Phụ nữ khuyết tật vượt qua “nỗi đau kép”

(PLVN) - Tuy rằng không may mắn khi phải mang trên cơ thể những khiếm khuyết, nhưng người khuyết tật (NKT) nói chung và phụ nữ khuyết tật (PNKT) nói riêng không vì thế mà muốn mình trở thành gánh nặng của xã hội. Luật pháp cũng ủng hộ điều này khi có những quy định nhằm đảm bảo cho NKT có thể sống độc lập. Thế nhưng, từ mong muốn, từ pháp luật đến đời thực là chặng đường khá xa vời…
Cơ sở sản xuất chổi chít nơi chị Quê làm việc.
Cơ sở sản xuất chổi chít nơi chị Quê làm việc.

Khuyết tật là tụt hậu?

Là một NKT bẩm sinh, nhưng chị Vũ Thị Quê ở thôn Nhuận Đông xã Bình Minh huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương chưa bao giờ muốn mình trở thành gánh nặng của mọi người, hay sống nhờ sự thương hại của xã hội.

Chị muốn mình cũng có quyền được sống độc lập, được “đứng thẳng” như mọi người bình thường khác, có quyền tự chủ quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân. Chính vì thế, chị Vũ Thị Quê đã không ngại ngần khi năng nổ tham gia hoạt động của hội NKT địa phương, mày mò các cách làm kinh tế để giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn. 

Cơ sở sản xuất chổi chít nơi chị Quê làm việc có rất đông PNKT tham gia sản xuất và dưới bàn tay khéo léo của các chị, sản phẩm chổi chít khi đưa ra thị trường chất lượng cũng không kém cạnh gì của người bình thường. Thế nhưng, “chúng tôi thường buộc phải bán sản phẩm với giá thấp hơn so với sản phẩm của người lành, dù chất lượng sản phẩm không thua kém vì người tiêu dùng cảm thấy thiếu niềm tin vào sản phẩm của NKT” – chị Quê cho biết.

Câu chuyện này cũng tương tự như câu chuyện người khiếm thị bán tăm và câu nói phũ phàng của khách khi từ chối mua: “Tăm người sáng làm còn chẳng ăn ai, nữa là người mù, biết thế nào tốt xấu, sạch bẩn” (!)

Ở một câu chuyện khác, vị đại diện CLB khuyết tật quận Thanh Khê, Đà Nẵng kể lại có một thành viên CLB là thiếu nữ khuyết tật. Em bị bạo lực tình dục mà không dám chia sẻ với ai. Em sợ nói với mẹ vì sợ mẹ cấm không cho ra khỏi nhà và không được tham gia CLB nữa.

Các chị em trong CLB biết chuyện qua tâm lý cảm xúc của em, nên đã vận động em mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ mình và những phụ nữ khác. Em đã chia sẻ câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ, lên công an phường báo cáo sự việc. Bên cạnh việc giải quyết từ cơ quan công an, các thành viên CLB cũng đi gõ cửa cơ quan chức năng để giúp em gái khuyết tật ấy đòi quyền lợi và công bằng cho mình.

Thông điệp từ hai câu chuyện nói trên có thể thế PNKT luôn bị tụt hậu và kỳ thị. Và điều này đã và đang kéo dài dai dẳng. Năm 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã công bố một điều tra xã hội trên quy mô lớn về tình trạng của NKT tại bốn địa phương có tỷ lệ NKT cao là Thái Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Ðồng Nai.

Qua điều tra 8.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên ở 49 phường, xã của bốn tỉnh, cho thấy sự thật đáng báo động về sự kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử đối với NKT 98% số người được hỏi cho rằng, NKT là những người “đáng thương”; 40% số người cho rằng, NKT có thói quen ỷ lại vào người khác; 66% cho rằng NKT không thể có cuộc sống “bình thường”; 76% cho rằng nên gửi NKT vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. NKT phải đối mặt với sự kỳ thị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: gia đình, cộng đồng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc...

Năm 2018, nghiên cứu “Xóa bỏ kỳ thị” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện và công bố cho thấy, 43% số NKT được hỏi có cảm nhận bị kỳ thị, với tỷ lệ bị kỳ thị cao tập trung ở các nhóm người trẻ tuổi, nam giới, khiếm thị và đa khuyết tật…

Cần lắm sáng kiến xã hội 

NKT nói chung và PNKT nói riêng đều không muốn mình trở thành gánh nặng của xã hội. Luật pháp cũng ủng hộ điều này khi có những quy định nhằm đảm bảo cho NKT có thể sống độc lập. Thế nhưng, từ mong muốn, từ pháp luật đến đời thực là chặng đường khá xa vời, rất cần những nỗ lực để kéo gần lại. 

Chị Vũ Thị Quê mày mò các cách làm kinh tế để giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn.
 Chị Vũ Thị Quê mày mò các cách làm kinh tế để giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn.

Quay lại với câu chuyện của chị Vũ Thị Quê ở Bình Giang, Hải Dương, tham gia cuộc thi Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công 2020 do Hội LHPN Việt Nam phát động, dự án phát triển HTX Phụ nữ khuyết tật Bình Giang của chị đã cùng với một dự án khác của tỉnh lọt vào cấp vùng phía Bắc. 

Đại diện CLB khuyết tật quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết CLB được thành lập tháng 12/2018, đến nay có 60 hội viên với các hoạt động chính là nâng cao nhận thức và năng lực cho thành viên và cộng đồng NKT, tổ chức các chương trình văn nghệ, văn hóa thể thao và chăm lo đời sống cho hội viên.

CLB đã chia sẻ, tư vấn về các chính sách bảo trợ xã hội cho phụ nữ khuyết tật nặng và nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đồng thời, lồng ghép các chính sách hỗ trợ PNKT bị bạo lực tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống xâm hại tình dục cho các trẻ em khuyết tật và con em của chị em PNKT.

Các chị em được nâng cao kỹ năng sống, phòng chống bạo lực tình dục, phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời thăm hỏi sức khỏe, sinh nở, ốm đau, tài trợ xe lăn cho các chị em khó khăn trong đi lại... Để có được điều này các chị em trong ban chủ nhiệm CLB đã không quản khó khăn phải vận động chị em qua điện thoại, đến từng nhà để nói lên mục đích và nhu cầu của CLB… Nhiều chị em còn e ngại nên phải vận động khá khó khăn, và đã có lúc phải nhờ sự hỗ trợ của Hội phụ nữ, chính quyền.

Ở góc độ pháp luật, các điều luật trong Luật NKT cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan đều có quy định nhằm đảm bảo để NKT được sống độc lập thông qua việc được tự chủ quyết định những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính bản thân cũng như không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự…

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Liêu – Hội bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam thì nhiều NKT, họ bị phân biệt đối xử ngay từ chính trong gia đình mình. Họ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí còn bị bỏ rơi, không chăm sóc. Tại cộng đồng, NKT cũng thường bị chế nhạo, bị lăng mạ. Các tuyến xe buýt, dịch vụ vận tải, thiết bị công nghệ, chưa tạo điều kiện tiếp cận cho NKT... 

Không nhiều người trong xã hội biết đến các quy định của pháp luật về quyền NKT và chính sách của Nhà nước dành cho NKT. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có đến 60% số người được hỏi chưa bao giờ nghe đến pháp luật về NKT, 23% từng nghe đến nhưng không biết cụ thể có gì trong đó.

Riêng với PNKT, theo Hội LHPN Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu PNKT. Ngoài những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, PNKT phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và giới; phải đối diện với rất nhiều định kiến, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực giới.

Theo ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam trong 6,2 triệu NKT thì có tới 80% sống ở nông thôn. Trong thời gian qua, PNKT đã nhận được những sự quan tâm, tạo điều kiện để có cơ hội bình đẳng, đóng góp vào xã hội. Chị em đã dần tìm được tiếng nói trên mọi lĩnh vực, hòa nhập cộng đồng tự tin hơn. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước mới chỉ có khoảng trên 20 tỉnh/thành có câu lạc bộ PNKT. 

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có CLB PNKT thì chị em đều có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận thông tin, được tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề trong cuộc sống lao động sản xuất và gia đình.

Chính vì vậy, ông Đặng Văn Thanh mong muốn, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam và Hội NKT Việt Nam sẽ ký biên bản hợp tác trong việc thúc đẩy sự thành lập các CLB PNKT ở các địa phương cũng như khuyến khích, hỗ trợ PNKT khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam, thì Luật Người khuyết tật có quy định mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ NKT. Đặc biệt, Điều 14 của luật đã có quy định nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của NKT, không lôi kéo dụ dỗ và ép buộc NKT thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội... 

Những năm qua, Đảng và nhà nước đã có các hoạt động hỗ trợ NKT nhưng chưa nhiều, chưa có trung tâm dạy nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp chuyên biệt cho NKT, chủ yếu là các động thái từ các Hội NKT, Hội Phụ nữ, các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở tư nhân. 

Để góp phần thực hiện hiệu quả thiết thực của chính sách an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”, Hội LHPN Việt Nam từ năm 2017-2019 đã quyên góp được hơn 374,7 tỷ đồng, xây 9.426 mái ấm tình thương, sửa chữa 2986 nhà cho PNKT, yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thành lập các nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực với 13 mô hình tại các tỉnh thành trong cả nước; phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam thí điểm xây dựng 3 mô hình hỗ trợ sinh kế với sự tham gia của 80 phụ nữ khuyết tật tại Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hóa, trao tặng bò giống và lợn nái sinh sản, gà, dê cho các chị em khó khăn nhất…

Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam có trang Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp để nắm thông tin kiến thức, để liên kết các PNKT khởi nghiệp với nhau.

Đọc thêm