Phượng Hoàng Trung Đô và đền thờ Hoàng đế Quang Trung linh thiêng ở xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gắn liền với lịch sử của Phượng Hoàng Trung Đô xưa, vốn là kinh thành do Hoàng đế Quang Trung xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung là một địa chỉ văn hóa tâm linh uy nghi và mang nhiều nét huyền bí, cùng một cảnh quan tuyệt đẹp tại thành phố Vinh.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung ở thành Vinh.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung ở thành Vinh.

Đây còn là địa chỉ đỏ để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân về những nhân vật lịch sử anh hùng cùng những trang sử đầy tự hào, vẻ vang của lịch sử đất nước.

Di tích Phượng Hoàng Trung Đô

Đền Hoàng đế Quang Trung là công trình kiến trúc mang nhiều giá trị về lịch sử, tâm linh, văn hóa gắn liền với việc thờ vị vua anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vì thế du khách khi đến với thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), dường như ai cũng muốn ghé thăm ngôi đền nổi tiếng này.

Ngôi đền nằm trọn trong rừng thông thơ mộng với độ cao 97m so với mực nước biển. Từ trên đền nhìn xuống có thể ngắm toàn cảnh TP. Vinh, núi Hồng sông Lam, biển Cửa Lò, đảo Ngư, đảo Mắt, làng Tiên Điền quê hương Đại thi hào Nguyễn Du...

Vua Quang Trung là trụ cột của nghĩa quân Tây Sơn, người có công lao to lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc. Theo một số nhà nghiên cứu, tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn vốn người làng Thái Lão (xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Trong những năm 1655 - 1660, dòng họ này gốc là họ Hồ, theo chúa Nguyễn vào ấp Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, nay là tỉnh Bình Định để khai hoang mảnh đất mới mở rộng. Vào đây, họ Hồ đổi thành họ Nguyễn, mấy đời sau sinh ra ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Toàn cảnh Phượng Hoàng Trung đô nhìn từ trên cao.Toàn cảnh Phượng Hoàng Trung đô nhìn từ trên cao.

Năm 1771, Nguyễn Nhạc cùng với hai người anh em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ Đàng Trong. Sau đó, Nguyễn Huệ hai lần tiến quân ra Bắc, lần lượt đánh đổ vua Lê, chúa Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, sáng nghiệp ra nhà Nguyễn Tây Sơn, rồi thần tốc kéo quân ra Bắc đánh đuổi ngoại xâm. Trên đường tiến quân, nhà vua đã cho dừng lại ở Nghệ An để mộ quân.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung nhìn thấy rõ thế chiến lược của vùng đất Nghệ An và lòng người xứ Nghệ nên đã giao cho Trấn Thủ Thận và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng Thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” viết: “Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào giữa chính nước, đường sá từ Nam ra, từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai lính đào đá ong ở địa phương để xây dựng thành trong. Dựng tòa lầu rồng ba tầng cung điện Thái Hòa, hai dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành”.

Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam.

Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam.

Hơn 1 năm sau, sau đại thắng Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, trong tờ chiếu gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một lần nữa Nguyễn Huệ Quang Trung khẳng định việc xây dựng bằng được Phượng Hoàng Trung Đô để đóng đô ở Nghệ An. Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian ngắn và gấp, nhưng thành đã có thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa – nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều. Rất tiếc, khi thành Phượng Hoàng vừa xây xong, kế hoạch dời đô còn dang dở thì Hoàng đế đột ngột băng hà.

Ngày nay trên nền lầu rồng cũ Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô đã được lập nên để ghi dấu về địa điểm mà xưa kia kinh thành tọa lạc. Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Đền Quang Trung - điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn

Quần thể di tích danh thắng núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô được Bộ VH &TT công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Đến năm 2005, thể theo nguyện vọng của nhân dân và tỏ lòng biết ơn vị anh hùng áo vải, di tích đền thờ Hoàng đế Quang Trung được khởi công xây dựng.

Đến ngày 7/5/2008, công trình có ý nghĩa lịch sử này được khánh thành nhân kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô. Việc xây dựng ngôi đền tại quê cha đất tổ của Hoàng đế Quang Trung và di tích Phượng Hoàng Trung Đô thuộc quần thể danh thắng cấp quốc gia Núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh là rất phù hợp với ý nghĩa tâm linh và lịch sử.

Nằm trên núi Dũng Quyết, do đó để đi lên ngôi đền, du khách sẽ men theo 1 km đường núi quanh co uốn lượn, được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, đất trời. Bước lên theo 81 bậc tam cấp, kiến trúc ngôi đền hiện ra uy nghi bề thế và cổ kính, tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa ở Việt Nam. Khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm một cổng lớn và hai cổng nhỏ đối xứng ở hai bên. Cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài.

Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá có chạm khắc hoa văn. Sau bình phong là 2 nhà bia ngoảnh mặt vào nhau. Nhà bia phía bên tay phải gồm 1 chuông lớn và bia khắc bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Hoàng đế Quang Trung với lòng tự hào dân tộc. Nhà bia phía bên tay trái gồm 1 trống lớn và bia khắc công trạng Hoàng đế Quang Trung ghi lại những mốc son chói lọi trong sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị.

Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim. Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm. Nhà tả vu là phòng trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan cuộc đời hoạt động của Hoàng đế Quang Trung và Triều đại Tây Sơn. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng 1.500m2 với vườn cây đại, bồ đề và các chậu cây cảnh hòa chung vào không gian của rừng thông thơ mộng.

Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả 3 nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Khung thờ ở đền được bố trí theo tín ngưỡng thờ phụng truyền thống của người Việt Nam là tiền phật hậu thánh. Đáng chú ý ở nhà hạ điện là bức đại tự bằng chữ Hán, phiên âm “Nghệ dục Bình sinh” dịch nghĩa: Nghệ An là quê cha đất tổ, còn Bình Định là nơi người anh hùng áo vải sinh ra và lớn lên.

Hàng năm đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 dịp lễ trọng là ngày 29 tháng 7 âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch là ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Vào những ngày này, du khách thập phương lại đến đây để hưởng thụ những giá trị văn hóa tâm linh, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí tĩnh mịch linh thiêng của ngôi đền.

Giữa thành Vinh ồn ào tấp nập, đền thờ Hoàng đế Quang Trung được ví như viên ngọc xanh giữa lòng phố thị. Ngôi đền trở thành địa điểm không thể thiếu trong sổ tay du lịch tâm linh của du khách khi về với Nghệ An. Đây còn là địa chỉ đỏ để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân về những nhân vật lịch sử anh hùng cùng những trang sử đầy tự hào, vẻ vang của lịch sử đất nước.

Đọc thêm