Ông Trần Ngọc Mai (SN 1936), hiện cư trú tại xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ có đơn gửi Báo PLVN đề nghị giúp đỡ một việc như sau: Bố mẹ ông Mai là cư dân lâu đời tại địa phương đều đã mất. Các cụ có 2 mẫu 6 sào ruộng được bố mẹ chia cho khi ra ở riêng. Gia đình có 5 người con (3 gái, 2 trai). Năm 1952, ông Mai tham gia thanh niên xung phong đi chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ, sau đó là Công an cho đến lúc nghỉ hưu. Em trai ông là Trần Ngọc Cúc năm 1963 đi bộ đội và phục vụ quân ngũ đến lúc nghỉ hưu.
Suốt quá trình dài này, ở nhà chỉ có bố mẹ già và một người cháu nội, con ông Cúc. Gia đình vào Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhập 3 mẫu 6 sào ruộng và 3 con trâu, còn đất nhà, vườn và ao thì vẫn giữ nguyên. Khi HTX giải thể, gia đình ông không được chia bất cứ thứ gì do bố mẹ ông đã quá tuổi lao động, còn cháu nội đang tuổi vị thành niên.
Năm 2009, hai anh em ông Mai về quê sinh sống mới biết gia đình mình không được cấp ruộng, ruộng nhập vào HTX đã chia cho người khác, thậm chí ao, đất vườn nhà ông cũng bị hàng xóm chiếm dụng, cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đó.
Có nhu cầu đất ở làm nơi thờ tự, có ruộng để con cháu làm ăn, hai ông đã khiếu nại đòi đất đến các cấp xã và huyện. Song với lý do “thời gian quá lâu”, “tồn tại lịch sử” nên không giải quyết được. Các ông tiếp tục đệ đơn lên tỉnh, tỉnh trả về huyện với lý do “đã phân cấp”. Các ông khởi kiện vụ việc ra tòa nhưng không hiểu vì lý do gì từ năm 2012 đến nay, TAND huyện Yên Lập không thụ lý và cũng không trả lời lý do. Các khiếu nại của các ông cũng chưa có một cấp chính quyền nào ra quyết định giải quyết bằng văn bản.
Yêu cầu của các ông là đề nghị chính quyền trả lại những tài sản, ruộng đất mà gia đình đã nhập vào HTX, trả lại đất vườn của ông bà mà chính quyền đã cấp cho người khác, kể cả cái ao không nhập vào HTX đang bị người khác chiếm dụng,... Những yêu cầu này là chính đáng, bởi các hộ trong làng xóm cũng đều được hưởng như vậy. Tuy nhiên, vì thời gian đã trôi qua khá lâu nên việc giải quyết gặp không ít khó khăn. Vấn đề là ở chỗ không ai giải quyết các yêu cầu của các ông cả. Bây giờ ở độ tuổi 80, hai ông già lọ mọ đi gõ cửa các cơ quan công quyền.
Thiết nghĩ, các ông đều thuộc diện chính sách, đều là những quân nhân, đều cống hiến sức lực cả đời mình cho chế độ. Vì thế, đây là trường hợp phải được đặc biệt quan tâm, giải quyết đến nơi đến chốn quyền lợi chính đáng của những công dân thoát ly đi cách mạng giờ trở về quê hương. Như vậy mới đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật, phù hợp đạo lý và lẽ công bằng xã hội.