề, cố gắng chạy thật sâu vào rừng để thoát thân…”.
Mặc dù đã cố gắng trấn tĩnh nhưng tôi vẫn có cảm giác “tim đập, chân run”, ngồi một chỗ mà mồ hôi toát ra như tắm, muỗi cắn sưng chân cũng chẳng dám đưa tay vỗ, sợ tạo ra tiếng động. Khoảng gần 30 phút ẩn nấp, T mới ra hiệu cho mọi người tập trung vì những người kia đã đi xa rồi. Lúc này, cả đoàn mới thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục lên đường. Nhưng tâm lý thì vẫn rất lo sợ sẽ đụng phải 1 nhóm lâm tặc khác…
Đến khoảng 2h chiều (tức sau khoảng 9 tiếng đi bộ) chúng tôi đã đến được khu vực mà T và M thông báo là có lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép. Nếu dọc đường đi chúng tôi bắt gặp rất nhiều những thân cây bị cưa, những khúc gỗ bị bỏ lại từ lâu thì tại đây có thể phát hiện rất nhiều gốc cây bị cưa mới, thân còn chảy nhựa, lá vẫn còn xanh.
Theo kinh nghiệm của T thì những thân cây này bị cưa thời gian không quá 7 ngày trở lại. Đa phần những thân cây đều được cắt khúc dài khoảng 3-2m, sẻ thành tấm bề ngang khoảng 22cm. Theo T thì sở dĩ lâm tặc cưa như vậy vì đây là những cây gỗ lớn rất thích hợp để làm sập, bán được giá trị cao nhưng có lẽ bị “động” nên chúng chưa kịp chuyển ra khỏi rừng.
|
Những gốc cây, thân cây đường kính lên tới 1,5m bị lâm tặc cưa hoặc bỏ lại trong rừng |
Hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh hoang tàn, cây rừng bị cưa khắp nơi, nhiều gốc cây, cành cây bụi đã bị đốt cháy đen. Đưa tầm mắt quan sát xung quanh chúng tôi thấy có rất nhiều gốc cây cổ thụ đường kính lên đến 1,5m đã bị lâm tặc cưa lấy thân chuyển đi chỉ còn trơ trọi phần gốc. Đi khắp khu vực cố gắng tìm kiếm nhưng chúng tôi không thể tìm thấy lấy một gốc cây nào có đường kính trên 80cm còn nguyên vẹn.
Có lẽ, không đến tận nơi để “mục sở thị” thì không ai dám tin là ở giữa trung tâm Khu bảo tồn quốc gia Chư Yang Sin, nơi vẫn được coi là có hệ sinh thái còn giữ được sự nguyên sinh nhất nhì Tây Nguyên lại chẳng thể tìm nổi 1 thân cây được coi là cổ thụ có đường kính lớn hơn 80cm. Nơi được coi là còn giữ lại vẻ hoang sơ nhất của tự nhiên thì nay cũng đã bị lâm tặc biến thành những cánh rừng hoang tàn, chẳng còn sức sống.
Quanh khu vực mà T và M dẫn chúng tôi tới dễ dàng phát hiện hơn 10 bãi gỗ vừa mới bị lâm tặc khai thác trong thời gian gần đây. Theo M cho biết thì đa phần số gỗ bị khai thác là gỗ thông đỏ, một loại gỗ quí, có giá trị rất cao ngoài thị trường. Loại gỗ này mà làm sập, hoặc tượng để trong nhà không chỉ có mùi thơm mà còn có thể đuổi được ruồi, muỗi và nhiều loại côn trùng khác vì vậy mà nó được nhiều đại gia ưa chuộng.
Nhìn cảnh cả khu rừng rậm bị chặt phá nham nhở, bị đốt cháy chụi, chúng tôi thật sự xót xa. Ngay cả một người từng làm thuê cho lâm tặc như T cũng không cầm nổi lòng mình: “Trước đây, có thời gian vì kinh tế khó khăn mình có nhận đi cưa thuê cho lâm tặc, họ trả 1 ngày công lên đến 800 ngàn.
Thế nhưng, khi vào rừng nhìn cảnh những cây cổ thụ hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi bị chúng đốn hạ một cách không thương tiếc mà mình thấy xót quá. Cũng vì tiếc những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi mà mình quyết định bỏ về không làm nữa, tiền công cũng chẳng thèm lấy…”.
Đi sâu vào lõi khu bảo tồn khoảng gần 2km nữa những khung cảnh mà chúng tôi bắt gặp vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là những thân cây đại thụ bị cưa đổ còn trơ gốc, những cành lá bị đốt cháy dở còn sót lại. Đến đây thì T nói chỉ còn khoảng gần 1 giờ đi bộ nữa là sẽ lên đến đỉnh của Chư Yang Sin, thế nhưng chắc tình hình vẫn thế này thôi, chẳng kiếm đâu ra cây to nữa đâu, chúng (tức lâm tặc) đốn sạch rồi.
Nghe T nói vậy nên chúng tôi cũng không đi tiếp nữa mà cả nhóm quyết định dừng chân để dựng lán và nổi lửa chuẩn bị cho bữa cơm chiều vì lúc này cũng đã là gần 5 giờ chiều và trời trong rừng thì tối rất nhanh. Sau 1 đêm nếm trải cảm giác ngủ trong túi ni lông để tránh muỗi rừng, khoảng 4h sáng ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu hành trình xuống núi để làm việc với các cơ quan chức năng huyện Krông Bông…
Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?
Tại Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông khi được hỏi là từ sau khi có lệnh đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên của Thủ Tướng chính phủ thì phía hạt đã có những biện pháp gì để tăng cường công tác bảo vệ rừng?.
Trả lời câu hỏi này ông Y Te B Krông – Hạt trưởng hạt kiểm lâm cho biết: “Phía đơn vị đã thường xuyên tổ chức cho cán bộ đi tuần tra, kiểm soát tất cả các khu rừng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó thì thường xuyên tư vấn cho các chủ rừng (thường là UBND các xã được giao rừng) có những biện pháp bảo vệ rừng”. Tuy nhiên, khi được hỏi về tình trạng phá rừng trên địa bàn, ông Y Te khẳng định là trong thời gian gần đây chưa phát hiện ra vụ việc nào mới cả.
|
Những dấu vết cho thấy lâm tặc dùng dây cáp để tời gỗ, thả gỗ từ trong rừng xuống các bãi tập kết trước khi vận chuyển |
Chỉ đến khi phóng viên đưa ra những bằng chứng là các clip quay lại cảnh rừng bị chặt phá với những thân cây mới, lá còn xanh thì vị hạt trưởng mới tỏ ra bối rối thừa nhận: “Nếu đúng như hình ảnh mà phóng viên cung cấp thì những cây này mới bị cưa trong thời gian gần đây thật.
Anh em trong hạt vẫn đi tuần tra thường xuyên nhưng chưa thấy thông báo là có vụ việc như trên về cơ quan. Rất cảm ơn phóng viên đã cung cấp thông tin chúng tôi sẽ cho người đi xác minh sự việc...”.
Vị hạt trưởng cũng không quên than vãn, thanh minh rằng: “Thật sự thì diện tích rừng ở đây còn khá lớn, địa hình lại khó khăn mà nhân sự cả hạt chỉ có 19 người nên việc kiểm soát được hết tình hình thực sự là rất khó khăn. Hơn nữa rừng ở địa bàn được chia ra nhiều khu vực như rừng cộng đồng, vườn quốc gia Chư Yang Sin… nên cần phải xác minh xem thông tin phá rừng mà phóng viên cung cấp thuộc địa bàn của ai quản lý”.
Khi được hỏi về việc xử lý khối lượng 4,926 m3 gỗ Bạch Tùng được lâm tặc tập kết tại tiểu khu 1189 xã Cư Đrăm mà phóng viên đã thông báo cho hạt kiểm lâm trước đó khoảng 3 tháng thì ông Y Te cho biết:
“Vì địa hình đi lại rất khó khăn, trong khi số gỗ trên giá trị kinh tế không cao nên hạt kiểm lâm đã có đề xuất với UBND huyện Krông Bông phương án là tiêu hủy tại chỗ số gỗ trên không để các đối tượng khai thác gỗ trái phép vận chuyển đi”.
Tuy nhiên, đến ngày 16/6/2016 số gỗ trên vẫn chưa được tiêu hủy còn hạt kiểm lâm trong khi đi tuần tra lại phát hiện 4/9 phách gỗ với khối lượng là gần 2,4 m3 đã bị các đối tượng vận chuyển khỏi hiện trường và để dưới chân núi.
Khi phát hiện số gỗ trên hạt kiểm lâm tiến hành vận chuyển về trạm kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Pui tạm giữ để xử lý theo qui định. Khi được hỏi về số phận của 5/9 phách gỗ còn lại kia đâu thì ông Y Te trả lời chung chung rằng: “Vì đường khó đi, anh em không thể chuyển gỗ xuống được nên đành “phục” ở dưới đợi lâm tặc kéo gỗ xuống sẽ bắt quả tang rồi thu giữ…” (?!).
Ông Y Te vẫn đinh ninh là cách làm của mình như vậy là hiệu quả mà đâu biết rằng khi phóng viên lên đến bãi tập kết thì số gỗ còn lại đã không cánh mà bay từ lâu. Vậy số gỗ đó đã đi đâu?. Và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này?. Với câu hỏi này thì vị hạt trưởng chỉ loanh quanh và không thể cho phóng viên một câu trả lời xác đáng.
Với cách bảo vệ rừng lạ đời theo kiểu “há miệng chờ sung rụng”, “ôm cây đợi thỏ” như vậy thì có thể hiểu được vì sao rừng trên địa bàn vẫn cứ bị tàn phá một cách ngang nhiên. Đơn giản vì đường khó đi, kiểm lâm không lên được, không nắm bắt tình hình được còn lâm tặc hay ai lên được thì cứ mặc nhiên chặt phá, vận chuyển.
Còn kiểm lâm sẽ “mật phục” ở dưới để bắt quả tang, thu giữ tang vật. Nếu cứ tiếp tục quản lý theo cách này thì có lẽ chỉ trong thời gian ngắn kiểm lâm sẽ thất nghiệp vì không còn rừng mà bảo vệ nữa…
Cách làm của Hạt kiểm lâm huyện Krông đã khiến chúng tôi khá bất ngờ thì khi làm việc với ông Lương Hữu Thạnh (PGĐ vườn quốc gia Chư Yang Sin) càng khiến chúng tôi bất ngờ hơn. Thông qua những hình ảnh mà chúng tôi cung cấp ông Thạnh cũng xác nhận, qua những vết cưa và lá cây thì việc phá rừng là mới xảy ra gần đây. Tuy nhiên, ông này tỏ ra bất ngờ vì cán bộ của ông cũng mới đi kiểm tra rừng về chiều hôm qua (tức ngày 29/7) nhưng không thấy báo cáo gì về việc rừng bị phá.
Lúc này, chúng tôi mới chợt nhớ ra là đám người (khoảng 7 người) mà chúng tôi nghi là lâm tặc kia có lẽ lại chính là cán bộ cấp dưới của ông Thạch được cử đi kiểm tra rừng. Vậy vì sao tất cả những bãi gỗ mà lâm tặc mới khai thác đều nằm gần con đường mòn mà phóng viên và cán bộ vườn quốc gia đi qua thì phóng viên đều nhìn thấy còn cán bộ thì lại không?.
Điều này, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đã có sự bắt tay giữa những người bảo vệ rừng với lâm tặc. Nên dù đang ở thời điểm “nhạy cảm” chúng vẫn ngang nhiên chặt phá rừng không thương tiếc?”.
Cũng như ông Y Te, ông Thạnh cho biết sẽ cho người đi kiểm chứng những thông tin mà phóng viên cung cấp xem địa điểm rừng bị phá thuộc khu vực của ai quản lý, trách nhiệm thuộc về ai rồi sẽ có thông báo cho phóng viên.
Còn về thông tin những cây bị chặt phá là cây thông đỏ qúi hiếm ông Thạnh đã phản đối và khẳng định “đó chỉ là loại thông 2 lá vàng, không phải thông đỏ vì trong vườn quốc gia vốn không có 1 cây thông đỏ nào cả”.
|
Hình ảnh những gốc cây mới bị lâm tặc cưa đổ, gốc còn chảy nhựa, lá còn xanh trong vườn quốc gia Chư Yang Sin. |
Thiết nghĩ, việc bảo vệ rừng vốn là trách nhiệm chung của toàn cộng đồng, vậy mà mỗi khi có sự việc xảy ra các cơ quan chức năng không lo tìm cách khắc phục, tìm phương án bảo vệ rừng sao cho tốt hơn. Trái lại, thì các cơ quan chức năng lại chỉ chú trọng vào việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trốn tránh trách nhiệm của bản thân, tổ chức của mình.
Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh
Tỉnh thì sốt sắng còn huyện thì thờ ơ?
Sau khi nhận được những câu trả lời khá chung chung của Hạt kiểm lâm huyện và Ban quản lý vườn quốc gia Chư Yang Sin, chúng tôi đã liên hệ phản ánh sự việc lên UBND tỉnh Đắk Lắk.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó chủ tịch UNBN tỉnh đã có buổi tiếp phóng viên. Sau khi nghe phản ánh ông Hà đã trực tiếp chỉ đạo ông Lê Oanh Vũ – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp xác minh thông tin mà phóng viên cung cấp. Và sau đó sẽ có văn bản trả lời cụ thể cho báo Pháp Luật Việt Nam về vụ việc trên.
Cũng cùng vụ việc trên khi chúng tôi liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Krông Bông thì nhận được câu trả lời khá hời hợt là: “Có gì các anh liên hệ qua văn phòng, hoặc để sang tuần lên đặt lịch để làm việc…”.