(PLO) - Bản di chúc của cụ Hoàng Văn Son (khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy) mặc dù có hai người hàng xóm chứng kiến ký tên nhưng vẫn bị TAND huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bác bỏ. Tuy nhiên, việc bác bỏ thiếu căn cứ này đã bị Tòa cấp phúc thẩm “tuýt còi”, tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.
Hai người hàng xóm chứng kiến việc lập di chúc
Cụ Hoàng Văn Son và cụ Hoàng Văn Quyên có 6 người con (2 trai, 4 gái). Khi còn sống, hai cụ sống với người con thứ 5 là ông Hoàng Văn Hanh (SN 1976) trên khu nhà đất hai cụ tạo dựng được tại khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.
Sau khi hai cụ qua đời thì vào tháng 10/2012, con trai cả là ông Hoàng Văn Phấn (SN 1954) có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với khối di sản của bố mẹ cho 6 anh chị em vì cho rằng các cụ không để lại di chúc.
Trong khi đó, ông Hanh lại khẳng định cụ Son có viết di chúc ngày 16/6/2011 để lại toàn bộ tài sản cho ông. Đồng thời, ông đã xuất trình bản di chúc này (có chữ ký “Son” cùng chữ ký của hai người hàng xóm làm chứng là ông Nguyễn Văn Soi và ông Trần Văn Chính) để bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại các lần lấy lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng Nguyễn Văn Soi cho biết mình được gia đình cụ Son mời sang nhà chứng kiến việc lập di chúc ngày 16/6/2011. Thời điểm cụ Son lập di chúc vào đầu giờ chiều, trạng thái tinh thần của cụ hoàn toàn minh mẫn, khỏe mạnh. Cụ Son đọc nội dung di chúc cho ông Hanh ghi lại với nội dung để lại toàn bộ di sản cho ông Hanh.
|
Bản di chúc của cụ Son. |
Di chúc lập xong, cụ Son đã được nghe đọc lại và bổ sung phần cuối bản di chúc về việc chấp hành quy định của gia tộc và đối nội, đối ngoại. Sau đó, cụ Son ký vào bản di chúc trước mặt người làm chứng… Khoảng 10 ngày sau, cụ Son mới gửi ông bản di chúc này và dặn là khi nào anh em ông Hanh có sự tranh chấp thì đưa di chúc này ra.
Sau khi cụ Son chết, ngày 28/9/2012 ông Soi đã bàn giao bản di chúc này cho ông Hanh.
Trong khi đó, một nhân chứng khác là ông Trần Văn Chính trình bày, ông được gia đình ông Hanh mời đến làm chứng bản di chúc ngày 16/6/2011 vì ông vừa là anh em, vừa là trưởng khu. Khi đến nhà ông Hanh đã thấy ông Soi ở đó. Di chúc được lập vào đầu giờ chiều ngày 16/6/2011. Khi đó, cụ Son trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Cụ Son ngồi đọc nội dung di chúc cho ông Hanh viết. Sau khi di chúc lập xong, đã đọc lại cho cụ Son và mọi người nghe. Sau đó, cụ Son ký tên, ông Chính và ông Soi ghi người làm chứng.
Bị hủy án vì vội vàng bác bỏ di chúc
Xử sơ thẩm vụ kiện, TAND huyện Thanh Thủy thừa nhận bản di chúc ngày 16/6/2911 có ông Soi, ông Chính làm chứng như trên là bảo đảm có hai người làm chứng theo quy định. Tuy nhiên, Tòa này đã tiến hành trưng cầu giám định chữ ký của cụ Son tại bản di chúc. Sau khi so sánh với tài liệu mẫu, Viện Khoa học Hình sự đã kết luận là “không đủ cơ sở kết luận người ký”. Chính vì vậy, TAND huyện Thanh Thủy cho rằng “không có đầy đủ căn cứ để xác định bản di chúc do người đứng tên là Hoàng Văn Son lập ngày 16/6/2011 hợp pháp”. Từ đó, Tòa này đã không công nhận tính hợp pháp của di chúc và tiến hành chia thừa kế theo pháp luật theo yêu cầu của nguyên đơn.
|
Chữ ký của 2 người làm chứng. |
Sau đó, bản án này đã bị VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị vì cho rằng Tòa cấp sơ thẩm có vi phạm về thu thập chứng cứ… Bản thân ông Hanh cũng có kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm công nhận bản di chúc lập ngày 16/6/2011 của bố ông là hợp pháp.
Xử phúc thẩm vụ kiện này, TAND tỉnh Phú Thọ cho rằng, căn cứ vào khoản 2 Điều 650, Điều 652, Điều 653, Điều 654, Điều 656, bản di chúc của cụ Son ngày 16/6/2011 có hai người làm chứng là đủ điều kiện. Còn căn cứ vào kết quả giám định thì chưa thể khẳng định chữ ký bản di chúc là không phải chữ ký của cụ Hoàng Văn Son. Lẽ ra, Tòa cấp sơ thẩm cần phải thu thập chứng cứ để có cơ sở kết luận rõ về chữ ký của cụ Son trong bản di chúc. Tòa án cấp sơ thẩm đã không công nhận tính hợp pháp của bản di chúc do cụ Son lập ngày 16/6/2011 là xem xét chưa toàn diện và triệt để.
Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm còn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc ban hành bản án. Bản án HĐXX tuyên tại phiên tòa có một số nội dung không đúng với bản án đã ban hành. Do vậy, tại Bản án số 82/2013/DS-PT, TAND tỉnh Phú Thọ đã hủy bản án dân sự của TAND huyện Thanh Thủy, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa này giải quyết lại.
Tuy nhiên, từ hơn hai năm nay, TAND huyện Thanh Thủy vẫn chưa mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2 theo đúng thời hạn tố tụng.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.