Trợ giúp người bị xâm hại tình dục: Cần thật nhiều mảnh ghép để “vá lành”

(PLVN) - Xâm hại tình dục (XHTD) đặc biệt với phụ nữ, trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam và thường để lại các hậu quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng. Do vậy, việc có nhiều mảnh ghép để “vá lành” các “lỗ thủng” do hậu quả của XHTD gây ra là rất cần thiết.
XHTD thường để lại cho nạn nhân các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng.
XHTD thường để lại cho nạn nhân các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng.

Vấn nạn XHTD đang có chiều hướng gia tăng

Trang là một cô gái sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Cha em làm việc ở một tỉnh khác và chỉ về nhà một, hai lần một tháng, nhưng những lần về thăm nhà của cha em không mang lại điều gì vui vẻ. Trang chứng kiến cha đánh đập mẹ tàn tệ và em cho rằng mình là nguyên nhân của sự bất hạnh cho gia đình. Từ suy nghĩ này em rất sợ bị bỏ rơi và luôn cố trở nên hoàn hảo.

Không những thế em còn bị người chú xâm hại tình dục, nhưng em cũng chỉ tự trách mình chứ không dám nói ai vì sợ mọi người thêm lý do để chê trách, bỏ rơi mình. “Mình phải ngoan, phải ổn để không bị bỏ rơi” – Trang luôn tự nhủ và bắt mình phải cố gắng như vậy. Sự chịu đựng của Trang lên đến đỉnh điểm khi cha em ra tù trở về nhà và bắt đầu quát mắng em và càng làm cho Trang nhấn sâu hơn vào “vũng bùn” của suy nghĩ mình vô cùng tồi tệ. Ý nghĩ đó là cho Trang hoảng loạn đến mức không thể thở được…

Câu chuyện của Trang không hiếm gặp ở nhiều phụ nữ và các em gái vị thành niên và đặc biệt nặng nề khi họ là nạn nhân của XHTD. Vấn nạn XHTD đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại ở Việt Nam. Khảo sát năm 2014 với 2.000 phụ nữ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 87% trong số này đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Một nghiên cứu tại 30 trường học ở Hà Nội, 31% học sinh nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng và 11% từng bị xâm hại, quấy rối tình dục. Trong nhóm phụ nữ khuyết tật, cứ 10 người thì 4 người bị XHTD với các hình thức khác nhau. Mỗi năm cả nước có trên 1200 trẻ em báo cáo bị XHTD.

Theo báo cáo của TANDTC, trong 5 năm từ 2013-2018, tòa tiếp nhận 8.254 vụ XHTD trẻ em. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy gần 58% phụ nữ được phỏng vấn cho biết đã từng bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc/và tinh thần bởi chồng hay bạn tình lâu dài; 10% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người khác ngoài chồng từ năm 15 tuổi.

XHTD thường để lại cho nạn nhân các hệ quả nghiêm trọng trước mắt và lâu dài về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí là mất đi tính mạng. Đơn cử như nhận định của luật sư Nguyễn Văn Tú – Công ty Luật Fanci về vụ án XHTD trẻ em diễn ra tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, HN vừa được TAND TP Hà Nội  xét xử ngày 15/9 vừa qua.

Thủ phạm của vụ việc này không những xâm hại  nhiều lần hai bé gái, trong đó có một bé khuyết tật trí tuệ làm cho nạn nhân mang thai, mà còn có hành vi thú tính là bắt bé gái này phải bị trói chứng kiến việc y làm với bé gái kia.

Là người bảo vệ quyền lợi của hai bé gái trước tòa, luật sư Nguyễn Văn Tú – Công ty Luật Fanci đánh giá việc bị bắt chứng kiến đã vĩnh viễn để lại sự tổn thương ghê gớm trong tâm hồn đứa trẻ và đây là hành vi phạm tội đầy man rợ, cần thiết có sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Chương trình can thiệp còn nhiều khoảng trống

Quay lại với câu chuyện của Trang, em đã liên lạc với Haga là tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương, Năm 2009 Haga Việt Nam thành lập để cung cấp dịch vụ chăm sóc và bảo vệ phụ nữ từng trải qua bạo lực, xâm hại qua đường dây nóng.

Tại Haga, Trang đã có thể chia sẻ câu chuyện của mình và sau 12 phiên tham vấn tâm lý, Trang đã hiểu bạo lực gia đình đã gây tổn thương và nỗi đau cho em. Trang đã có thể chấp nhận bản thân mình với tất cả các tổn thương và mảnh vỡ.

“Chỉ đến khi tôi có thể chấp nhận sự thật rằng tôi đã bị tổn thương, tôi mới có thể trân trọng chính con người mình. Tôi đang được hàn gắn” – Trang nói. Không chỉ thế, nhờ vượt qua sang chấn tâm lý, mối quan hệ giữa Trang và mẹ đã tốt hơn, thay vì áp lực em phải chịu khi phải đồng tình với mẹ im lặng trước bạo lực như trước đây.

Câu chuyện của Trang là một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện của những người phụ nữ đã và đang được Haga hỗ trợ để chữa lành sang chấn tâm lý sau nỗi đau mà họ phải chịu từ việc mua bán người, xâm hại, bạo lực trên cơ sở giới.

Từ góc độ của công tác quản lý nhà nước về giới, bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới – Bộ LĐTB&XH nhận định việc chưa có mô hình chuẩn dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực giới, bị XHTD và đây là những khoảng trống đang hiện hữu trong các chương trình can thiệp ở Việt Nam hiện nay. 

Sang chấn tâm lý nếu không được hàn gắn có thể gây hậu quả suốt đời – đó là nhấn mạnh của bà Tô Thị Hạnh – Trưởng Nhóm hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn của Haga Việt Nam. Theo bà Hạnh, những hậu quả đó tác động lên cả thể chất, tâm lý lẫn hành vi xã hội. Vì thế, cần có hiểu biết về sang chấn để tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho nạn nhân của mua bán người, XHTD, bạo lực giới. 

Mới đây, trước thực trạng XHTD gia tăng, để việc thăm khám kịp thời và đầy đủ còn giúp tăng khả năng thu thập chứng cứ pháp lý, giúp đem lại công lý cho người bị XHTD và gia đình họ và dự phòng tác hại cho xã hội.  Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị XHTD”.

Theo đó, 5 nguyên tắc chăm sóc, hỗ trợ y tế cho người bị XHTD là: Chăm sóc y tế cho người bị xâm hại tình dục ưu tiên trước hết vào các vấn đề sức khỏe của người bị hại; Thu thập bằng chứng pháp y là ưu tiên thứ hai trừ trường hợp người bị hại được chuyển đến theo yêu cầu của cơ quan giám định; Bảo mật thông tin: cơ sở y tế và cán bộ y tế liên quan có trách nhiệm đảm bảo bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc và cá nhân người bị xâm hại hay gia đình của họ.

Chỉ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, cơ sở y tế mới được chia sẻ thông tin chi tiết về trường hợp bị xâm hại tình dục; Tôn trọng quyền của người bị xâm hại tình dục, các dịch vụ cung cấp dựa trên nhu cầu và sự đồng thuận của người bị xâm hại tình dục hoặc người bảo hộ khi người bị hại chưa đủ 18 tuổi; Việc cung cấp dịch vụ y tế cho người bị xâm hại tình dục được lồng ghép vào dịch vụ hiện có.

Bên cạnh các quy định chung về cơ sở vật chất do ngành Y tế quy định, cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ cho người bị xâm hại tình dục cần đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin; môi trường thân thiện, không phán xét, không đổ lỗi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề cập đến vấn đề sàng lọc, chăm sóc y tế cho người bị nghi ngờ XHTD và với một số nhóm đặc thù nghi bị xâm hại tình dục như trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ cao tuổi, nam giới, người đồng tính, song tính, chuyển giới, tài liệu cũng hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc chung, những lưu ý khi thăm khám, xử trí y tế.

Được biết từ khi thành lập đến nay, Haga Việt Nam đã hỗ trợ người trải qua sang chấn trên 30 tỉnh, thành ở Việt Nam và vẫn đang tiếp tục với các địa phương khác. Nhiều cán bộ địa phương sau khi được tập huấn đã cho biết họ đã nhận ra hành vi và hành động của mình vô tình gây tái sang chấn cho nạn nhân. 

Thế nên, có thể khẳng định rằng, việc ứng xử với người bị XHTD nói riêng và bị bạo lực giới nói chung ở Việt Nam đã và đang cần sự hiện hữu, chung tay của rất nhiều mảnh ghép giúp “vá lành”. Cùng với hoạt động hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này, hy vọng rằng việc ngành y tế hướng dẫn chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị XHTD sẽ lấp đầy dần khoảng trống về “việc chưa có mô hình chuẩn dịch vụ cho nạn nhân bị XHTD, bạo lực giới” ở Việt Nam hiện nay.

Đọc thêm