Nhắm mắt cố tình bán đồ uống có cồn cho trẻ con
Trước Tết Nguyên đán, phóng viên cùng gia đình đến ăn tại một nhà hàng tọa lạc trên tầng 6 của một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội. Khi các món ăn được dọn ra cũng là lúc một nhóm trẻ gồm 5 gái, 1 trai bước vào ngồi bàn bên cạnh. Gương mặt và tầm vóc của các thực khách nhí này cho thấy các em mới chỉ tầm đầu cấp 2 khoảng lớp 6, lớp 7, lứa tuổi 11, 12, con nhà khá giả. Cậu con trai trong nhóm thậm chí thân hình mảnh khảnh hơn các bạn gái và giọng nói vẫn cao vút cho thấy cậu chưa đến tuổi dậy thì, vỡ giọng.
Thế nhưng, trái ngược với dáng vẻ trẻ con thì cả nhóm lại gọi món rất sành điệu, bao gồm đồ nhắm và 6 chai bia. Khi bia được dọn ra, rất nhanh chóng một cô bé trong nhóm diện độ hiphop trông rất cá tính bật bia và rót đầy ly cho các bạn. Nhìn cách rót của cô bé, cách nâng ly zô... zô và uống cạn không nhăn mặt của nhóm khách nhí có thể thấy lần uống bia này không phải lần đầu.
Những thực khách lớn tuổi có mặt tại nhà hàng hôm đó rất bực bội nhưng vì ngại nên không nói ra. Phóng viên đã hỏi nhân viên phục vụ bia cho nhóm khách nhí đó rằng có biết, các em bao nhiêu tuổi không mà dám phục vụ đồ uống có cồn như vậy. Nào ngờ nhân viên này cho biết sau khi nhận được order (yêu cầu) đã báo với quản lý nhưng quản lý bảo cứ bán bình thường. Điều này cho thấy, quản lý nhà hàng này đã đặt mối lợi lên trên đạo đức kinh doanh và dường như họ cũng đã quen với kiểu bán này không chỉ một lần – đó cũng là điều mà nhiều người khách khác đến bất bình trao đổi với phóng viên.
Ở Việt Nam, việc một đứa trẻ đi ra cửa hàng hay siêu thị để mua rượu, bia là thường thấy với lý do đi mua hộ người lớn. Nhân viên cửa hàng đến chuyện thắc mắc tại sao một đứa trẻ lại mua đồ uống có cồn còn không bao giờ thì nói gì đến chuyện từ chối bán. Từ chỗ đi mua hộ và chứng kiến bố, anh, chú bác xung quanh mình uống ào ào, trẻ con cũng rất nhanh chóng tự cho mình cái quyền được thưởng thức bia rượu.
Không khó để thấy những “thanh niên nhí” còn mặc nguyên đồng phục học sinh THCS, THPT tụ tập nâng ly tại các quán cóc, quán bia, nhà hàng… Nhiều người bán hàng cho biết, khách hàng mua rượu đủ mọi lứa tuổi và họ chưa bao giờ quan tâm đến tuổi của người mua rượu, mà chỉ quan tâm xem mua rượu gì và mua bao nhiêu.
|
Vì sao luật có cũng như không?
Về vấn đề cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản tương đối đầy đủ từ trước đến nay. Tuy nhiên, cảnh trẻ con uống bia rượu vẫn tái diễn, phải chăng vì những qui định này sau một thời gian được báo chí tuyên truyền thì rơi dần vào quên lãng, không ai thực thi và các cơ quan có trách nhiệm dường như cũng “quên” hướng dẫn và giám sát thực hiện? Từ khi có qui định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đến nay, rất hiếm trường hợp bị phạt nên chẳng ai sợ cả.
Tết Nguyên đán vừa qua, số nạn nhân đánh nhau nhập viện tăng cao đột biến so với các năm trước và nguyên nhân chủ yếu là do bia rượu và nạn nhân, thủ phạm không ít người dưới 18 tuổi. Tại Bệnh viện Việt Đức, một bệnh nhân nam bị đâm thấu ngực cho biết, em bị một đám trẻ làng bên tầm chỉ 15-16 tuổi hành hung chỉ vì trông ngứa mắt và khi đâm người, đám trẻ này sặc sụa mùi bia rượu.
Một bệnh nhân khác là cô gái trẻ cũng cho hay em bị đám thanh niên mới lớn đâm khi chúng đã uống say và ra chặn đường trêu gái bị em phản ứng. Liên quan đến rượu còn có qui định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng nhưng trên thực tế rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến số nạn nhân của việc say bia rượu hành hung tăng cao?
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe năm 2014 thì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9%, trong đó nam giới là 36,2%, 0,7% là nữ giới. Đặc biệt đáng báo động là 20,8% trẻ vị thành niên nam thừa nhận đi xe sau khi uống rượu/bia. Cũng theo kết quả khảo sát của WHO cho thấy tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi trong số nạn nhân tai nạn giao thông có cồn trong máu chiếm khoảng 15%.
Được biết, đầu năm 2016 này sẽ có thêm 300 cửa hàng nữa cam kết không bán rượu cho người dưới 18 tuổi sau khi đã có 100 cửa hàng làm thí điểm vào năm 2015. Tại các cửa hàng này, khách có thể phải xuất trình giấy tờ tùy thân nếu người bán thấy nghi ngờ chưa đủ 18 tuổi.
Đây là hoạt động của chiến dịch “Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi” do Diễn đàn Uống có Trách nhiệm Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động nhằm thực hiện quy định về cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi theo Nghị định về sản xuất và kinh doanh rượu. Tuy nhiên, có vẻ như “tiếng vang” của chiến dịch này vẫn chưa đến được tới mọi ngóc ngách…
Công bằng mà nói, không phải chủ quán nào cũng phớt lờ chuyện cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhưng đa phần họ cho biết nếu khách vào quán mà hỏi họ bao nhiêu tuổi rồi mới bán hàng thì chẳng khác nào đuổi khách đi, chưa kể nếu gặp khách “đầu gấu” bị ăn mắng hoặc gây gổ.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước thiếu quy định để giúp người bán hàng nhận diện như qui định những người đủ 18 tuổi phải luôn đem theo chứng minh thư khi muốn mua rượu, cũng như cho phép chủ quán được kiểm tra chứng minh thư của khách…, cũng làm khó cho chủ quán.
Hệ thống văn bản về cấm bán đồ uống có cồn của Việt Nam
Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu đã có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội đã qui định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: xúi giục, cưỡng ép, tạo điều kiện cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu, các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi tại Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách Quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn…